|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thịt heo có đe dọa chính sách tiền tệ?

08:29 | 17/11/2019
Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra toàn bộ 63 tỉnh thành và đã có khoảng 5,7 triệu con heo phải tiêu hủy. Tháng 10/2019, đàn heo cả nước giảm mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Kể từ khi xuất hiện dịch thì giá thịt heo đã giảm liên tục trong bốn tháng liên tiếp, từ tháng 3 đến tháng 6-2019 do các hộ dân bán chạy đàn để tránh bị lây lan phải tiêu hủy.

Tuy nhiên, giá thịt heo đã tăng trở lại trong bốn tháng liên tiếp từ tháng 7 đến tháng 10. Đặc biệt đáng chú ý khi giá thịt heo bán lẻ đã tăng tới 7,85% trong tháng 10 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong những ngày đầu của tháng 11. 

Hiện giá thịt heo hơi đang ở quanh mức 70.000 đồng/ki lô gam, tăng khoảng 30% trong tháng 10 và dự kiến có thể chạm mức 80.000 đồng/ki lô gam trong tháng 11-2019.

Liệu giá thịt heo có tiếp tục tăng trong thời gian tới hay không? Câu trả lời mà có lẽ nhiều người đồng tình là giá sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11 và thậm chí có thể kéo dài trong khoảng 3-6 tháng tới.

Có khá nhiều nguyên nhân để hỗ trợ cho nhận định này. Thứ nhất, đó là quy mô dịch chưa dừng lại. 

Tại Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi đã buộc nước này phải tiêu hủy khoảng 120 triệu con heo, tương đương 40% tổng đàn của quốc gia có sản lượng thịt heo lớn nhất thế giới này. Số heo, theo công bố của Tổng cục Thống kê, bị tiêu hủy tại Việt Nam có lẽ chưa phải là con số cuối cùng. 

Thứ hai, nguồn cung đang ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu có xu hướng tăng mạnh vào thời điểm Tết Âm lịch. 

Thứ ba, việc tái đàn của các hộ chăn nuôi hiện nay gần như chưa được tiến hành. Nguyên nhân là các hộ chăn nuôi, chiếm khoảng 50% tổng đàn của cả nước, đã bị thiệt hại nặng nề khi phải tiêu hủy phần lớn trong thời gian qua nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn cả về tài chính cũng như con giống. 

Bên cạnh đó, virus gây bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại tại những vùng đã bị dịch. Hiện nay, nguồn cung heo cho thị trường chủ yếu là của các doanh nghiệp lớn trong lĩch vực chăn nuôi như CP Việt Nam, Dabaco hay Anofeed... 

Thứ tư, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam vẫn coi thịt heo là nguồn thực phẩm chính, vì vậy mà giá thịt heo đã tăng mạnh trong tháng 10 trong khi giá của các loại thịt khác như gà, vịt... lại giảm xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian gần đây.

Chính sách tiền tệ đối mặt nhiều áp lực

Chính vì thói quen tiêu dùng của người dân đối với thịt heo nên mặt hàng này đang chiếm quyền số khoảng 3% trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam. Do vậy, chỉ riêng mặt hàng thịt heo đã khiến chỉ số CPI tăng tới 0,33% trên tổng 0,59% trong tháng 10 vừa qua. 

Nhìn vào diễn biến giá thịt heo tại Trung Quốc, chúng ta không khỏi giật mình. Giá thịt heo đã tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm trước khi dịch diễn ra. Hệ quả là chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 10-2019 đã tăng tới 3,8% so với cùng kỳ của năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1-2012 đến nay. 

Diễn biến này cho thấy chỉ số CPI của Việt Nam có thể cũng sẽ tăng cao trong những tháng tới. Nhận định này càng có cơ sở hơn khi mà lạm phát tại Việt Nam được duy trì ổn định ở mức thấp trong một thời gian dài. 

Do đó, bất kỳ một yếu tố nào biến động tăng bất thường sẽ tác động gần như toàn bộ đến chỉ số CPI trong thời gian tới.

Việc giữ được CPI ở mức thấp khiến cho mặt bằng lãi suất của Việt Nam khá ổn định trong khoảng hai năm gần đây. Đặc biệt, khi kỳ vọng lạm phát được neo ở mức thấp, tình trạng găm giữ ngoại tệ của cả người dân và doanh nghiệp đã giảm hẳn. 

Người dân có xu hướng chuyển từ việc nắm giữ đô la Mỹ sang tiền đồng do chênh lệch rất lớn về lãi suất giữa hai đồng tiền này. Tuy nhiên, việc CPI có khả năng cao trong thời gian tới sẽ khiến người dân cảm thấy việc sở hữu tiền đồng không còn có lợi và chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Vì vậy, mục tiêu giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay vào năm 2020 mà Thủ tướng đưa ra trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội vừa qua sẽ trở thành một thách thức rất lớn cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói riêng cũng như cả hệ thống ngân hàng nói chung.

Bởi lẽ, muốn giảm lãi suất cho vay thì buộc NHNN phải có giải pháp để hạ mặt bằng lãi suất huy động.

Tính toán một cách đơn giản thì muốn giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay thì lãi suất huy động sẽ phải giảm một mức tương ứng. Theo đó, trần lãi suất huy động có thể sẽ được giảm từ mức 5,5% hiện nay xuống còn khoảng 5%/năm áp dụng đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng. 

Tuy nhiên, chỉ số CPI của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng vượt mức 3% trong những tháng cuối năm 2019 và có thể chạm mức 4% vào năm 2020. 

Khi đó, mức lãi suất thực dương mà người gửi tiền có được chỉ còn khoảng 1%, thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 3% như hiện nay (chênh lệch giữa trần lãi suất huy động và lạm phát). 

Nếu vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ đối mặt với rất nhiều áp lực khi mà kỳ vọng vào lạm phát của toàn nền kinh tế sẽ tăng cao trở lại.

Giá thịt heo có đe dọa chính sách tiền tệ? - Ảnh 1.

Ngọc Khanh