|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh số và thị phần của các thương hiệu smartphone Trung Quốc liên tục giảm sau gần hai năm

14:06 | 14/06/2023
Chia sẻ
Ba thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc là Xiaomi, Oppo và Vivo đã chứng kiến tổng lượng hàng xuất xưởng và thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu giảm trong giai đoạn quý II/2021 - quý I/2023, trái ngược với đà tăng của hai gã khổng lồ Samsung và Apple.

Vừa qua, hãng theo dõi dữ liệu thị trường smartphone Counterpoint Research đã công bố bảng báo cáo số liệu doanh số bán smartphone của các thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới giai đoạn quý II/2021 – quý I/2023.

Theo đó, cả 5 thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới tính theo doanh số bán hàng là Samsung, Apple, Xiaomi, Oppo (bao gồm thương hiệu OnePlus từ quý III/2021) và Vivo đều chứng kiến sự biến động trong giai đoạn quý II/2021 – quý I/2023

Trong quý mới nhất mà Counterpoint Research theo dõi là quý I/2023, tổng số lượng smartphone được xuất xưởng trên toàn cầu là 280,3 triệu chiếc, giảm 14% so với quý I/2022 và giảm 7% so với quý IV/2022.

Tính trong quý I, Samsung vẫn là thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới xét theo số lượng lô hàng xuất xưởng. Tổng cộng đã có 60,6 triệu chiếc smartphone mang thương hiệu Samsung được xuất xưởng trên toàn cầu trong ba tháng đầu năm, chiếm 22% thị phần.

Bám sát Samsung chính là gã khổng lồ Apple. Tổng cộng đã có 58 triệu chiếc iPhone của Apple được xuất xưởng trên toàn cầu trong quý I, chiếm 21% thị phần thị trường smartphone toàn cầu trong ba tháng đầu năm.

Các thương hiệu smartphone Trung Quốc gồm Xiaomi, Oppo và Vivo ghi nhận doanh số và thị phần trong quý I lần lượt là 30,5 triệu chiếc, 24 triệu chiếc, 21,2 triệu chiếc và 11%, 10%, 7%.

Thị phần của 5 thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới giai đoạn QII/2021 - QI/2023. (Nguồn: Counterpoint Reserach - Doanh Chính tổng hợp).

Nhìn rộng ra, trong số 5 thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới thời điểm hiện tại, chỉ có Samsung và Apple chứng kiến doanh số và thị phần tăng lên trong giai đoạn quý II/2021- quý I/2023.

Cụ thể, dù trải qua một số biến động trong giai đoạn trên, song doanh số và thị phần của Samsung đã tăng từ mức 57,6 triệu chiếc và 18% trong quý II/2021 lên 60,6 triệu chiếc và 22% trong quý I/2023. Tương tự, doanh số và thị phần của Apple trên thị trường smartphone toàn cầu cũng tăng từ 48,9 triệu chiếc và 15% trong quý II/2021 lên 58 triệu chiếc và 21% trong quý I/2023.

Lượng hàng xuất xưởng của 5 thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới giai đoạn QII/2021 - QI/2023. (Nguồn: Counterpoint Research - Doanh Chính tổng hợp).

Ngược lại, các thương hiệu smartphone Trung Quốc, cũng trải qua những biến động trong giai đoạn quý II/2021 – quý I/2023, nhưng nhìn chung đã chứng kiến cả số lượng lô hàng xuất xưởng và thị phần đi xuống.

Theo đó, trong quý II/2021, tổng số lượng lô hàng smartphone được xuất xưởng trên toàn cầu của Xiaomi, Oppo và Vivo lần lượt là 52,5 triệu chiếc, 33,6 triệu chiếc và 32,5 triệu chiếc. Tới quý I/2023, những con số tương tự lần lượt là 30,5 triệu chiếc, 24 triệu chiếc và 21,2 triệu chiếc.

Thị phần của Xiaomi, Oppo và Vivo trên thị trường smartphone toàn cầu cũng giảm từ mức lần lượt là 16%, 10% và 10% trong quý II/2021 xuống còn 11%, 10% và 7% trong quý I/2023.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các thương hiệu smartphone Trung Quốc chứng kiến số lượng đơn hàng được xuất xưởng trên toàn cầu giảm trong giai đoạn từ quý II/2021 tới quý I/2023. Trong số này, nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là sự đi xuống nói chung của chính thị trường smartphone Trung Quốc. Điều này diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi hành vi tiêu dùng, theo đuổi xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, hạn chế chi tiêu cho các món đồ công nghệ khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn không ổn định.

Anh Nguyễn

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.