Dow Jones tăng 6 phiên liên tiếp, Phố Wall ngày càng tự tin vào kịch bản 'hạ cánh mềm'
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 17/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tăng thêm 76 điểm, tương đương 0,22% và đóng cửa với 34.585 điểm - mức đỉnh của năm 2023.
S&P 500 nhích thêm 0,39%, chốt phiên với 4.523 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,93%, lên mức 14.225 điểm.
Trong phiên giao dịch, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Apple tăng 1,7%, trong khi Tesla đi lên 3,2%. Cổ phiếu của ông lớn ngân hàng JPMorgan Chase cũng vọt lên thêm 2,4%.
Tuần này, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II tại Mỹ sẽ bắt đầu sôi động hơn với kết quả từ các tổ chức tài chính lớn như Bank of America, Morgan Stanley và Goldmans Sachs. United Airlines, Las Vegas Sands, Tesla và Netflix cũng sẽ công bố báo cáo tài chính quý II trong tuần này.
Phố Wall dự đoán đây sẽ là một mùa báo cáo ảm đạm với lợi nhuận suy giảm. Các nhà phân tích dự báo lợi nhuận của S&P 500 sẽ tụt hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, theo FactSet.
Trong tuần này, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển sang giai đoạn kín tiếng trước thềm cuộc họp chính sách vào ngày 25-26/7. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp tới với xác suất là 97%.
Ông Ed Yardeni, Chủ tịch của Yardeni Research, nhận định: “Thị trường đang vui mừng với kịch bản lạm phát giảm, nền kinh tế hạ cánh mềm”.
“Tôi đã từng suy nghĩ rằng Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái. Nhưng rồi tôi chuyển sang lập luận rằng Mỹ đang trong một cuộc suy thoái luân phiên, không phải suy thoái trong toàn bộ nền kinh tế. Bây giờ, tôi cho rằng chúng ta đang trong quá trình phục hồi luân phiên”, ông Yardeni cho biết.
Cho tới nay, thu nhập của các ngân hàng lớn tại Mỹ vẫn vững chắc và báo cáo lạm phát hạ nhiệt đã giúp thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư. Những thông tin này làm tăng thêm hy vọng rằng Fed có thể kìm hãm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan cho hay: "Dù đà tăng trưởng từ nhu cầu dịch vụ và giá hàng hoá sẽ giảm dần, sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ và tăng trưởng toàn cầu vẫn được duy trì... Do đó, chúng tôi đã hạ thấp rủi ro suy thoái trong ngắn hạn”.
Một số chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông Jan Hatzius, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, đã hạ dự báo suy thoái kinh tế từ 25% xuống còn 20%, lưu ý rằng “dữ liệu gần đây đã củng cố niềm tin của chúng tôi rằng nỗ lực của Fed nhằm đưa lạm phát xuống mức chấp nhận được sẽ không dẫn đến suy thoái”.
Ông Hatzius nói thêm: “Hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn ổn định, tăng trưởng GDP quý 2 dự kiến đạt 2,3%. Chúng tôi cho rằng nền kinh tế sẽ giảm tốc trong một vài quý tới khi tăng trưởng thu nhập cá nhân khả dụng thực chậm lại...
Nhưng việc các điều kiện tài chính được nới lỏng, thị trường nhà đất phục hồi và hoạt động xây dựng nhà máy bùng nổ đều cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng, mặc dù với tốc độ thấp hơn".