Chôn, đốt hàng ế: Nỗi đau của cả thương hiệu thời trang lẫn môi trường
Pháp đang đặt ra mục tiêu giảm thiểu tác động nặng nề tới môi trường của ngành thời trang thông qua một sáng kiến phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.
Ông trùm hàng xa xỉ dẫn đầu nỗ lực giảm tác động môi trường
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chọn Tổng giám đốc điều hành Francois Henri Pinault của tập đoàn Kering dẫn dắt nỗ lực thực hiện nỗ lực này. Kering - có trụ sở tại Paris - là công ty mẹ của nhiều hãng thời trang cao cấp nổi tiếng trên thế giới như Gucci, Saint Laurent, Balenciaga, Bottega Veneta và Alexander McQueen.
Ông Francois Henri Pinault, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Kering ở Pháp. Ảnh: New York Post
Pháp, quốc gia mà thời trang cao cấp là ngành siêu lợi nhuận, bày tỏ mong muốn các thương hiệu trên thế giới sẽ cam kết cải thiện các vấn đề liên quan đến sự lành mạnh của đại dương, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu trong hội nghị thượng đỉnh G7 vào mùa hè năm nay tại thành phố Biarritz, Pháp.
Trao đổi trong một cuộc phỏng vấn diễn ra tại Copenhagen, ông Pinault phát biểu: "Các mục tiêu cụ thể có thể bao gồm việc loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần trong vòng 3 năm hoặc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030. Tất cả tổ chức, cá nhân chủ chốt trong ngành hàng xa xỉ đang nghiên cứu các vấn đề này nhưng vấn đề là nếu triển khai mọi thứ tách biệt, chúng ta sẽ không đạt ảnh hưởng như mong muốn".
Khi các chính phủ và người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tác hại của ngành công nghiệp thời trang đến môi trường, một số thương hiệu đã cấm sử dụng những chất liệu gây tranh cãi như lông thú hoặc sử dụng các chất liệu mới như chất liệu giả da từ nấm để sản xuất túi xách.
LVMH, tập đoàn đang sở hữu 2 thương hiệu nổi tiếng Louis Vuitton và Dior, vừa hợp tác với Unesco nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ ngành công nghiệp xa xỉ như bảo vệ môi trường sống của loài ong đen. Mật ong đen là nguyên liệu quan trọng để tạo ra sản phẩm chăm sóc da của Guerlain.
Mặc dù vậy, tiến trình cải thiện tác động xã hội và môi trường của ngành thời trang đang diễn ra chưa đủ nhanh để đối trọng với sự phát triển nhanh chóng trong hoạt động sản xuất, theo báo cáo mà Công ty tư vấn quản lý Boston (BCG) và các nhóm thời trang bền vững mới công bố.
Tiêu hủy hàng tồn là thông lệ của các thương hiệu thời trang xa xỉ. Ảnh: wboc.com
Các nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor nhận định mức tăng trưởng dự kiến của thị trường may mặc và giày da trên thế giới - neo ở mức 5% mỗi năm đến năm 2030 – có thể "gây ra những áp lực chưa từng có tiền lệ đối với các nguồn tài nguyên trên trái đất" bằng cách tăng công suất lên mức trên 100 triệu tấn/năm, theo báo cáo.
Đốt, chôn hàng tồn: Hành vi gây hại môi trường của thương hiệu xa xỉ
Bỏ thông lệ tiêu hủy các mặt hàng tồn đọng là yếu tố trọng tâm trong công cuộc cải tổ ngành công nghiệp thời trang. Tại Pháp, chính phủ đang xem xét lệnh cấm tiêu hủy sản phẩm tồn.
Trong khi các thương hiệu thời trang đại chúng cố gắng giảm giá để bán hết sản phẩm, những thương hiệu cao cấp lại chọn giải pháp đốt hay chôn các sản phẩm tồn tại các bãi rác để tránh nguy cơ tổn thất đối với hình ảnh của họ từ tình trạng hàng xa xỉ nằm các thùng hàng giảm giá.
"Rất nhiều công ty cảm thấy vứt hay tiêu hủy những đôi giày hay mặt hàng thời trang tồn động là việc bình thường. Giờ đây quý vị không nên làm vậy. Thực trạng đó thật đáng kinh ngạc", Thứ trưởng Sinh thái Pháp Brune Poirson phát biểu trong một hội thảo về thời trang ở Copenhagen.
Poirson kêu gọi các thương hiệu giải quyết các vấn đề ở cấp độ của ngành trước nhưng ông cũng khẳng định chính phủ sẽ sớm ban hành lệnh cấm. Động thái của chính phủ Pháp diễn ra sau khi tập đoàn Burberry Group thông báo vào năm ngoái rằng họ sẽ chấm dứt thông lệ sau khi báo giới phát hiện nhà sản xuất áo khoác măng tô (trench coat) của Anh đã tiêu hủy số hàng tồn trị giá 29 triệu bảng Anh (tương đương 37 triệu USD) vào năm 2017.
Tìm ra cách thức mới để tiêu hủy những áo khoác trị giá 2.500 USD hay những đôi giày 1.000 USD sẽ là một thách thức đối với các thương hiệu thời trang cao cấp khi mà họ không muốn hạ giá các sản phẩm tồn kho vì các chất liệu trong sản phẩm khiến quá trình tái chế gặp khó khăn.