|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gạo Việt có thật sự hưởng lợi giữa khủng hoảng lương thực thế giới?

14:00 | 13/07/2022
Chia sẻ
Những tháng đầu năm, đứng trước bối cảnh thiếu hụt lương thực trên thế giới do cuộc chiến Nga - Ukraine và những tác động hậu COVID-19 như giá nguyên vật liệu, vận chuyển tăng cao, giá gạo Việt Nam được dự báo sẽ bước vào một chu kỳ tăng mới, tương tự năm 2021. Vậy, nửa năm trôi qua, kết quả thu về của ngành hàng này có đúng như mong đợi?

Ngành gạo ra sao trong 6 tháng đầu năm 2022?

Các số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy giá lương thực đã tăng 30% trong vòng một năm qua khi dịch bệnh COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt.

Các chuyên gia nông nghiệp Liên Hiệp Quốc dự báo giá gạo cũng được hưởng lợi từ bối cảnh này nhưng thực tế thị trường không hoàn toàn diễn ra như vậy.  

Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, sau Ấn Độ, đã xuất khẩu 3,52 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2022 đem về 1,72 tỷ USD, tăng 16,2% về khối lượng nhưng chỉ tăng 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT).

 (Nguồn: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu dù ở mức cao nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, số liệu của Hiệp hội lượng thực Việt Nam cho biết giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ngày 29/6 ở mức 418 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 8 USD/tấn; cao hơn gạo Pakistan 20 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 75 USD/tấn. Tuy nhiên, mức giá này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 đạt 470 USD/tấn.  

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, nhận định, tuy thế giới đang căng thẳng về an ninh lương thực nhưng thật ra lúa gạo không thiếu nên giá dù có tăng vẫn không đáng kể so với các mặt hàng khác.

"So với niên vụ 2019-2020 giá gạo niên vụ này thấp hơn đến 30-40 USD/tấn. Trong khi đó chi phí sản xuất gạo của nông dân, chi phí vận hành của doanh nghiệp gạo lại tăng vọt khiến người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu đều khó khăn", ông Thành cho biết.    

 Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 đạt 3,52 triệu tấn, đem về 1,72 tỷ USD. (Ảnh: Báo Công Thương)

Báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT đã ghi nhận trong những tháng đầu năm nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 từ năm 2019, xung đột Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng đã đẩy giá vật tư tăng cao.

Trong đó, tăng mạnh nhất là phân bón hóa học như phân urê tăng 136-143%, phân DAP tăng 143-164%, kali tăng 180-200% so với tháng 12/2021. Những yếu tố này làm giá thành sản phẩm nông nghiệp cũng tăng theo.  

"Chưa kể doanh nghiệp cũng bị sức ép từ tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistics đã tăng lên gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 5 lần nếu xuất sang châu Âu", Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV chia sẻ.

Những khó khăn này cũng chính là lý do công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định rằng các nhà sản xuất gạo Việt Nam đã không tăng giá bán để thu hút thêm khách hàng mặc dù giá gạo thế giới tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm 2022 sau khi tăng mạnh trong giai đoạn tháng 8/2020 và 12/2021. 

Theo các doanh nghiệp sự thiếu hụt lương thực chỉ chủ yếu xảy ra ở mặt hàng lúa mì, dầu thực vật, đường… Còn với gạo, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% các giao dịch thương mại gạo toàn cầu, không có kế hoạch dừng xuất khẩu gạo nên nguồn cung gạo sẽ không biến động phức tạp và giá gạo cũng khó tăng cao.

Trong khi tại các thị trường xuất chủ yếu của gạo Việt là Philippines, Trung Quốc, mặt hàng này tiêu thụ cũng không mấy thuận lợi.

Cụ thể, Philippines đang “cào bằng” mức thuế nhập khẩu gạo 35% đối với tất cả quốc gia khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu gạo, bởi trước nay Việt Nam vẫn đang được hưởng mức thuế 35% so với các nước ngoài khu vực phải chịu thuế 40 - 50%. Còn tại thị trường Trung Quốc, quy định xuất nhập khẩu cũng đã nghiêm ngặt hơn bởi chính sách "Zero COVID".

Mặc dù vậy, ở thị trường trong nước, ngành gạo vẫn hoàn thành tốt vai trò quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực và ổn định giá. 

Doanh nghiệp hạ mục tiêu kinh doanh, không còn kỳ vọng lớn như đầu năm

Trước áp lực chi phí tăng cao trong khi giá đầu ra không như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp gạo đã phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh để phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại.

Cụ thể, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã hạ dự báo lợi nhuận sau thuế xuống mức 110 tỷ đồng, giảm gần 6 lần so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Trong khi trước đó, việc đề ra chỉ tiêu 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của Trung An được xem là mốc đột phá kỷ lục. 

Báo cáo tài chính quí I/2022 của Trung An cho biết doanh thu thuần của công ty đạt 958 tỷ đồng, tăng trưởng gần 120%; lợi nhuận gộp theo đó đạt 84 tỷ đồng, tăng 178% so với cùng kỳ.

Doanh thu đến từ bán thành phẩm và hàng hóa là chủ yếu, đạt 957 tỷ đồng. Theo khu vực địa lý, hoạt động bán hàng của công ty tại Việt Nam hay xuất khẩu đều tăng trưởng đem lại 742 tỷ đồng và 216 tỷ đồng doanh thu, lần lượt tăng 107% và 172% so với cùng kỳ. 

