Chứng khoán sẽ bùng nổ năm Mậu Tuất từ mở hàng 140 tỷ USD vốn hóa
Thị trường chứng khoán năm Mậu Tuất qua góc nhìn phong thủy | |
Liệu dòng vốn có rút khỏi cổ phiếu và các thị trường mới nổi? | |
VN-Index trước và sau Tết như thế nào? |
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết vào ngày 21/2 (mùng 6 Tết) với chỉ số VN-Index ở mức 1.059,73 điểm, vốn hóa thị trường đạt gần 140 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Đinh Dậu 2017 ngày 13/2 vừa qua, chỉ số VN-Index dừng lại ở mốc 1.059,73 điểm, tăng tăng 1,72% so với phiên kế cận. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,88% lên mức 124,31 điểm, giá trị khớp lệnh trên cả hai sàn đạt hơn 5.115 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nếu so với đúng 1 năm trước đó (tính theo Âm lịch), chỉ số VN-Index đã tăng xấp xỉ 50% từ ngưỡng mức 710,79 điểm vào ngày mở cửa phiên giao dịch Tết Đinh Dậu (ngày 28/1/2017 Dương lịch).
"Mở hàng" đầu năm từ mức 140 tỷ USD vốn hóa
VN-Index tăng mạnh và liên tục trong năm vừa qua đã giúp vốn hóa toàn thị trương chứng khoán Việt Nam đi lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp lớn lên sàn trong năm 2017 cũng góp phần đẩy vốn hóa thị trường tăng theo, với hàng loạt cái tên như Vincom Retail, Vietnam Airlines hay Petrolimex…
Tổng quan thị trường chứng khoán trước khi mở cửa trở lại vào ngày 21/2 tới đây. Nguồn: Vietstock. |
Kết thúc năm Đinh Dậu 2017, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam ước đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 137 tỷ USD, tương đương khoảng 60% GDP của cả nước. Riêng vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên HoSE đạt mốc gần 2,87 triệu tỷ đồng, xấp xỉ 127 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử hơn 17 năm hoạt động của sàn giao dịch này.
10 doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt hiện chiếm khoảng gần 50% vốn hóa toàn thị trường. Trong đó, dẫn đầu là Vinamilk (VNM) với 280.800 tỷ đồng, xếp thứ 2 là Vingroup (VIC) với vốn hóa đạt 227.100 tỷ đồng, tiếp theo là Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với gần 200.300 tỷ đồng vốn hóa…
Trong phiên giao dịch cuối cùng năm Đinh Dậu, thị trường có tổng cộng 372 mã tăng giá gồm 35 mã tăng trần và 116 mã giảm giá với 16 mã giảm trần.
Theo báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) được Credit Suisse công bố mới đây, đơn vị này cũng đánh giá vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2017, với tỷ lệ 61%, vượt mặt hàng loạt thị trường tiềm năng khác như Áo với tỷ lệ 51%, các thị trường khác hầu hết ở ngưỡng 20%.
Những nền kinh tế lớn trên thế giới như Nga, Anh, Mỹ, Nhật Bản... có mức tăng trưởng dao động từ 10-15%.
Chỉ số VN-Index đã tăng rất mạnh trong 1 năm qua. |
Kỳ vọng bùng nổ trong năm Mậu Tuất
Trong một cuộc trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng kỳ vọng rất nhiều vào thị trường chứng khoán trong năm 2018.
Theo ông Hưng, bản thân thị trường chứng khoán không thể tự tốt nên hay xấy đi, mà chỉ tốt lên khi nền kinh tế phát triển tốt. Với những bước đi nền tảng như năm 2017, nền kinh tế 2018 được kỳ vọng sẽ tốt hơn rất nhiều, và điều này tạo đà bức phá cho chứng khoán.
“Tôi không quan trọng chỉ số VN-Index sẽ là bao nhiêu, nếu đặt chỉ số này là mục tiêu thì sẽ thành méo mó, vì không phải mặt bằng của tất cả công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán như nhau”, ông Hưng cho biết.
Ông Hưng cũng nói rằng khi nền kinh tế phát triển thì chắc chắn thị trường chứng khoán năm 2018 sẽ phát triển rất tốt, quy mô và thanh khoản thị trường sẽ lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt sẽ xuất hiện thêm nhiều phi vụ tỷ USD.
Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối môi giới khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Rồng Việt – VDSC (VDS), cũng kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Theo ông Hùng, nếu cho rằng thị trường chứng khoán Việt hiện nay đắt là không đúng chỉ số P/E (chỉ số giá trên thu nhập) hiện nay có thể cao. Tuy nhiên trong tương lại, khi nền kinh tế tăng trưởng thì chắc chắn thu nhập các doanh nghiệp sẽ tăng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng kéo mẫu số tăng thì P/E hiện nay chỉ là tạm thời sau đó sẽ giảm xuống.
Vị này cũng nói đó là lý do vì sao các nước có độ tăng trưởng còn tốt họ sẽ sàng để chỉ số P/E cao hơn mức thông thường.
“Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán như thị trường thế giới, yếu tố margin thay đổi, hay khối ngoại có đổ tiền vào nữa hay không… Tuy nhiên, dựa trên nhiều yếu tố ta có thời gian qua như kinh tế phát triển, ổn định vĩ mô, và dòng tiền khối ngoại vào thị trường. Tôi có niềm tin rất lớn vào TTCK Việt trong năm 2018 sẽ tăng trưởng tốt”, ông Hùng nhận định.