|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đừng tự đánh lừa rằng mình không làm được sau mỗi thất bại, sự thật bạn mạnh mẽ hơn những gì bạn tưởng

08:51 | 22/08/2021
Chia sẻ
Chúng ta không từ bỏ mục tiêu của mình bởi vì cảm thấy bản tệ hại mà bởi những ý nghĩa mà ta gắn cho cảm giác đó. Dưới đây là những phương cách giúp bạn thoát khỏi thứ cảm xúc tiêu cực đó và đạt được cuộc sống cân bằng hơn.
Chỉ vì cảm thấy tệ hại không có nghĩa là bạn đang làm gì đó sai lầm - Ảnh 1.

(Lina Trochez)

Một bài viết của Jane Elliott

Giả sử có một công việc thực sự quan trọng đối với bạn, nhưng bằng cách nào đó, bạn dường như không thể làm được. Bạn đã thử rất nhiều giải pháp, nhưng dường như không có cách nào hữu ích.

Rồi một ngày, bạn tình cờ tìm thấy một thứ mà dường như nó thực sự có thể tạo ra sự khác biệt. Có lẽ chúng ta sẽ không thực sự dành cả cuộc đời của mình để mắc kẹt giữa tảng đá mang tên những việc mong muốn làm và khó khăn của việc chúng ta không chịu thực hiện nó.

Hy vọng này thật tuyệt vời, cứ như mưa rơi trên sa mạc. Giống như chúng ta sẽ không phải hành động như kẻ thù tồi tệ nhất của chính mình mãi mãi. Vì vậy, chúng ta quyết định bắt tay vào làm thử.

Nhưng rồi trong lần thử đầu tiên, kết quả không được như mong đợi. Bạn nhanh chóng cảm thấy mình đang ngày càng tệ hơn. Bạn ghét những gì mình đang làm. Điều này thật khủng khiếp đến nỗi cảm giác tệ hại thậm chí còn phát triển nhanh hơn, cho đến khi bạn hết chịu đựng nổi và "giơ cờ trắng".

Bạn lại thất bại, như mọi khi. Và ngọn lửa hy vọng nhỏ bé nhưng quý giá mà ban nãy bạn mang đến cho công việc mình làm, vụt tắt. Nhưng cho dù bạn đã có trải nghiệm này bao nhiêu lần, bạn xứng đáng để thoát ra khỏi vòng lặp đó thay vì để nó xảy ra liên tục vào những lần sau. Mấu chốt là ở chỗ chúng ta hiểu được những khoảnh khắc khi cảm giác tồi tệ bắt đầu bùng lên và cảm thấy quá khó để tiếp tục làm việc.

Hàng rào điện trong tâm trí

Chỉ vì cảm thấy tệ hại không có nghĩa là bạn đang làm gì đó sai lầm - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Chris Slupski.

Như tôi đã nói, nhiều người trong chúng ta có nỗi sợ hãi sâu sắc về mất mát và nỗi đau gắn liền với các mục tiêu của chúng ta, điều này tạo ra sự phản kháng khi ta thực hiện công việc. Khi đã đấu tranh chống lại sự kháng cự bên trong này trong một thời gian, chúng ta có thể hình thành những suy nghĩ sâu sắc về cách chúng ta không thể làm được, chúng ta không có những gì cần thiết, chúng ta hoàn toàn là những kẻ thất bại,...

Khi chúng ta cố gắng làm việc, những suy nghĩ tiêu cực theo thói quen này bắt đầu xuất hiện. Ta bắt đầu tự nhủ rằng mình không thể giải được phương trình, không đủ thông minh để hiểu được bài đọc, câu mình vừa viết thì tệ hết chỗ nói. Càng suy nghĩ với những ý nghĩ kiểu này, ta càng cảm thấy thảm hại hơn.

Nhưng chúng ta không biết đây là những suy nghĩ theo thói quen. Ta nghĩ rằng chỉ đơn thuần là chúng chính xác. Điều quan trọng hơn nữa, ta nghĩ rằng những cảm xúc đi kèm với những suy nghĩ này là sự thật. Ý tôi là chúng ta nghĩ rằng cảm giác tồi tệ khi đang làm việc có nghĩa là chúng ta đang làm một công việc tồi tệ thực sự. (trong khi công việc này có ý nghĩa với chúng ta)

Giả định này sau đó tạo ra một vòng phản hồi. Chúng ta có những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta cảm thấy những cảm giác tồi tệ, chúng ta nhầm cảm giác tồi tệ với một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang làm những thứ việc tệ hại. 

