|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giả chuyển khoản nhầm 2 triệu đồng để lấy sạch tiền từ tài khoản

18:22 | 15/12/2021
Chia sẻ
Công an TP Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo về một trò lừa đảo tinh vi bằng việc giả chuyển khoản tiền nhầm, hoặc cho vay rồi ép trả tiền với lãi suất cao. Đã có người mất sạch tiền trong tài khoản từ thủ đoạn này.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết thời gian gần đây đã ghi nhận một số trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trong việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản.

Phương thức lừa đảo này nhắm vào những người hiền lành và nhẹ dạ, cả tin. Sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như: tên, tuổi, số điện thoại hay địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý chuyển nhầm môt khoản tiền đến cho con mồi. 

Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính nào đó để liên hệ với con mồi, yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với một khoản lãi “cắt cổ”.

Cụ thể như trường hợp của anh T (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), một buổi trưa, thấy tài khoản “nổ” một khoản tiền hơn 2 triệu đồng. Khi đang suy nghĩ xem ai gửi cho mình thì khoảng 30 phút sau, có một số điện thoại lạ gọi đến với anh T. 

Giọng một người phụ nữ cho biết đã lỡ chuyển nhầm tiền cho anh T và mong được anh chuyển lại. Đối tượng này cũng nói rằng đang ở nước ngoài nên nhờ anh đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Không ngờ, sau khi điền xong các thông tin, anh T phát hiện mấy chục triệu đồng trong tài khoản của mình đã bị rút sạch.

Một trường hợp khác cũng bỗng nhiên nhận được số tiền 20 triệu đồng với nội dung “cô D mượn”. Khi đang băn khoăn không biết ai chuyển nhầm tiền, chủ nhân của tài khoản này nhận được điện thoại của một người phụ nữ, nói là lỡ chuyển nhầm và xin lại. 

Đối tượng này cho biết đây là số tiền cần gấp để làm phẫu thuật cho con. Vì cần gấp nên người phụ nữ này liên tục gọi điện, nhắn tin thúc ép đòi phải chuyển lại cho số tiền chuyển nhầm đó. 

Bằng kiến thức ngân hàng có được, chủ tài khoản này yêu cầu người phụ nữ gọi điện đến đòi tiền có giấy của ngân hàng xác nhận đúng là chủ tài khoản. Sau khi nghe yêu cầu, người phụ nữ tự nhận là chuyển nhầm tiền liền “lặn mất tăm”. 

Biết không ổn, chị D ra ngân hàng yêu cầu in sổ phụ để kiểm tra xem ai chuyển tiền cho mình, thì đó lại là một người đàn ông tên Lương Văn Thành, chuyển tiền từ Vietcombank với nội dung: “Cho D vay với thời hạn 45 ngày”. 

Theo cách giải thích của ngân hàng, sau thời hạn 45 ngày, chủ tài khoản đó sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền 20 triệu đồng cùng lãi xuất “trên trời”. Nếu không trả, họ sẽ cho người tới quấy phá vì có bằng chứng chuyển tiền cho vay trên điện thoại.

Giả chuyển khoản nhầm 2 triệu đồng để ép trả tiền lãi xuất “trên trời” - Ảnh 1.

Tuyệt đối không xử lý số tiền chuyển nhầm vào tài khoản của mình một cách vội vã (Ảnh minh họa: Công an TP Hà Nội).

5 bước cần làm khi bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm”

Phía công an cho biết việc chuyển tiền nhầm qua tài khoản là thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Nếu người nhận được tiền vội vã trả tiền lại cho người gọi đến mà không xác minh rõ số tài khoản ngân hàng, chứng từ chuyển khoản thì sẽ rất phức tạp. 

Còn nếu đúng hạn trả nợ, chủ tài khoản đã chuyển nhầm tiền xuất hiện và yêu cầu bên nhận thanh toán thì họ khó có thể từ chối vì thông tin chuyển khoản đã lưu trên điện thoại và có chứng từ ở ngân hàng. 

Theo điều 228, 230, 579 Bộ luật Dân sự 2015, khi tình cờ nhận được khoản tiền lạ từ người chưa từng có mối quan hệ với mình và cũng không có bất cứ giao dịch nào với họ liên quan đến số tiền này, người nhận được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. 

Vì vậy, người nhận phải hoàn trả cho chủ sở hữu hoặc giao nộp số tiền đó cho Uỷ ban Nhân dân hoặc công an cấp xã, phường nơi gần nhất nhằm thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.

Do đó, Công an TP Hà Nội khuyến cáo 5 bước cần làm khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm”.

Cụ thể, chủ tài khoản không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Nếu đúng là tiền chuyển nhầm thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo.

Nếu là khoản tiền nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh, hoặc liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Người dân tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng, tránh bị phiền toái sau này. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước.

Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, chủ tài khoản cần kiểm tra xem đó có đúng là số của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.

Đặc biệt, không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai, kể cả khi đối tượng có tự xưng là bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng.

Phương Nga

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.