|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đường có thể đi ngang nửa cuối năm 2023, lợi nhuận doanh nghiệp có duy trì đà tăng trưởng?

07:00 | 23/08/2023
Chia sẻ
Giá đường quốc tế dự kiến ở mức cao, giá đường trong nước sẽ ổn định ở mức thấp hơn so với các quốc gia trồng mía trong khu vực như Indonesia, Philippines và Trung Quốc.

Giá đường có thể đi ngang vào cuối năm

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nguồn cung đường năm 2023 tiếp tục dồi dào bao gồm đường nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và nhập lậu qua biên giới Tây Nam, đường lỏng sirô ngô, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2022-2023.

Trong khi đó, sức cầu đường chưa có dấu hiệu tăng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung, thu hẹp đầu ra của đường sản xuất từ mía. 

“Giá đường quốc tế dự kiến ở mức cao, giá đường trong nước sẽ ổn định ở mức thấp hơn so với các quốc gia trồng mía trong khu vực như Indonesia, Philippines và Trung Quốc”, VSSA nhận định.  

 Số liệu: VSSA (H.Mĩ tổng hợp)

Trong báo cáo mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định giá đường thế giới hạ nhiệt trong nửa cuối năm trong khi Việt Nam tiếp tục đi ngang. 

Theo đó, thị trường bớt lo ngại về nguồn cung hạ chế trong bối cảnh vụ thu hoạch mía đường niên vụ 2023 - 2024 tại Brazil có tiến triển tốt. Sản lượng mía đường dự kiến tăng 4,4% so với niên vụ 2022 - 203. 

Ngoài ra, dầu giá rẻ từ Nga khiến Ấn Độ tăng sử dụng mía để ép ngọt thay vì dùng để pha trộn nhiên liệu sinh học làm tăng nguồn cung đường trong nước.

Giá đường tại Việt Nam vẫn có thể đi ngang hoặc điều chỉnh giảm do sản lượng đường của Thái Lan được dự báo thấp hơn nhiều so với mức sản xuất kỷ lục trong bối cảnh diện tích mía giảm nhưng sản lượng xuất khẩu đã tăng gần đây.

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp)

Theo số liệu VSSA, ước tính năm 2023, nguồn cung đường có thể dư thừa 417.321 tấn, cao hơn so với mức 395.000 tấn của năm 2022. 

Theo đó, nhu cầu năm nay không đổi so với 2023 quanh mức 2,3 triệu tấn. Trong nửa đầu đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này kéo theo tiêu dùng các mặt hàng đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn cũng giảm theo, ảnh hưởng đến tiêu thụ đường. 

 Nguồn: VSSA

Trong báo cáo khảo sát tháng 7 của iPOS.vn được thực hiện trên 137 đơn vị kinh doanh ngành F&B, 40% doanh nghiệp phản hồi doanh thu giảm và hầu hết ở mô hình kinh doanh lớn (chiếm 64%). Ngành F&B đã chứng kiến đơn hàng đường mía giảm xuống mức thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển sang sử dụng đường sirô ngô HFCS thay vì đường mía càng khiến mức độ sụt giảm nghiêm trọng hơn. 

Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng đường HFCS nhập khẩu cao gấp đôi so với cả năm 2022 ở mức hơn 123.000 tấn. Dự kiến cả năm 2023, con số này có thể nâng lên 309.000 tấn. 

 

 Số liệu: VSSA (H.Mĩ tổng hợp)

Ngoài ra, trong tháng 7, miền nam trong mùa mưa nhưng miền bắc và miền trung vẫn trong giai đoạn nắng nóng dẫn đến sức cầu sản phẩm đường vẫn chưa tăng. 

Tổng nguồn cung đường 2023 dự kiến hơn 2,7 triệu tấn tăng nhẹ 1% so với năm ngoái. Tính đến nửa đầu tháng 7, Việt Nam đã kết thúc vụ ép mía 2022 -2023. Tổng sản lượng đường từ mía ước đạt hơn 933.000 tấn, tăng 25% so với niên vụ trước đó. Lượng đường nhập lậu và nhập khẩu chính ngạch giảm lần lượt 10% và 60% so với năm 2022.

Doanh nghiệp mía đường có duy trì kết quả tích cực trong nửa cuối năm?

VCBS cho rằng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp đầu ngành sẽ vẫn tích cực trong nửa còn lại của năm 2023. Theo đó, dù giá đường đi ngang nhưng vẫn neo ở mức cao sau đà tăng liên tiếp kéo dài từ tháng 4 sẽ động lực chính cho kết quả kinh doanh của Thành Thành Công Biên Hoà trong thời gian tới.

Với Mía đường Quảng Ngãi (QNS), giá mía đường tiếp tục neo cao có tác động tích cực cho công ty. Nhờ sản lượng mía ép vụ niên vụ 2022-2023 khá khả quan, dự kiến sản lượng đường đến cuối năm của Mía đường Quảng Ngãi vẫn tăng trưởng tốt. Kết hợp với yếu tố giá bán đầu ra ở thị trường nội địa sẽ là động lực cho 6 tháng cuối năm 2023.

Công ty chủ yếu sản xuất đường từ mía, tỷ lệ nhập đường thô về luyện đường tinh chế hiện vẫn ở mức khá thấp. Giá thu mua mía tăng khá chậm. Do đó, công ty ít bị ảnh hưởng về chi phí đầu vào. Trong khi đó, công ty được hưởng lợi khá nhiều từ việc sản lượng gia tăng khi chính phủ nỗ lực ngăn chặn đường nhập lậu.

Trước đó, nhiều công ty trong báo kết quả kinh doanh tăng bằng lần trong quý IV của niên độ 2022 - 2023 (từ tháng 1/7/2022 đến 31/6/2023).

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Điển hình như CTCP Mía đường Sơn La (Mã SLS) báo doanh thu thuần tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 550 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 31% lên 42%. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 225 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu, 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 93%, 178% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty.

Hay với trường hợp của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 712 tỷ đồng (niên độ tài chính của Đường Quãng Ngãi tính từ 1/1/2023 đến 31/12/2023).

Công ty cho biết trong kỳ, lượng tiêu thụ đường và các sản phẩm đường tăng 133% giúp doanh mảng này tăng 151%. 

Ngoài ra, thời gian qua, công ty tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất công nghiệp giúp tăng năng suất và chất lượng cây mía; dây chuyền sản xuất đường hoạt động ổn định giúp hạ giá thành sản phẩm. Cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại của Nhà nước và việc kiểm soát tốt đường nhập lậu giúp hoạt động kinh doanh đường đạt hiệu quả cao.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 5.282 tỷ đồng, 1.028 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 32%, 90% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp báo kết quả lợi nhuận đi lùi do chi phí tài chính tăng cao. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2022-2023 của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) cho thấy doanh thu thuần trong quý vừa qua tăng 24% so với cùng kỳ lên 6.800 tỷ đồng do quy mô hoạt động được mở rộng theo đúng lộ trình hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện.

Song, lợi nhuận sau thuế giảm 66% so với cùng kỳ xuống 77 tỷ đồng. Chi phí tài chính của công ty tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu là lãi vay (484 tỷ đồng) do mặt bằng lãi suất tăng cao. Đây cũng là chi phí ăn mòn nhiều nhất vào lợi nhuận của công ty.  

 

H.Mĩ