Giám đốc phân tích SSI: Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 40% trong 2018
Chứng khoán sẽ bùng nổ năm Mậu Tuất từ mở hàng 140 tỷ USD vốn hóa |
Trong những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, NDH đã có buổi phỏng vấn với bà Hoàng Việt Phương về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay.
Bà Hoàng Việt Phương -Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) |
Bà nhận định ra sao về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2018?
Bà Hoàng Việt Phương: Quy mô thị trường chứng khoán trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh vì chỉ tính đến yếu tố IPO và niêm yết của các doanh nghiệp trong năm tới nếu đúng tiến độ thì quy mô thị trường đã có thể tăng trưởng khoảng 20%.
Bên cạnh đó, sựu gia tăng về điểm số cũng là yếu tố nhiều khả năng sẽ xảy ra vì nếu tính theo P/E, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải là cao. Theo ước tính của bộ phận Research, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường trong năm 2018 sẽ ở mức khoảng 17,8%. Còn trong năm 2017, lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường tăng khoảng 16,5. Với tiềm năng trên, PE của thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung vẫn đang ở mức hợp lý. Trong thời gian tới, mỗi năm quy mô thị trường chứng khoán sẽ tăng khoảng 10 - 20% và sẽ kéo hệ số PE này xuống.
Nhìn chung, TTCK Việt Nam năm 2018 ở mức khiêm tốn có thể tăng trưởng quy mô khoảng 25% trong đó 20% đóng góp từ làn sòng IPO và niêm yết cổ phiếu mới và 5% tăng về điểm số.
Theo bà, liệu có tiềm ẩn rủi ro nào sau thời kỳ tăng trưởng mạnh của năm 2017, yếu tố kinh tế vĩ mô trong năm tới sẽ ảnh hưởng ra sao?
Bà Hoàng Việt Phương: Cho đến hiện nay thị trường vẫn chưa nhìn thấy rủi ro nào thực sự lớn. Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp Nhà nước có thể là yếu tố cần lưu ý. Việc IPO, niêm yết bị chậm tiến độ hoặc kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường. Ngược lại, nếu mọi việc diễn biến tích cực như năm 2017 thì thực sự không có yếu tố rủi ro nào đáng kể.
Ở mặt kinh tế vĩ mô, lạm phát hơi cao so với 2017 cùng là điểm cần bám sát. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng cao cũng là yếu tố đáng chú ý tuy nhiên lại nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam.
Theo quan điểm cá nhân bà, nhóm ngành nào sẽ được quan tâm và dẫn dắt thị trường trong năm tới?
Bà Hoàng Việt Phương: Trong năm 2018, mức tăng lợi nhuận chung của thị trường khoảng 18%, nhưng ngành ngân hàng nhiều khả năng sẽ tăng trưởng cao có thể khoảng 40%. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ cần tăng vốn rất mạnh. Riêng trong năm nay Ngân hàng sẽ cần huy động khoảng 3,8 tỷ đồng từ thị trường để đáp ứng Basel II, trong đó techcombank là ngân hàng sẽ tăng vốn mạnh nhất. Vì vậy, các cổ phiếu ngân hàng đầu ngành sẽ nhận được nhiều chú ý.
Nhìn chung, tất cả các nhóm ngành đều có cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường chứng khoán cùng các yếu tố vĩ mô khác đang có chuyển biến tốt. Vấn đề ở đây là nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của đơn vị nào trong nhóm ngành đó, hiện nay các công ty đầu ngành là các mục tiêu đáng quan tâm.
Ngành bất động sản có VIC; ngành ngân hàng có ACB, VCB… ngành năng lượng có GAS, ngành tiêu dùng có VNM, ngành công nghệ thông tin có FPT, ngành dược phẩm có DHG….
Trong năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp IPO và niêm yết cổ phiếu, với lượng cung lớn xuất hiện, theo chị khả năng hấp thụ của thị trường (NĐT nội và khối ngoại) sẽ ra sao?
Bà Hoàng Việt Phương: Khi quy mô bán vốn và IPO càng lớn thì khả năng hấp thụ của thị trường càng tăng. Nguyên nhân nằm ở tâm lý của nhà đầu tư. Nếu một doanh nghiệp bán vốn với số lượng thấp và quy mô quá nhỏ như thời năm 2011, thì cổ đông thiếu sổ sẽ không có tự tin vì họ cảm thấy không có tiếng nói trong doanh nghiệp, bên cạnh đó bản chất doanh nghiệp sẽ không nhiều thay đổi dù có sự tham gia của cổ đông mới. Ngược lại với những thương vụ IPO có quy mô lớn và được triển khai quyết liệt ngoại trừ ngành nhạy cảm, NĐT nước ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư vào, vì họ biết sẽ có tiếng nói trong doanh nghiệp và tác động đền việc điều hành.
TTCK việt nam có quy mô quá bé so với các thị trường trên thế giới, nếu đầu tư vào lượng cổ phiếu quá nhỏ của doanh nghiệp thì không đủ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia, vì họ không thể quan tâm quá nhiều.
Theo bà những yếu tố nào là quan trọng nhất để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư?
Bà Hoàng Việt Phương: Hai yếu tố cần chú ý nhất là mức giá, tỷ lệ chào bán và sự minh bạch trong công bố thông tin.
Làn sóng niêm yết và IPO hiện nay rất khác so với làn sóng đầu tiên (10 năm trước), nhà đầu tư đã học được nhiều bài học vì vậy điều quan trọng là cần đưa ra mức giá hợp lý, tỷ lệ chào bán phù hợp. Bây giờ sẽ không còn những “deal” như thương vụ Vietcombank chào bán với giá 100.000 đồng/cp nữa. Nhà đầu tư cũng có nhiều sự lựa chọn và cơ hội hơn.
Một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng là việc công bố thông tin và định hướng chiến lược của công ty. Ban lãnh đạo của doanh nghiệp cần vạch ra được một định hướng rõ ràng, cụ thể về tương lai để nhà đầu tư có thể thấy được tiềm năng của công ty. Hiện nay, mặt công bố thông tin của các doanh nghiệp vẫn còn một số điểm hạn chế tồn, cần minh bạch hơn nữa, và có bản tiếng anh để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.