|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC dự định mua lại tòa trụ sở từ OCB rồi bán với giá ít nhất 2.000 tỷ

20:47 | 30/06/2022
Chia sẻ
Tòa nhà trụ sở của Tập đoàn FLC tại số 265 Cầu Giấy đã về tay của Ngân hàng Phương Đông (OCB) từ năm 2020. FLC dự định sẽ mua lại tòa nhà này để bán cho một bên khác.

Một phòng giao dịch của Ngân hàng Phương Đông (OCB) tại tòa nhà trụ sở của Tập đoàn FLC, số 265 phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Đức Quyền). 

Ngày 29/6 vừa qua, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã ban hành nghị quyết thông qua việc FLC cùng với CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (Mã: FHH) mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB). Giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ 3 là đơn vị thẩm định giá độc lập.

Hội đồng quản trị FLC cũng cho phép bán/chuyển nhượng tòa nhà 265 Cầu Giấy cho một bên khác với giá trị tối thiểu 2.000 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm giá trị của phần diện tích đã bán) sau khi đã hoàn tất thủ tục mua lại tòa nhà từ OCB.

Tổng Giám đốc FLC Bùi Hải Huyền đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của FLCHomes.

Ngày 21/9/2020, HĐQT Tập đoàn FLC khi đó do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm nghĩa vụ tài chính tại OCB – Chi nhánh Thăng Long.

Ngày 9/11/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã đồng ý sử dụng tòa tháp văn phòng 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS), Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) và Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã: BAV) tại OCB.

Như vậy, tòa nhà trụ sở chính của Tập đoàn FLC đã nằm trong tay Ngân hàng Phương Đông (OCB) khoảng 1,5 năm qua.

Tòa nhà có 4 tầng hầm và 38 tầng nổi, được khai trương vào năm 2019. Trong đó, các tầng nổi từ 1 đến 5 là khu trung tâm thương mại, tầng 6 là khu kỹ thuật, các tầng từ 7 đến 37 là khu văn phòng. Thống kê bên dưới cho thấy tổng diện tích các sàn của tòa nhà này là hơn 101.000 m2.

 Tòa nhà trụ sở của FLC tại 265 Cầu Giấy có tổng diện tích sàn hơn 100.000 m2.

OCB là một trong những chủ nợ lớn của Tập đoàn FLC. Tại ngày 31/3 năm nay, FLC đang vay OCB hơn 713 tỷ đồng ngắn hạn và 818 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu.

Hôm 28/6 vừa qua, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã phê duyệt việc sử dụng 1.480 quyền sử dụng đất thuộc sở hữu hợp pháp của FLC tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai để bảo đảm nghĩa vụ tài chính của FLC và công ty con là Công ty TNHH Một thành viên FLC Land phát sinh tại OCB.

Mục đích bảo đảm là để đổi chấp một phần và/hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ. Đồng thời FLC cũng đề nghị OCB xuất trả tài sản thế chấp cho Tập đoàn FLC.

Cổ phiếu FLC đã tăng trong 8 phiên gần đây, bao gồm chuỗi kịch trần 6 phiên liên tiếp. Ngày 29/6, Tổng Giám đốc FLC Bùi Hải Huyền cho hay tập đoàn này không biết sự kiện hay thông tin liên quan nào đã làm cho cổ phiếu FLC liên tịch tăng trần.

Cổ phiếu FLC đã tăng 8 phiên liên tiếp nhưng vẫn còn thấp hơn 68% so với đầu năm 2022.

Ngày 2/7 tới đây, FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 để bầu bổ sung ba thành viên HĐQT và ba thành viên Ban Kiểm soát.

Đức Quyền