Dù vậy, với việc doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như chủ nghĩa bảo hộ lương thực, lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu ở mức cao, khiến Trung An phải thận trọng với mục tiêu đã đề ra.

Tương tự, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang cũng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 giảm một nửa doanh thu, xuống khoảng 3.940 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế giảm hơn 2/3, xuống 25 tỷ đồng so với con số được thông qua ở phiên họp đại hội cổ đông thường niên trước đó là 70 tỷ đồng.

Trong quý I, doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng 175% lên 1.020 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 213% đạt 12,5 tỷ đồng. Như vậy, công ty chuyên xuất khẩu gạo đã hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận mới chỉ sau một quý.    

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên hồi cuối tháng 6, công ty cho biết ngành lương thực đang đối mặt với các thách thức như chi phí đầu vào gia tăng trong khi tỷ suất lợi nhuận của lĩnh vực xuất khẩu gạo vào thị trường châu Á thấp và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng khốc liệt.

Do đó, "việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm thích ứng với sự biến động của thị trường", lãnh đạo Angimex cho hay.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp này cũng đã công bố kế hoạch lợi nhuận giảm 4% so với năm trước, mục tiêu lãi chỉ ở mức 400 tỷ đồng. Con số này cũng được giữ nguyên cho cả năm 2023. 

Theo báo cáo tài chính quý I, doanh thu thuần trong kỳ của Lộc Trời đạt hơn 2.300 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lãi sau thuế 184 tỷ đồng tương đương kết quả đạt được của cùng kỳ năm ngoái. 

Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay của Lộc Trời được Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận cho biết dựa trên ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và những yếu tố không đoán trước được. Ngoài ra, doanh thu của Lộc Trời phụ thuộc vào các yếu tố khác như giá lúa gạo trên thị trường thế giới và sự cạnh tranh của các đối thủ, theo Đầu tư chứng khoán.

Cơ hội nào cho nửa chặng cuối năm?

Có thể thấy, về mặt giá trị, ngành gạo những tháng đầu năm không thực sự thu về kết quả như kỳ vọng nhưng xét về việc mở rộng thị trường, ngành gạo đã đón nhận nhiều tin vui khi các doanh nghiệp gạo lớn của Việt Nam xuất khẩu thành công sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng của mình sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.  

Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của doanh nghiệp đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022.

Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên gạo do Tập đoàn Lộc Trời tham gia sản xuất, mang thương hiệu riêng được xuất khẩu sang thị trường khó tính này. Đặc biệt, số gạo "Cơm Việt Nam Rice" xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.

Gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" sẽ xuất khẩu sang các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022. (Ảnh: Loctroi.vn)

Còn tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long cũng chính thức lên kệ các siêu thị để bán trực tiếp cho người tiêu dùng Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới. 

Sau rất nhiều năm xuất khẩu dưới dạng đóng bao trơn hoặc mang thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài, gạo Việt Nam đã từng bước được nhận diện bằng tên riêng của mình.

Dù vậy, nói về triển vọng tăng xuất khẩu những tháng cuối năm, kỳ vọng này vẫn phải được "gánh" bởi các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam từ trước đến nay.

Theo VDSC, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, khi nhu cầu gạo từ Philippines ngày càng tăng, cùng với nhu cầu nhập khẩu trở lại từ Trung Quốc.

Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu từ Philippines được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi tiêu thụ gạo ở thị trường này đang tăng do giá lúa mì tăng cao. Trong khi đó, sản lượng gạo sản xuất của Phillippines được dự báo đi ngang (tăng 2% so với cùng kỳ theo dự báo của USDA) sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu.

"Việt Nam, chiếm hơn 80% tổng thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021-2022, sẽ được hưởng lợi", VDSC nhận định.

Với Trung Quốc, dự kiến thị trường sẽ quay trở lại nhập khẩu. Trước đó, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 19,5% cả về sản lượng và giá trị do chính sách Zero-COVID của nước này.

Mặc dù chính sách này chưa được dỡ bỏ, VDSC kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ quay trở lại nhập khẩu gạo ngày càng nhiều trong giai đoạn nửa cuối năm. Nguyên nhân chính là các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã gây ra gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ xuân, do đó thúc đẩy nhập khẩu gạo và ngô. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Thành lưu ý những năm gần đây thương nhân Trung Quốc chủ yếu mua gạo nếp, mỗi năm thị trường này nhập khẩu 500.000 - 700.000 tấn gạo Việt Nam, trong đó, gạo nếp chiếm 70 - 80%, còn với gạo tẻ, Trung Quốc đã trồng được các giống gạo tẻ gần tương tự nên nhu cầu với mặt hàng này rất ít.

"Còn với gạo khô, gạo nở làm bánh, bún... Trung Quốc đang nhập từ Pakistan, Ấn Độ với giá rẻ nên Việt Nam cũng khó cạnh tranh ở phân khúc này", ông Thành cho hay.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo trong thời gian tới, mặc dù vẫn nhận định thị trường cuối năm tích cực nhưng ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lượng thực Việt Nam, cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược và sự điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, tại một số thị trường khác thuộc EU, dù hiện nay lượng gạo xuất khẩu chưa nhiều nhưng lại có yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp cần kiểm soát để tránh ảnh hưởng tới uy tín chung của gạo Việt tại những quốc gia này, theo báo Đầu tư.

Như Huỳnh