Điều này thậm chí còn tạo ra những cảm giác "ngao ngán" hơn. Và nó cứ vậy mà tiếp tục. Trải qua chu kỳ đó đủ nhiều (để tạo thành thói quen) và bộ não của bạn, cũng dễ hiểu thôi, khi nó lại bắt đầu nói với bạn rằng, thử làm lại công việc là một ý tưởng "hạng bét".

Tại thời điểm này, điều gì đó từng khiến bạn cảm thấy tò mò, thích thú và gắn bó bắt đầu trở nên độc hại về mặt cảm xúc. Giống như chúng ta đã vô tình vây quanh công việc mà mình muốn làm với một "hàng rào điện" chất đầy lo lắng và tuyệt vọng.

Và rồi vòng lặp này tiếp tục kéo dài, chúng ta càng cảm thấy tồi tệ hơn, hàng rào xuất hiện càng cao và tích điện càng nhiều.

Cảm xúc là một biến số độc lập

Ta cảm thấy chính xác khi nhận thấy cảm giác tệ hại này bằng trực giác để phán đoán tình hình, thành ra khó có thể nhìn vấn đề theo hướng khác. Nhưng những cảm giác tồi tệ này không liên quan gì đến việc công việc của chúng ta có tiến triển tốt hay không.

Chúng xuất phát từ một kiểu suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại mà chúng ta mang theo khi làm việc - tất cả những suy nghĩ về việc mình sẽ thất bại và không đạt được những gì mình mong muốn hay nó quá khó. Hiện tại, bộ não sẽ nghĩ như vậy cho dù những gì chúng ta tạo ra là ngu ngốc hay thiên tài đi nữa.

Vì vậy, bước đầu tiên để phá bỏ rào cản là làm việc để tin rằng những cảm giác tiêu cực này không phải là những phán đoán chính xác về chất lượng công việc của bạn. Trên thực tế, giá trị của những phán đoán này nhỏ hơn....0, chỉ là bởi vì những thói quen đã ăn sâu vào tâm trí đã khiến bạn thấy nỗ lực của mình là thiếu sót như vậy thôi.

Cảm giác tồi tệ mà bạn đang có không phản ánh bất cứ điều gì về công việc thực tế mà bạn đang làm. Chúng không cho bạn biết công việc của bạn như thế nào, mà chỉ cho bạn biết cảm giác khi làm việc thôi.

Dùng nó để đánh giá hiệu suất công việc bạn đang làm giống như đi xem phim thì lại bị "Tào Tháo rượt" và rồi nghĩ rằng bạn đau bụng do diễn xuất trong phim xứng đáng giật giải Mâm xôi vàng (giải cho những bộ phim, diễn viên và đạo diễn tệ nhất). Nó chỉ vô tình xảy ra một cách trùng hợp chứ không phải quan hệ nhân quả.

Khi bắt đầu hiểu cảm giác của mình, chúng ta có thể ngừng khuếch đại chúng theo hướng trầm trọng hơn. Và theo thời gian, chúng ta có thể tạo ra không gian để xây dựng những suy nghĩ theo thói quen mới có ích hơn là cản trở bản thân.

Tháo dỡ hàng rào

Một khi hàng rào điện đã được sạc đầy pin, thật khó để nhìn thấy sự việc là như thế nào, bởi vì bạn cảm thấy những cảm xúc tiêu cực quá áp đảo, không còn nhiều chỗ cho bất cứ điều gì khác. Chúng ta quá bận rộn, chỉ để cố gắng sống sót sau khi bị hạ gục đến mức không có đủ khả năng để hiểu điều gì đang thực sự xảy ra.

Vì vậy, bước đầu tiên là cho bản thân một cơ hội để quan sát hàng rào đó là gì: một bộ cơ chế được xây dựng theo thời gian và (do đó) cũng có thể bị đánh sập theo thời gian. Sau đó, chúng ta có thể phát triển năng lực nhằm giải thoát bản thân khỏi tình trạng và để mặc cảm xúc hiện hữu, thay vì coi nó là dấu hiệu để cho rằng bản thân mình tệ hại.

Đây là những gì tôi đề xuất:

1. Dành ra 10 phút cho bản thân mình. (Đây không phải là một yêu cầu quá đáng cho một ngày dài 24 tiếng đấy chứ?)

2. Trong 5 phút đầu tiên, hãy lập danh sách những điều bạn sợ sẽ nghĩ và cảm thấy khi cố gắng làm việc gì đó. Hãy cụ thể nào. Bạn có thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ? Bạn có nghĩ mình là một tên ngốc? Bạn có so sánh mình với người mà bạn nghĩ là làm tốt hơn hoặc nhanh hơn? Nhớ đặt bút và viết xuống hết nhé.

