|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá thịt heo thấp kéo dài càng tạo thêm áp lực giảm phát cho Trung Quốc

23:55 | 16/11/2023
Chia sẻ
Giá thịt heo Trung Quốc có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, kéo dài giai đoạn lợi nhuận thấp cho người chăn nuôi heo và làm phức tạp thêm nỗ lực ngăn chặn áp lực giảm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nguồn cung heo dồi dào và mức tiêu thụ yếu kém do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có vẻ sẽ khiến thị trường thịt chịu áp lực giảm giá, bất chấp mùa cao điểm đối với nhu cầu thịt sắp đến. Giá thịt heo được dự báo có thể không phục hồi cho đến nửa cuối năm sau.

Đó là tin xấu đối với thị trường nông nghiệp Trung Quốc, đặc biệt đối với các nhà xuất khẩu thịt trên thế giới đang đóng vai trò bổ sung nguồn cung cho Trung Quốc và nông dân trồng đậu tương và ngô ở châu Mỹ, vốn là hai loại ngũ cốc chính để nuôi đàn heo khổng lồ của Trung Quốc.

Đây cũng là mối lo ngại đối với các thị trường tài chính rộng lớn hơn khi thịt heo chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa đo lường lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng trước đã giảm lần thứ hai trong năm nay và nguyên nhân chính là do giá thịt heo lao dốc. Đà giảm giá này kéo dài sẽ chỉ làm tăng thêm rủi ro giảm phát ở nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macronomics, cho biết: “Chúng tôi ước tính giá thịt heo chiếm tỷ trọng 2,3% trong rổ hàng hóa thiết yếu khi tính chỉ số giá tiêu dùng. Tác động lớn hơn đối với tình trạng giảm phát của nước này là khi giá các loại thịt khác thay thế thịt heo cũng giảm”.

Giá thịt heo giảm trong năm nay một phần là đang ở giai đoạn cuối của một trong những thời kỳ bùng nổ và sụp đổ đặc trưng của thị trường Trung Quốc. Cái gọi là "chu kỳ thịt heo" thường kéo dài ba năm hoặc bốn năm, khi nông dân gia tăng quy mô đàn heo nuôi để tranh thủ thu lợi nhuận nhờ giá cao, và sau đó thị trường đi xuống do nguồn cung lấn át nhu cầu.

Ông Zhu Di, nhà phân tích của GF Futures Co., cho biết chu kỳ này đã bị phá vỡ phần nào do dịch tả heo châu Phi, lần đầu tiên được phát hiện ở nước này vào năm 2018, dẫn đến biến động giá mạnh hơn bình thường. Tác động của đại dịch COVID-19 và sự hợp nhất trong ngành sản xuất thịt cũng khiến việc đánh giá sự lên xuống của thị trường thịt heo trở nên khó khăn hơn.

Ông Zhaopeng Xing, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ Group Holdings, cho biết chu kỳ hiện tại bắt đầu vào đầu năm 2021, khi giá giảm mạnh, do đó một chu kỳ mới sẽ sớm xuất hiện. Nhu cầu thịt heo thường tăng trước Tết Nguyên đán, rơi vào khoảng tháng 2.

Nhưng có nhiều khả năng mức tiêu thụ sẽ không đáp ứng được kỳ vọng và tình trạng dư cung sẽ tiếp tục diễn ra, điều này cũng đã xảy ra trong dịp Tết Trung thu vào đầu tháng 10 năm nay.

Mùa nghỉ lễ và thời tiết lạnh hơn thường đồng nghĩa với việc diễn ra nhiều bữa tiệc với món thịt yêu thích của người dân trên khắp Trung Quốc. Nhưng quá trình phục hồi không ngừng nghỉ của nền kinh tế sau đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới ngân sách của các hộ gia đình và khiến họ hạn chế chi tiêu.

Ông Wrigley của Pantheon cho biết: “Giá thịt hoe giảm mạnh là dấu hiệu cho thấy nguồn cung dư thừa trên thị trường thịt heo, nhưng rộng hơn là cho thấy tình hình của nền kinh tế, do sản lượng tăng nhanh hơn nhu cầu trong nước. Sự phục hồi tiêu dùng có thể sẽ không đồng đều và ảm đạm vào năm 2024, do người dân lo lắng về thị trường bất động sản và triển vọng việc làm”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, số lượng heo nái làm giống, yếu tố quan trọng quyết định nguồn cung thịt trong tương lai, là 42,4 triệu con tính tới cuối tháng 9/2023. Con số này thấp hơn 1,3% so với tháng trước, nhưng vẫn cao hơn mức tương ứng 41 triệu con mà Bộ này coi là quy mô đàn tối ưu.

Bà Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank cho biết, việc cắt giảm sản lượng gần đây dường như đã tăng tốc. Tuy nhiên, bà cho rằng sẽ mất vài tháng để lượng hàng đó có mặt trên thị trường và giá có thể chỉ tăng từ nửa cuối năm tới.

Minh Trang (Theo Bloomberg)

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.