Gelex lỗ 165 tỷ ở mảng kinh doanh chứng khoán, vẫn có lãi hợp nhất 391 tỷ
Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 cho thấy khoản lỗ kinh doanh chứng khoán 165,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 chỉ lỗ 17 tỷ. Ngoài ra, tập đoàn còn lỗ chênh lệch tỷ giá gần 110 tỷ, cao gấp 27 lần quý II năm ngoái.
Bên cạnh đó, Gelex ghi nhận chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư hơn 90 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, Gelex báo cáo danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh tại ngày 30/6 năm nay gồm có 2.200 tỷ đồng trái phiếu và gần 735 tỷ đồng cổ phiếu. Số cổ phiếu này có giá trị dự phòng 107 tỷ đồng.
Tập đoàn không thuyết minh cụ thể tên và giá trị của các cổ phiếu trong danh mục.
Trong khi chi phí tài chính lên cao vì lỗ kinh doanh chứng khoán và trích lập dự phòng khoản đầu tư, thì doanh thu tài chính lại lao dốc 53% so với quý II năm ngoái, còn gần 147 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là Gelex không còn khoản lãi 219 tỷ đồng do đánh giá lại khoản đầu tư vào Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC).
Doanh thu thuần hợp nhất quý vừa qua tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 9.069 tỷ đồng. Lãi gộp nhảy vọt 44% lên gần 1.991 tỷ đồng.
Tuy nhiên do hoạt động tài chính diễn biến không thuận lợi như đã nói ở trên, cộng thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cao hơn trước, nên lợi nhuận sau thuế của Gelex giảm 26% còn 391 tỷ đồng. Lãi sau thuế của cổ đông đông ty mẹ giảm 96% so với cùng kỳ, còn 13 tỷ đồng.
Xu thế chung của thị trường chứng khoán trong những tháng qua là đi xuống. Tính đến 30/6, các chỉ số chính như VN-Index, HNX-Index, UPCoM-Index đều giảm khoảng 20-40% so với cuối năm 2021. Bước sang tháng 7, các chỉ số hồi phục không đáng kể.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trái đắng khi mang nghìn tỷ đồng đầu tư chứng khoán theo phong cách ‘all in’ 22/07/2022 - 14:58
Nhiều công ty chứng khoán và doanh nghiệp các ngành khác như thép, bất động sản, thủy sản, ... cũng lỗ khi đầu tư vào cổ phiếu trong nửa đầu năm 2022. Tỷ lệ thua lỗ có thể lên tới 30-50%.
Con số lãi sau thuế hợp nhất 391 tỷ của Tập đoàn Gelex trong quý vừa qua thấp hơn rõ rệt so với lợi nhuận của một công ty con của Gelex là Viglacera (Mã: VGC).
Vào quý II, Viglacera ghi nhận doanh thu tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4.268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế nhảy vọt tới 98% lên 691 tỷ đồng. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là quý thứ 2 liên tiếp lợi nhuận của Viglacera lớn hơn Gelex, chứng tỏ hiệu quả kinh doanh của các công ty con thuộc Gelex không đồng đều.
Biên lợi nhuận thuần của Viglacera trong quý II đạt 16,2%, cao hơn đáng kể mức 4,3% của Gelex.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu VGC và GEX cũng đang có những khác biệt lớn. VGC kết phiên 29/7 ở mức giá 61.200 đồng/cp, rất gần với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 4. Vốn hóa của VGC hiện nay đạt 27.439 tỷ đồng, tăng trưởng 99% so với đáy ngắn hạn thiết lập hôm 16/5.
GEX kết phiên 29/7 ở 23.000 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 19.584 tỷ đồng. Cổ phiếu này vẫn còn kém đỉnh lịch sử thiết lập hôm 11/1 tới 52%. So với phiên 16/5, GEX chỉ tăng khoảng 19,5%, thấp hơn thành tích của VGC.
Gelex hoạt động theo mô hình holding, tức là tập đoàn mẹ sở hữu cổ phần trong nhiều công ty thành viên, hoạt động sản xuất chính do các thành viên này trực tiếp thực hiện. Tập đoàn Gelex sở hữu trực tiếp hai công ty con là CTCP Thiết bị Điện Gelex và CTCP Hạ tầng Gelex.
Hai công ty con này lại sở hữu cổ phần chi phối nhiều doanh nghiệp khác như Viglacera, Dây cáp Điện Việt Nam (Cadivi - Mã: CAV), Chế tạo Cơ điện Hà Nội (Mã: HEM), Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco - Mã: VCW), ...