|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Được rót tiền, ứng dụng gọi xe Việt có 'đấu' nổi Grab, Go-Viet?

09:35 | 09/09/2018
Chia sẻ
Với việc VinaCapital đầu tư hơn 4,75 triệu USD vào FastGo và Logivan, Phương Trang đầu tư 100 triệu USD vào Vato, thị trường ứng dụng công nghệ gọi xe đang nóng lên từng ngày.

Nhận đầu tư từ VinaCapital, Logivan và FastGo sẽ làm gì?

Cuối tháng 8/2018, VinaCapital thông báo thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, quy mô 100 triệu USD để đầu tư vào các start-up công nghệ. Hai khoản đầu tư đầu tiên của VinaCapital Ventures dành cho Logivan và FastGo - các start-up về giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giao thông - vận tải tại Việt Nam.

duoc rot tien ung dung goi xe viet co dau noi grab go viet
Grab hiện là đối thủ lớn nhất trên thị trường ứng dụng công nghệ gọi xe tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Trong đó, giá trị đầu tư của VinaCapital Ventures và các đối tác Ethos Partners, Insignia Venture Partners vào Logivan là 1,75 triệu USD, còn con số đầu tư vào FastGo được tiết lộ là hơn 3 triệu USD.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FastGo Việt Nam cho biết, nguồn đầu tư mới này sẽ giúp FastGo có nguồn lực tài chính để mở rộng thị trường.

“Trong năm nay, chúng tôi sẽ ra mắt tại thị trường Myanmar. Thị trường đó khá tiềm năng với 50 triệu dân. Myanmar cấm xe 2 bánh vào thành phố và chỉ có dịch vụ 4 bánh tại các thành phố lớn. Chúng tôi sẽ "đánh" vào thị trường xe 4 bánh ở Myanmar”, ông Tuất cho biết.

FastGo chính thức ra mắt thị trường tại Hà Nội ngày 12/6/2018 và TP.HCM ngày 10/8/2018. Sau 3 tháng hoạt động, FastGo đã ghi nhận gần 15.000 đối tác lái xe đăng ký tham gia và hơn 50.000 khách hàng đăng ký ứng dụng tại 2 thành phố lớn này.

Trong khi đó, với khoản đầu tư 1,75 triệu USD lần này, bà Phạm Thị Khánh Linh, CEO Logivan cho biết, Công ty sẽ mở rộng dịch vụ tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng; đồng thời nâng cấp các sản phẩm để phục vụ các công ty logistics lớn.

Logivan “trình làng” vào tháng 9/2017, là nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp chủ hàng và chủ xe, giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và thời gian cho dịch vụ logistics. Đến nay, Logivan đã kết nối với hơn 6.000 tài xế xe tải và hơn 1.000 người giao hàng.

“Mọc như nấm”, sống được bao nhiêu?

Được các quỹ đầu tư “rót tiền” là tin vui với các start-up công nghệ. Họ sẽ có nguồn lực mới để thực hiện dự án, mở rộng thị trường, cung cấp các dịch vụ mới. Tuy nhiên, việc “rót tiền” có thành công hay không là một chuyện khác, bởi thị trường ứng dụng gọi xe đang cạnh tranh rất khốc liệt.

Bằng chứng là, sau 9 năm hoạt động trên khắp thế giới, Uber đã báo lỗ, “đốt” hơn 10 tỷ USD. Do thua lỗ, Uber Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã tuyên bố rút lui khỏi thị trường, sáp nhập vào Grab. Trong khi đó, sau 3 năm hoạt động (từ năm 2014), Grab cũng đã báo lỗ hơn 938 tỷ đồng.

Tuy vậy, Grab lại vừa huy động được thêm 2 tỷ USD từ các quỹ OppenheimerFund, Ping An Capital, Lightspeed Venture Partners và 1 tỷ USD tiền đầu tư từ Toyota. Với các khoản đầu tư này, Grab hiện được định giá hơn 10 tỷ USD và là đối thủ lớn nhất thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam.

Trong khi đó, các ứng dụng trong nước được đầu tư lớn, nhưng đến nay vẫn chưa “đấu” nổi Grab. Điển hình là Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabus Lines) tuyên bố rót 100 triệu USD (khoảng 2.200 tỷ đồng) để đầu tư ứng dụng Vivi và đổi tên thành Vato vào tháng 4/2018, với tham vọng chiếm khoảng trống do Uber để lại. Tuy nhiên, đến nay, Vato mới thu hút hơn 10.000 ô tô và xe hai bánh.

Cùng với đó, hàng loạt ứng dụng gọi xe Việt như Mai Linh Bike, T.Net, 123Xe, Xelo… dù được đầu tư lớn, nhưng vẫn còn lẹt đẹt.

Sự khốc liệt của thị trường ứng dụng gọi xe có thể được gói gọn trong 4 chữ “cuộc chơi đốt tiền”. Trong cuộc chơi đó, các ứng dụng gọi xe Việt rất khó để chiến thắng, bởi lẽ, ứng dụng gọi xe là mảng đầu tư rủi ro cao, nên không dễ để các “cá mập” sẵn sàng chi khoản tiền lớn, đầu tư lâu dài để cạnh tranh với các đại gia như Grab.

Mặt khác, các ứng dụng gọi xe Việt còn phải đối mặt với các ứng dụng công nghệ gọi xe nước ngoài khác đang và sắp có mặt tại thị trường Việt Nam, như Go-Jek (Indonesia), MVL (Singapore)… Trong đó, đáng gườm nhất là Go-Jek, ứng dụng gọi xe nổi tiếng của Indonesia được định giá 6 tỷ USD và tuyên bố đầu tư 500 triệu USD để gia nhập thị trường Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. Ngày 1/8/2018, Go-Viet (công ty con của Go-Jek tại Việt Nam) đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam. Sau 1 tháng kinh doanh, Go-Viet cho biết đã nắm tới 15% thị phần và Công ty đang có kế hoạch tiến ra Hà Nội.

Có thể thấy, cuộc chiến giữa các ứng dụng công nghệ gọi xe tại Việt Nam đang nóng lên từng ngày.

Xem thêm

Hữu Tuấn