Chỉ Louis Vuitton mới có thể thành công ở Trung Quốc mà không cần đến Alibaba
Nguồn: Bloomberg |
Louis Vuitton là thương hiệu cao cấp mới nhất tiến vào thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc, đặt cược vào các khách hàng sẽ ưu ái nhà bán túi xách tay với logo chữ in trên sản phẩm hơn các nhà khổng lồ bán trực tuyến trong nước như JD.com và Alibaba.
Danh mục sản phẩm bán trực tuyến sẽ bao gồm các sản phẩm làm từ da, giày, đồng hồ và đồ trang sức từ LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton. Trước đó, Gucci đã đóng cửa gian hàng của mình trên TMall của Alibaba để đặt cược vào chiến lược họ có thể làm tốt dù tách ra kinh doanh một mình.
Thương mại điện tử và đồ cao cấp đều chiếm thị phần lớn ở Trung Quốc. Theo Euromonitor International, doanh thu từ bán hàng trực tuyến hiện chiếm gần 1/5 tổng chi tiêu tại Trung Quốc, nơi người tiêu dùng thích sự tiện lợi của ứng dụng trên điện thoại, trả tiền thông qua thanh toán điện thoại và nhận đồ trong thời gian ngắn.
Trung Quốc cũng được kỳ vọng vượt qua Mỹ để trở thành thị trường đồ xa xỉ lớn nhất thế giới trong vòng 4 năm tới, Euromonitor cho biết. Bất chấp sức ép từ phía chính phủ trong việc giảm tiêu thụ, Trung Quốc vẫn là nơi có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, trừ Mỹ. Bên cạnh đó là mong muốn thể hiện mức độ giàu có của tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Mặc dù vậy, doanh số bán trực tuyến xa xỉ phẩm vẫn thấp so với thị trường nói chung.
Số liệu từ Euromonitor cho biết, thương mại điện tử chiếm ít hơn 10% doanh số bán hàng cao cấp ở Trung Quốc, vì nhiều thương hiệu lớn không muốn bán hàng trực tuyến. Mặc dù, Alibaba và JD.com đã nỗ lực để thuyết phục các nhà sản xuất và người tiêu dùng, những thương hiệu như LVMH và Chanel lo ngại về rủi ro thất bại, và việc xuất hiện tràn lan khi bán trực tuyến ảnh hưởng đến các sản phẩm độc quyền của họ.
Bằng việc tạo ra trang web của riêng mình, LVMH và Gucci hy vọng có thể kiểm soát tốt hơn việc bán các sản phẩm. Khách hàng có thể trải nghiệm mua hàng cao cấp, với dịch vụ vận chuyển “găng tay trắng” (dịch vụ bao gồm từ vận chuyển, tháo dỡ, lắp ráp và dọn dẹp), truy cập VIP, mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, cùng với sự tiện lợi.
Điều đó cũng có nghĩa là hai thương hiệu này sẽ cạnh tranh trực tiếp với Alibaba và JD.com, những công ty tạo nên thương mại điện tử ở Trung Quốc và đào tạo một thế hệ những người mua sắm không quan tâm tới những cửa hàng truyền thống.
Tuy nhiên, những gã khổng lồ thương mại điện tử cũng đang theo đuổi thị trường xa xỉ phẩm. JD gần đây đầu tư 397 triệu USD mua cổ phần của Farfetch, một hãng bán lẻ trực tuyến hàng cao cấp, và sẽ giải quyết vấn đề vận truyển nội địa cho công ty có trụ sở tại London này.
Khi đi theo con đường của riêng mình, các thương hiệu thời trang sẽ mất quyền tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ của Alibaba và JD, cũng như các hoạt động kho vận và giao hàng của công ty Internet.
Tuy nhiên, đối với những cái tên như LVMH hay Gucci đây không phải là vấn đề, nhưng đừng kỳ vọng mô hình này có thể áp dụng với bất kỳ thương hiệu nào. Cũng như không có nhiều thương hiệu có thể vượt qua LVMH, các công ty không nên kỳ vọng có thể giành chiến thắng trong cuộc chạy đua với Alibaba và JD.