Lưu ý: bạn có thể sẽ bắt đầu cảm thấy một số cảm xúc như thế này ngay cả khi chỉ mới lập danh sách. Điều này thực sự tốt, bởi vì nó cho bạn cơ hội để quan sát xem cảm xúc có liên quan đến công việc, thực tế nó như thế nào. Làm thế nào chúng có thể xảy ra, khi chúng đang xảy ra trước cả khi bạn làm bất kỳ điều gì?

Chỉ vì cảm thấy tệ hại không có nghĩa là bạn đang làm gì đó sai lầm - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: Glenn Carstens-Peters.

3. Biết rằng những suy nghĩ và cảm xúc này SẼ CHẮC CHẮN XẢY RA bây giờ. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lo lắng, như thể công việc mình đang làm chẳng có ích lợi gì và chỉ toàn thứ tồi tệ mà thôi.

4. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân: tôi có sẵn sàng cảm nhận điều này trong 5 phút hôm nay không? Nếu bạn không chắc chắn, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn đã cảm thấy nó hàng triệu lần trước đây và bạn vẫn "sống nhăn" đến giờ đó thôi.

5. Nếu câu trả lời là CHẮC CHẮN KHÔNG, thật tuyệt vời. Bạn đã vượt qua năm phút đầu tiên! Thêm vào đó, bạn thực sự đã xác định được một số cảm giác tiêu cực. Điều này rất có ý nghĩa. Bây giờ bạn không chỉ phải đối mặt với hàng tá thứ không thể chịu đựng được. Bước tiếp theo, hãy dành một chút thời gian cho câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu những cảm giác này không có ý nghĩa gì về năng lực làm việc hoặc thành tích của tôi?

6. Nếu câu trả lời là có, hãy đặt hẹn giờ trong năm phút và thực hiện công việc bạn muốn. LƯU Ý LÀ KHÔNG ĐƯỢC LÀM VIỆC (chỉ được đặt giờ thôi). Vấn đề ở đây là hãy luyện tập để bộ não của bạn vẫn được phép thoải mái tùy ý mà không tin vào tất cả những gì nó đang cố nói với bạn.

Để giúp tạo ra khoảng cách giữa cảm xúc và bản thân, hãy thử đặt tên cho những suy nghĩ và cảm xúc như vậy. Chẳng hạn: Tôi nhận thấy rằng mình đã nghĩ là sẽ không thể hiểu được mật mã này, sợ mình sẽ quá lo lắng để làm xong việc, hay thấy tim mình đập loạn nhịp, v.v.

7. Khi bộ đếm thời gian hoạt động, hãy ghi lại những gì bạn đã trải qua. Bạn có nhận thấy bất kỳ khác biệt nào giữa những gì bộ não muốn nói với bạn và những gì đang thực sự xảy ra không? Lên kế hoạch trước cho những cảm xúc này liệu có làm cho trải nghiệm bớt đáng sợ hơn không? Đây chính là những bước nhỏ để bắt đầu xây dựng con đường vượt qua hàng rào điện.

8. Sau đó, làm một cái gì đó để "tháo điện". Đi dạo, tắm táp, hay khiêu vũ quanh phòng khách. Bạn có nhiều cảm xúc tiêu cực, vì vậy hãy cho bản thân thời gian để "xả" chúng ra. Và tất nhiên, hãy chuẩn bị đầy đủ đồ nghề để "quẩy hết sẩy".

Và mọi thứ bắt đầu dễ dàng hơn từ đây.

Chỉ vì cảm thấy tệ hại không có nghĩa là bạn đang làm gì đó sai lầm - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ: Juan Camilo Navia.

Điều quan trọng nhất cần nhớ khi bắt đầu làm việc này là bạn đã phải chịu đựng những điều tệ hơn trước đó. Bạn đã làm việc khi không còn hy vọng, khi nghĩ rằng mình là người duy nhất có trải nghiệm này, khi bạn chấp nhận mọi cảm giác khủng khiếp như một điều tất yếu của số phận. Và, bạn vẫn tiếp tục cố gắng.

So với những gì bạn đã làm, những gì trước mắt là những thứ mà bạn có thể làm được nhiều hơn là không thể. Không đơn thuần là bạn cứ ném mình qua hàng rào và lặp đi lặp lại điều đó, mà bạn đang bắt đầu tạo ra một con đường để đi qua hàng rào một cách thông suốt. Và một khi bạn bắt đầu vượt qua hàng rào giữa cảm giác tồi tệ và ý nghĩ rằng công việc mình làm thật tệ hại, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Bạn sẽ không cần phải hy vọng rằng mình có thể làm việc, bởi vì rồi bạn sẽ chứng tỏ mình làm được thôi.

Đạt Thái