|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones giảm gần 300 điểm, S&P 500 và Nasdaq Composite đi xuống tuần thứ hai liên tiếp

07:56 | 16/09/2023
Chia sẻ
Chỉ số Dow Jones đã giảm gần 300 điểm vào phiên giao dịch ngày 15/9 nhưng vẵn ghi nhận mức tăng 0,12% trong cả tuần.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 15/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 289 điểm, tương đương 0,83%, xuống còn 34.618 điểm. Chỉ số này gần như đã hoàn toàn xóa sạch mức tăng 332 điểm vào ngày hôm trước. 

Dù giảm gần 300 điểm, Dow Jones vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong tuần. 

S&P 500 giảm 1,22%, chốt phiên ở mức 4.450 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,56%, đóng cửa với 13.708 điểm. Kết thúc tuần thứ hai của tháng 9, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,12%. Tuy nhiên S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, lần lượt mất 0,16% và 0,39%. 

Cổ phiếu VinFast (VFS) nhích nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần, đạt 17,53 USD/cp, tương đương mức tăng 4,04%. Khối lượng giao dịch đạt gần 3,8 triệu đơn vị, bằng một nửa so với mức trung bình 7,5 triệu đơn vị. Vốn hóa của công ty xe điện này nhích lên khoảng 40,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 14 trên thế giới.  

 

Trong phiên giao dịch hôm qua, công nghệ thông tin là lĩnh vực ghi nhận kết quả hoạt động kém nhất trong S&P 500, giảm gần 2%. Cổ phiếu của Adobe đã mất hơn 4%, bất chấp việc công ty phần mềm này đã công bố kết quả kinh doanh quý tốt hơn kỳ vọng. Cổ phiếu của công ty bán dẫn Arm cũng đã giảm 4,2%, một ngày sau khi IPO thành công. 

Cổ phiếu của hai hãng sản xuất ô tô là General Motors và Stellantis đã tăng vào phiên giao dịch cuối tuần, trong khi Ford giảm nhẹ. Hàng nghìn thành viên của Nghiệp đoàn Công nhân Ô tô Mỹ (UAW) đã đình công sau khi không đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất ô tô vào ngày 14/9. 

Cổ phiếu của công ty xây dựng Lennar đã giảm 2,5% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III vượt trội cả về doanh thu và lợi nhuận. 

 

Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát trong một năm đã giảm xuống còn 3,1% trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

Ngoài ra, triển vọng lạm phát 5 năm cũng giảm xuống còn 2,7%, tương tự như mức đáy hồi tháng 12.2020. Tuy nhiên, thước đo tâm lý chung đã giảm xuống còn 67,7, tụt từ mức 69,5 trong tháng 8 và thấp hơn ước tính của Dow Jones là 69,2.

 

Phố Wall đang phân tích một loạt dữ liệu kinh tế trước cuộc họp tháng 9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhiều người dự đoán ngân hàng trung ương này sẽ giữ nguyên lãi suất và tuần tới. 

Vào ngày 14/9, Bộ Lao động Mỹ đã công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) lõi (loạt trừ biến động của giá năng lượng và lượng thực) đã ở mức ổn định, mặc dù chỉ số PPI toàn phần đã tăng nhiều hơn dự kiến. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi đã nóng hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà kinh tế. 

“Ban đầu, nhà đầu tư tỏ ra hào hứng khi dữ liệu lạm phát được công bố không quá xa so với kỳ vọng. Một mặt, dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến, nhưng các nhà đầu tư đã bỏ qua vấn đề này vì cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất vào tuần tới dựa trên những số liệu trên”, ông Greg Bassuk của AXS Investments nhận định. 

Ông Bassuk nói thêm: “Nhưng tôi nghĩ rằng sau khi xem xét các dữ liệu kinh tế bổ sung được đưa ra, cũng như các áp lực địa chính trị và diễn biến khác, các nhà đầu tư hiện nay sẽ rút lui và tạm nghỉ”. 

Minh Quang

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.