|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Evergrande tháo dỡ bảng hiệu, bỏ trụ sở chính để tiết kiệm tiền trả nợ

12:15 | 12/01/2022
Chia sẻ
Gã khổng lồ bất động sản Evergrande dường như không thể trả nổi tiền thuê văn phòng ở trụ sở cũ. Do đó, họ đã dời đến một cơ sở khác để tiết kiệm nguồn tiền mặt.

Evergrande bỏ trụ sở chính để tiết kiệm tiền

Tập đoàn Evergrande (Trường Đại), vốn vẫn đang loay hoay trong khủng hoảng, đã bắt đầu gỡ bảng tên khỏi trụ sở ở Thâm Quyến vào hôm 10/1. Đến buổi chiều, dòng chữ "Evergrande Group" ngày nào, giờ chỉ còn trơ trọi lại mỗi "Ever".

Trong một tuyên bố vào tối cùng ngày, Evergrande cho biết tập đoàn đã chuyển đến một tòa nhà khác mà họ sở hữu để tiết kiệm tiền thuê trong bối cảnh khó khăn tài chính, theo Nikkei Asia.

Trước đó, Hengda Real Estate Group, công ty "con cưng" của Evergrande, đã kết thúc cuộc họp trực tuyến kéo dài 4 ngày. Tại cuộc họp, các trái chủ nắm giữ lượng trái phiếu trong nước trị giá 4,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 706 triệu USD) đã biểu quyết về việc có dời hạn thanh toán một khoản lãi trái phiếu từ ngày 10/1 sang ngày 8/7 hay không.

Nếu đề xuất trên được thông qua, các trái chủ cũng sẽ mất cơ hội đầu tiên để yêu cầu Evergrande trả nợ sớm. Kết quả của cuộc biểu quyết vẫn chưa được thông báo, theo Nikkei.

Evergrande đang phải vật lộn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, bao gồm khoảng 20 tỷ USD trái phiếu nước ngoài. Từ tháng trước, "bom nợ" của Trung Quốc đã phải chịu sự giám sát trực tiếp của chính quyền tỉnh Quảng Đông. Evergrande còn bị Fitch Ratings và S&P Global Ratings tuyên bố vỡ nợ vào tháng trước sau khi không thể thanh toán một khoản tiền lãi trái phiếu.

Evergrande từ bỏ trụ sở công ty - Ảnh 1.

Biển tên của Evergrande bị gỡ khỏi trụ sở chính ở Thâm Quyến. (Ảnh: Yusuke Hinata).

Đâu chỉ mỗi Evergrande điêu đứng

Hiện nay, Evergrande đang là tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất Trung Quốc, nhưng cũng chỉ là một trong nhiều công ty bất động sản ở nước này đang gặp rắc rối. Fitch cũng đã tuyên bố Hengda vỡ nợ, cũng như đã hạ bậc xếp hạng đối với một số công ty bất động sản Trung Quốc khác.

Chẳng hạn, tập đoàn Shimao đã bị S&P và Moody's hạ điểm tín dụng lần lượt xuống còn "B-" và "B2". Moody's cho rằng "tiến độ thu hồi vốn và tái cấp vốn của Shimao trong thời gian gần đây quá chậm, điều này đang phủ bóng mờ lên khả năng xoay xở tài chính của tập đoàn".

Ngoài ra, Moody's và Fitch cũng đã hạ bậc xếp hạng đối với Yuzhou Group Holdings xuống lần lượt là "Caa" và "CCC-". Nhà phân tích Celine Yang của Moody's cho biết: “Việc hạ bậc xếp hạng tín dụng phản ánh rủi ro tái cấp vốn ngày càng lớn của Yuzhou do khả năng tiếp cận nguồn vốn của công ty này bị suy yếu và số nợ đáo hạn khá lớn.”

Yuzhou có gần 590 triệu USD trái phiếu đáo hạn trong tháng này, với 6,5 tỷ nhân dân tệ trái phiếu trong nước sẽ đến hạn hoặc dễ bị yêu cầu thanh toán sớm vào cuối năm. Tính đến tháng 6 năm ngoái, công ty đã có 25 tỷ nhân dân tệ tiền mặt không hạn chế trên sổ sách, nhưng bà Yang cảnh báo rằng hiện vẫn chưa rõ con số bị ràng buộc đối với các dự án cụ thể là bao nhiêu.

Moody's cũng hạ cấp DaFa Properties Group xuống cùng cấp với Yuzhou. Hãng xếp hạng này lưu ý DaFa đang xin phép các trái chủ gia hạn thêm 6 tháng cho việc thanh toán khoản trái phiếu trị giá 184,5 triệu USD dự kiến đáo hạn vào ngày 18/1.

Ở diễn biến khác, Moody's đã rút lại xếp hạng đối với Tập đoàn Yango do "thiếu hoặc không có đầy đủ thông tin" về tình hình tài chính của công ty này.

Cổ phiếu của Tập đoàn Modern Land đã mất 40% giá trị trong phiên đầu tuần này khi cổ phiếu của họ được giao dịch trở lại trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong kể từ ngày 20/10.

Việc giao dịch lại này diễn ra sau khi Modern Land thông báo rằng họ đã chỉ định một cố vấn tài chính để thương lượng với các chủ nợ và cơ cấu lại nghĩa vụ nợ của mình, với hy vọng xây dựng "một kế hoạch tổng thể để bảo vệ lợi ích của các trái chủ trong và ngoài nước".

Đạt Thái