FDA sai lầm khi hạ thấp vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng dược phẩm?
Theo Bloomberg, đại dịch COVID-19 khiến một số thành viên Quốc hội và chính quyền Tổng thống Trump đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc - một nhà cung ứng thành phần thuốc quan trọng trên thế giới.
FDA cho hay cơ quan này có thể đảm bảo tính an toàn của nguồn cung dược phẩm tại Mỹ bất kể thành phần thuốc đến từ đâu, ngay cả khi các quan chức phải tạm dừng kiểm tra tại chỗ do đại dịch.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn đã đặt câu hỏi về tỉ lệ thành phần hoạt tính (API) có nguồn gốc từ Trung Quốc trong dược phẩm Mỹ.
Theo đó, ông Douglas Throckmorton - Phó Giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Thuốc của FDA, cho hay: "Về thành phần hoạt tính, Mỹ cung ứng khoảng 28%, Trung Quốc khoảng 13% và Ấn Độ 18%".
Tuy nhiên, phản hồi của ông Throckmorton có vấn đề vì các tỉ lệ phần trăm này chỉ đại diện cho số lượng cơ sở API ở Trung Quốc và Ấn Độ xuất khẩu nguyên liệu sang Mỹ chứ không phải tổng khối lượng sản phẩm mà họ xuất xưởng, FDA chia sẻ với Bloomberg sau lời điều trần của ông Throckmorton.
Dược phẩm thường phải qua tay nhiều công ty trong quá trình biến nguyên liệu thô trở thành hoạt chất và sau đó được chuyển thành thuốc viên nén hoặc thuốc tiêm.
Các hãng dược thường bảo vệ nơi mua nguyên liệu như một bí mật thương mại, nên trong phần lớn trường hợp, chính phủ khó biết chính xác thuốc hoặc thành phần chính của thuốc có nguồn gốc từ đâu.
"Câu trả lời của ông Throckmorton không phản ánh được mức độ sản xuất trên thực tế", ông Yanzhong Huang - thành viên cấp cao về vấn đề y tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho hay. "Về sản lượng, Trung Quốc sản xuất nhiều API hơn so với Mỹ".
Cũng theo ông Huang, Trung Quốc cũng chiếm ưu thế về sản lượng hoạt chất cho nhiều thuốc gốc (generic drug) giá rẻ, bao gồm kháng sinh và thuốc giảm đau thông thường. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 95% trong tổng lượng ibuprofen và 74% lượng acetaminophen nhập khẩu trên toàn thế giới, theo dữ liệu Tổng cục Điều tra Dân số Mỹ.
Phát ngôn viên Jeremy Kahn của FDA nói rằng trên thực tế, cơ quan này không biết chính xác tỉ lệ API có nguồn gốc từ Trung Quốc.
"Dữ liệu sẵn có của FDA không cho phép chúng tôi tính toán khối lượng API từ Trung Quốc hay Ấn Độ đang được sử dụng cho các loại thuốc bán trên thị trường Mỹ, cũng như tỉ lệ tiêu thụ tại Mỹ mà con số chỉ ra", ông Kahn nói.
Ngoài ra, phát ngôn viên của FDA cũng sửa lại tỉ lệ phần trăm cho các cơ sở API ở mỗi quốc gia, theo đó tỉ lệ của Mỹ là 26% thay vì 28% và của Ấn Độ là 19% chứ không phải 18%.
Ông Kahn không lí giải tại sao Phó Giám đốc Throckmorton lại chia sẻ con số không chính xác hoặc không nêu rõ đó chỉ là dữ liệu về số lượng cơ sở API chứ không phải khối lượng thực tế.
Theo Bloomberg, Ấn Độ cung cấp một lượng lớn thuốc thành phẩm cho Mỹ bằng cách sử dụng các hoạt chất của Trung Quốc. Các hãng dược tại Ấn Độ chiếm khoảng 40% tổng số thuốc gốc mới được phê duyệt tại Mỹ, trong khi khoảng 90% dược phẩm mà người dân Mỹ sử dụng đều là thuốc gốc.
Tuy nhiên, ông Huang lưu ý rằng Ấn Độ là nhà nhập khẩu thành phần hoạt dược hàng đầu của Trung Quốc, 70% API của đất nước Nam Á này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều đó cho thấy nhiều thuốc thành phẩm mà doanh nghiệp Ấn Độ bán sang Mỹ đang sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc.
Ở chiều khác, Mỹ là nhà nhập khẩu API lớn thứ hai của Trung Quốc. Theo tính toán của ông Huang, năm 2019 Trung Quốc xuất khẩu khoảng 808.000 tấn hoạt chất sang Ấn Độ và 665.000 tấn sang Mỹ.
Thượng nghị sĩ Cornyn và một số quan chức khác ủng hộ việc chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ để giảm bớt mối liên quan của nền kinh tế lớn nhất thế giới với chuỗi cung ứng dược phẩm Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ đã lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung dược phẩm của Trung Quốc cũng như Ấn Độ từ trước đại dịch COVID-19. Gần hai năm trước, hàng triệu viên thuốc chữa cao huyết áp được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ đã bị thu hồi vì chứa hóa chất có thể gây ung thư.
Tại phiên điều trần trước một hội đồng tư vấn của Quốc hội về quan hệ Mỹ - Trung hồi năm ngoái, một quan chức Lầu Năm Góc đã gọi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc là rủi ro an ninh quốc gia.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng, một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu chất lượng sản phẩm của Trung Quốc có bị ảnh hưởng hay không vì họ lo sợ các nhà máy tại Trung Quốc sẽ cắt gọt bớt các khâu để bù cho năng suất bị mất trong dịch bệnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/