|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ vọt tăng sau khi Arm hoàn thành thương vụ IPO lớn nhất trong năm

07:19 | 15/09/2023
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong phiên 14/9 sau khi thương vụ IPO của Arm thành công và các dữ liệu kinh tế mới cho thấy lạm phát có xu hướng nguội đi trong khi nền kinh tế vẫn mạnh mẽ.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 14/9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 332 điểm, tương đương 0,96%, lên mức 34.907 điểm.

Kể từ ngày 1/9, đây là lần đầu tiên chỉ số bao gồm 30 cổ phiếu này chốt phiên trên mức bình quân trượt 50 phiên (MA50). Ngoài ra, Dow Jones cũng ghi nhận phiên giao dịch tốt nhất kể từ ngày 7/8. 

Dow Jones đã có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8. 

S&P 500 tăng khoảng 0,84% lên 4.505 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite nhích thêm 0,81%, đóng cửa với 13.926 điểm. 

Cổ phiếu VinFast (VFS) đã trượt nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14/9. Chốt phiên, cổ phiếu VinFast còn 16,85 USD/cp, giảm 2,09%. Khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,1 triệu đơn vị, thấp hơn mức trung bình là 7,7 triệu đơn vị. Hiện VinFast vẫn đang duy trì được mức vốn hóa khoảng 39 tỷ USD, đứng thứ 14 trên danh sách các hãng xe có vốn hoá lớn nhất thế giới.

Cổ phiếu VinFast tiếp tục đi ngang với khối lượng giao dịch thấp. 

Cổ phiếu của Arm nhảy vọt 24,7% sau khi công ty thiết kế chip bán dẫn bắt đầu lên sàn vào ngày 14/9. Các nhà đầu tư hy vọng đợt chào bán cổ phiếu công nghệ lớn nhất trong năm nay có thể khởi động thị trường IPO đang đóng băng.

Mỗi cổ phiếu Arm được chào bán với giá 51 USD. Trong ngày đầu tiên lên sàn, cổ phiếu này đã chốt phiên ở mức 63,59 USD/cp. 

Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường tại B.Riley Financial, cho hay: “Việc Arm IPO thành công chắc chắn sẽ giúp tăng thêm niềm tin...chúng tôi tin tưởng rằng cánh cửa thị trường vốn sẽ mở trở lại sau khi gần như đóng kín trong 18 tháng qua”.

Tất cả các lĩnh vực thuộc S&P 500 đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 14/9. 

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đã xem xét một loạt báo cáo kinh tế chỉ ra rằng lạm phát đang tiếp tục hạ nhiệt và người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) lõi (không tính đến biến động của lương thực và năng lượng), cho thấy lạm phát đã được kiểm soát.

PPI lõi đã tăng 0,2% so với tháng trước, phù hợp với dự đoán của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát.

Tuy nhiên, PPI toàn phần đã tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn mức kỳ vọng chỉ 0,4%.

So với cùng kỳ năm trước, PPI toàn phần đi lên 1,6%, trong khi PPI lõi nhích thêm 2,1% - mức tăng nhỏ nhất kể tháng 1/2021. 

Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần và CPI lõi tháng 8 đã tăng cao hơn một chút so với kỳ vọng của Dow Jones. 

PPI toàn phần tăng lên trong tháng 8 do biến động mạnh của giá nhiên liệu. Khoản mục năng lượng trong PPI đã tăng 10,5% so với tháng trước.

Doanh số bán lẻ tháng 8 đạt kết quả tốt hơn dự kiến, tăng 0,6%. Ban đầu, các nhà kinh tế dự đoán thước đo này sẽ tăng 0,1%. Nếu loại trừ ô tô, doanh số bán lẻ tăng 0,6% trong tháng trước, cao hơn ước tính là 0,4%. 

Ông Hogan nhận định: “Tội nghĩ rằng chúng ta đang có một kịch bản hoàn hảo, trong đó lạm phát đi đúng hướng nhưng nền kinh tế không sụp đổ. Và điều này thực sự cho thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm những điều đúng đắn và chúng ta có thể thực hiện được một cuộc hạ cánh mềm”. 

Trong khi Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 14/9 đã quyết định nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps). Tuy nhiên, ECB cho biết lạm phát đang giảm bớt và ám chỉ rằng chiến dịch tăng lãi suất có thể sắp kết thúc. 

Tại Mỹ, dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group cho thấy thị trường đang tin tưởng gần như chắc chắn rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Với cuộc họp tháng 11, xác suất để ngân hàng trung ương này nâng lãi suất hiện đang là 34,2%, giảm đáng kể so với xác suất khoảng 43,6% chỉ một tuần trước.

Minh Quang