Giá đất những khu vực này dự báo sẽ tiếp tục tăng
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm.
Theo đó, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho biết, thị trường đã xuất hiện bong bóng cục bộ trong năm vừa qua. Giá đất nền ở các khu vực tăng ảo theo các dự án lớn.
Sang năm 2022, phân khúc đất nền dự báo vẫn sẽ có sức hấp thụ tốt, do phù hợp hơn với nhu cầu tài sản trú ẩn. Kéo theo đó, giá đất sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên sẽ không tăng mạnh như giai đoạn trước. Thậm chí, có khu vực dự báo sẽ có khả năng xảy ra cơn sốt đất cục bộ.
Đơn cử, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa cho biết, tiêu điểm năm 2021 của thị trường bất động sản Khánh Hòa là các sản phẩm phân lô, bán nền tại các huyện, thị vùng ven TP Nha Trang.
Thống kê cho thấy, có tới hàng trăm khu đất phân lô, bán nền quy mô lên đến hàng nghìn lô đất đã được tung ra thị trường với mức giá bình quân 300 triệu đến 1 tỷ đồng/lô và sức hấp thụ của nhà đầu tư F0 đạt 95% mỗi giỏ hàng.
"Trong năm 2022, tại khu vực Vân Phong, Cam Ranh đã nằm trong định hướng thu hút đầu tư phát triển của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, thỉnh thoảng sẽ xảy ra sốt đất nền cục bộ", ông Hoàng nhận định.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, báo cáo của Phòng nghiên cứu thị trường bất động sản địa phương này cho biết, năm 2021 chứng kiến lượng hồ sơ chuyển nhượng quyền sỡ hữu nhà, đất cao khổng lồ sau dịch đợt lần thứ 4 với 11.900 bộ hồ sơ đăng ký tại văn phòng đất đai.
Trong 8 thành phố, thị trấn, huyện lỵ thì Châu Đức là điểm nóng. Chỉ riêng quý IV các nhà đầu tư ồ ạt về đầu tư đất xào làm nhà vườn, nghỉ dưởng và hút khách là đất ở các xã Đá Bạc, Suối Rao, Cù Bi,… khiến lượng giao dịch tăng khoảng 60 - 70% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra, trong năm vừa qua, thị trường bất động sản địa phương này cũng chứng kiến những cơn sốt đất, chủ yếu là những tháng cuối năm, sau khi hết giãn cách xã hội. Trong đó, Châu Đức và TP Bà Rịa liên tục sốt từ tháng 10 đến tháng 12. Các địa phương khác sốt đất từ tháng 11 đến 12.
Riêng Phú Mỹ vẫn đang có hiện tượng sốt đất và dự báo sẽ còn sôi động từ nay đến qua Tết Âm lịch, nếu dịch không bùng phát mạnh trở lại thì ít nhất là tới tháng 4/2022 khi bảng giá đất mới chính thức được áp dụng.
"Đầu năm 2022 là thời điểm khá nhạy cảm nên khi tham gia vào thị trường đất nền tại một số địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu như Phú Mỹ, Cù Bị, Đá Bạc Châu Đức,... Do đó, các nhà đầu tư cần lưu ý đến yếu tố pháp lý, sau đó là đánh giá về lợi thế của khu vực mà dự án đó tọa lạc, có đồng bộ cư dân hay không, tiềm năng tăng giá đi cùng với hạ tầng khu vực ra sao trong tương lai", đơn vị này khuyến nghị.
Tại khu vực Tây Nam Bộ, ông Dương Quốc Thủy, Phó Chủ tịch VARs cho biết, một hiện tượng nổi bật nhất trong năm 2021 đó là sự giữ vững vị trí ngôi vương ở dòng sản phẩm đất nền gần các khu công nghiệp.
Cụ thể, hoạt động mua bán đất quanh các khu công nghiệp diễn ra nhộn nhịp, nhất là các dự án hoàn thiện cơ sở hạ tầng và pháp lý, có vị trí giao thông thuận lợi.
