|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường nội tìm cách chiến thắng đường ngoại

21:00 | 03/06/2018
Chia sẻ
Áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm chi phí cùng với việc phát triển các sản phẩm có giá trị cao… là những giải pháp mà ngành đường Việt Nam đang đẩy mạnh áp dụng nhằm mục tiêu cạnh tranh sòng phẳng với đường ngoại nhập, đặc biệt là đường lậu.
duong noi tim cach chien thang duong ngoai Triển vọng u ám ngành đường thế giới: Giá đường có thể giảm xuống mức dưới 10 cent/pound
duong noi tim cach chien thang duong ngoai Chủ tịch Hiệp hội Mía đường: Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt tạo áp lực lên ngành đường
duong noi tim cach chien thang duong ngoai
Hoạt động nghiên cứu, phát triển tại Công ty mía đường Thành Thành Công.

Ngành đường Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn về đầu ra và áp lực cạnh tranh với các sản phẩm đường ngoại nhập, đặc biệt là đường Thái Lan. Ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhận định, có hai nguyên nhân chính dẫn tới sự yếu thế của đường Việt Nam trước đường Thái Lan. Trước tiên, về nội tại, ngành đường Việt Nam đi chậm hơn về mặt công nghệ nên năng suất đường thấp hơn, từ đó dẫn tới chi phí sản xuất cao hơn so với Thái Lan. Hiện tại, những nhà máy đường có công suất ép từ 6.000 tấn mía đường/ngày trở lên thì mới giảm được chi phí đầu vào, còn các nhà máy có công suất thấp hơn thì sẽ khó hơn.

Nguyên nhân thứ hai là nằm ở các chính sách hỗ trợ đối với ngành đường. Từ năm 1985, Thái Lan đã có Luật Mía đường. Trong hơn 30 năm qua, giá đường của Thái Lan được giữ cố định không để thả nổi như Việt Nam. Với mức giá cố định như vậy, cứ mỗi tấn đường bán ra, nhà máy sẽ trích cho Quỹ Mía đường số tiền là 5 bath (khoảng 3.500 đồng). Nhờ đó, Thái Lan có nguồn tài chính ổn định để hỗ trợ lại cho nông dân. Cụ thể, với mỗi tấn mía nguyên liệu, các nhà máy sẽ trả cho nông dân 900 bath, còn lại 150 bath là từ quỹ hỗ trợ.

Thái Lan cũng tài trợ rất nhiều cho các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây mía. Cụ thể, giá mua điện sinh khối từ bã mía tại Thái Lan hiện đang là 13 cent/kWh, trong khi tại Việt Nam chỉ là 5,8 cent/kWh. Chính sách về giá ethanol (cồn) để dùng cho xăng E5 của Thái Lan tính vào thời điểm này đang có lợi cho các nhà máy đường. Cụ thể, mức chênh lệch giữa giá xăng E5 và xăng A92 tại Việt Nam hiện là 800 đồng/lít, trong khi tại Thái Lan, mức chênh lệch này là 1.500 đồng, qua đó đã tạo được sự khuyến khích cho người tiêu dùng sử dụng xăng E5 nhiều hơn. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, bằng việc miễn thuế đối với các khoản đầu tư cho công nghệ mới…

Về các ý kiến cho rằng giá đường Việt Nam hiện cao hơn so với các nước trong khu vực, ông Dương khẳng định, những nhận định trên là dựa trên sự so sánh giữa giá đường bán lẻ trong nước với giá đường nhập lậu trôi nổi trên thị trường. Cụ thể, giá đường bán lẻ tại Trung Quốc hiện ở mức 24.000 đồng/kg, tại Thái Lan là 18.000 đồng/kg, trong khi giá đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam chỉ có giá 11.200 đồng/kg. Như vậy, giá đường bán lẻ của Việt Nam hiện nay không cao hơn các nước trong khu vực.

Giải pháp cạnh tranh bền vững

Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong năm 2018, ngành mía đường Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng phát triển do giá đường thế giới đang lên. Nguyên nhân là do một số thị trường đường trên thế giới giảm năng suất. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ông Dương cho rằng, ngành đường cần xem xét lại và có định hướng tái cấu trúc để có thể cạnh tranh với các quốc gia khác như Thái Lan. Cụ thể, cần tìm cách cải tiến được năng suất đường trên ruộng, giảm chi phí sản xuất và có giải pháp để phân phối đường tốt hơn, cắt giảm các chi phí phân phối cũng như các khâu trung gian trong quá trình phân phối đường. Bên cạnh đó, ngành đường cũng cần có giúp sức từ Chính phủ. Ví dụ như Chính phủ có thể nâng giá mua điện sinh khối, khuyến khích người dân sử dụng nhiều xăng sinh học E5 hơn nữa, đặc biệt là tăng chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng A95. Cùng với đó là các biện pháp hỗ trợ cho khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giống mía và các biện pháp cơ giới hoá để nâng cao năng suất, nâng cao chữ đường, nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành đường.

Bên cạnh đó, bản thân chính ngành đường Việt Nam cũng cần phải thay đổi. Các công ty lớn, các tập đoàn lớn của ngành mía đường Việt Nam cũng đang thay đổi rất tích cực. Trong đó hướng thay đổi chủ chốt vẫn là nâng công suất, giảm chi phí sản xuất, đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm cạnh đường và sau đường để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành đường. Hơn nữa, các nhà máy cũng nỗ lực tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị cao như đường organic, đường hữu cơ hoặc đường không có hoá chất để phục vụ tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng. Cùng với đó là việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về việc sử dụng các sản phẩm đường sạch, an toàn với sức khỏe… “Chính những điều đó sẽ giúp ngành đường Việt Nam có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với đường ngoại nhập, chống buôn lậu không có cách nào hơn là tự cải tiến nội lực của mình cùng với sự giúp sức của Chính phủ” – ông Dương nhấn mạnh.

Thời gian gần đây ngành mía đường đã tích cực hợp tác với các DN phân phối, tiêu thụ đường nhằm ổn định đầu ra. Điển hình như thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam, theo đó, từ nay đến năm 2020, Coca-Cola sẽ sử dụng 100% nguyên liệu đường trong nước để chế biến. Trước đó, Tập đoàn Thành Thành Công cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn KIDO. Thời gian tới, ngành đường sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để có thêm nhiều những cái bắt tay tương tự nhằm ổn định thị trường tiêu thụ, qua đó giúp ổn định sản xuất và ổn định được công tác nông nghiệp trồng mía.

Xem thêm

Khải Kỳ