|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Gian lận sổ sách (Cook the books) là gì? Các cách gian lận sổ sách

21:38 | 06/04/2020
Chia sẻ
Gian lận sổ sách (tiếng Anh: Cook the books) là một thuật ngữ tiếng lóng ám chỉ việc sử dụng các thủ thuật kế toán để làm cho kết quả tài chính của một công ty trông tốt hơn so với thực tế.
Gian lận báo cáo tài chính (Cook the books) là gì? Các cách gian lận báo cáo tài chính - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Investopedia.

Gian lận sổ sách

Khái niệm

Gian lận sổ sách trong tiếng Anh là Cook the books.

Gian lận sổ sách là một thuật ngữ tiếng lóng ám chỉ việc sử dụng các thủ thuật kế toán để làm cho kết quả tài chính của một công ty trông tốt hơn so với thực tế. Thông thường, gian lận sổ sách liên quan đến việc thao túng dữ liệu tài chính để tăng thu nhập của công ty và giảm chi phí để tăng lợi nhuận.

Lịch sử gian lận sổ sách

Trong những năm đầu tiên của thiên niên kỉ mới, một số công ty lớn thuộc Fortune 500, như Enron và WorldCom, đã bị phát hiện sử dụng các thủ thuật kế toán tinh vi để phóng đại lợi nhuận của họ. Nói cách khác, họ đã gian lận sổ sách. Một khi những vụ lừa đảo lớn này được đưa ra ánh sáng, các vụ bê bối sau đó đã cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lí một bài học rõ ràng về việc một số công ty đã dùng những thủ thuật tinh vi nào để che giấu sự thật trong các báo cáo tài chính của họ.

Để giúp khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002. Một trong những điều khoản quan trọng nhất là các cán bộ cao cấp của tập đoàn phải chứng nhận bằng văn bản rằng báo cáo tài chính của công ty họ "tuân thủ các yêu cầu công khai của SEC và mang tính công bằng trong mọi khía cạnh hoạt động và điều kiện tài chính của tổ chức phát hành báo cáo." 

Các giám đốc điều hành cố tình kí vào báo cáo tài chính có gian lận sẽ phải đối mặt với hình phạt hình sự, bao gồm cả án tù. Nhưng ngay cả khi Sarbanes-Oxley có hiệu lực, vẫn có nhiều cách để các công ty gian lận sổ sách nếu họ quyết tâm làm như vậy.

Ví dụ về gian lận sổ sách

Gian lận doanh thu

Các công ty có thể sử dụng doanh số tín dụng để phóng đại doanh thu của họ. Đó là bởi vì các giao dịch mua mà khách hàng thực hiện bằng thẻ tín dụng có thể được ghi lại trên báo cáo tài chính dưới dạng doanh thu, ngay cả khi công ty cho phép khách hàng hoãn thanh toán trong sáu tháng. 

Ngoài việc cung cấp tài chính nội bộ, các công ty có thể mở rộng các điều khoản tín dụng cho các chương trình tài chính hiện tại. Vì vậy, việc tăng 20% doanh số có thể đơn giản là do một chương trình tài chính mới với các điều khoản dễ dàng mà không phải là sự tăng trưởng thực sự trong việc mua hàng của khách hàng.

Nhồi kênh phân phối

Các nhà sản xuất sử dụng cách "nhồi kênh phân phối" thông qua việc giao các sản phẩm không được đặt hàng cho các nhà phân phối của họ vào cuối quí. Các giao dịch này được ghi nhận là doanh số, mặc dù công ty hoàn toàn lường trước được rằng các nhà phân phối sẽ gửi trả lại sản phẩm.

Chi phí sai lệch

Nhiều công ty có "chi phí không phát sinh lại", hay còn gọi là chi phí một lần, được coi là sự kiện bất thường và khó có thể xảy ra lần nữa. Các công ty có thể phân loại hợp pháp các chi phí đó trên báo cáo tài chính của họ. Một số công ty lợi dụng cách này để báo cáo các chi phí mà họ thường phải trả là "chi phí không phát sinh lại", điều này làm cho lợi nhuận và triển vọng tương lai của họ trông tốt hơn so với thực tế.

Mua lại cổ phiếu

Mua lại cổ phiếu có thể là một động thái hợp lí cho các công ty có tiền mặt dư thừa, đặc biệt nếu cổ phiếu của họ đang giao dịch với mức giá thấp. Tuy nhiên, một số công ty mua lại cổ phiếu vì một lí do khác: để ngụy trang cho sự sụt giảm thu nhập trên mỗi cổ phiếu và họ thường vay tiền để làm điều đó. Bằng cách giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, họ có thể tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu ngay cả khi thu nhập ròng của công ty đã giảm.

(Theo Investopedia)

Hoàng Vy