Ngoài ra, hoạt động mua bán đất thổ cư tại khu vực diễn ra khá sôi động, đặc biệt nhà đất riêng lẻ tại trung tâm TP Cần Thơ và khu vực Hậu Giang (giáp ranh Cần Thơ), Long Xuyên, Long An, một số tỉnh thu hút đầu tư như Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu,…
Vị này dự báo, trong năm 2022, thị trường bất động sản Tây Nam Bộ sẽ không xảy ra sốt đất hay đóng băng, mức giá dự kiến sẽ tăng bình quân trên 10% so với năm 2021.
Ngược trở lại khu vực phía Bắc, theo thống kê của VARs, từ đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng sốt đất tại khu vực Dương Kinh - Kiến Thuỵ (TP Hải Phòng) do có thông tin khảo sát đất triển khai dự án Vinhomes Dương Kinh. Tuy nhiên, thị trường đã trở lại bình thường từ giữa năm.
Hoạt động mua bán đất thổ cư vẫn diễn ra sôi động với mức giá tăng chậm khoảng 3 - 5%/năm tại khu vực nội thành. Tại khu vực ngoại thành, giá đất tăng phụ thuộc vào tiến độ triển khai cơ sở hạ tầng và dự án tại khu vực đó.
"Có khu vực không tăng, có khu vực tăng 10 - 20% thậm chí 50 - 100%, gấp đôi gấp ba nếu có sốt đất diễn ra quanh dự án. Nhìn chung, giá đất năm 2021 tăng so với 2020 khoảng 5 - 15% tuỳ theo khu vực. Dự báo xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn trong năm 2022", đơn vị này cho hay.
Đối với khu vực trung du, miền núi phía Bắc, ông Lê Đình Chung, Phòng Nghiên cứu thị trường bất động sản VARs cho biết, giá đất tại một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình ghi nhận tăng 20 - 50% trong năm 2021.
Đặc biệt có những thị trường tăng giá gần 100% so với năm 2020 như Bắc Ninh (mức giá từ 40 triệu đồng/m2), Thái Nguyên (mức giá từ 25 triệu đồng/m2), Bắc Giang (mức giá từ 30 triệu đồng/m2). Riêng chỉ có một số địa phương ở Tây Bắc như Cao Bằng ghi nhận giá đất giảm.
Ông Chung dự báo, giá đất ở các khu vực nói trên vẫn có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm 2022. Thị trường sẽ tập trung vào hai phân khúc chính gồm bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền. Trong đó, các thị trường ven thủ đô, gắn liền với các yếu tố khu công nghiệp sẽ được nhà đầu tư quan tâm.
Cơn sốt đất diện rộng sẽ tái diễn?
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 sẽ khó có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản. Tuy nhiên hiện tượng sốt giá bất động sản vẫn có khả năng xảy ra. Đặc biệt là khi Chính phủ sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt, kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009.
Còn theo nhận định của một số chuyên gia, không có một tín hiệu rõ ràng nào cho một cơn sốt đất diện rộng xảy ra vào năm 2022. Bởi nhiều thông tin quy hoạch, hạ tầng đã được hé lộ trong năm vừa qua.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, sóng bất động sản không bao giờ yên lặng mà chỉ biến động mạnh hay nhẹ ở mỗi năm. Năm ngoái, biên độ nhấp nhô của sóng tương đối lớn do thông tin quy hoạch, đầu cơ thổi giá,...
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, giai đoạn 2022 – 2023, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm hơn để kiểm soát tốt hơn việc này. Bản thân người dân và các nhà đầu tư cũng đã ý thức được những rủi ro mang lại, thực tế không ít người đã mất tiền trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, những thông tin liên quan đến quy hoạch hiện nay cũng được công khai minh bạch hơn. Do đó, khả năng làm giá của giới đầu cơ sẽ ít hơn rất nhiều.
"Có thể năm 2022 vẫn còn những đợt sóng nhưng không mạnh như thời gian vừa qua", ông Lực nhận định.