Ông Lý Quí Trung nói về phát triển kinh tế hậu COVID-19: 'Cần hành động cụ thể hơn tinh thần tích cực chung chung'
Tính tới sáng 10/6, Việt Nam đã trải qua 55 ngày không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Hầu hết các hoạt động kinh tế đã dần trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, ông Lý Quí Trung viết trên Facebook cá nhân rằng ông cảm thấy vừa mừng vừa nghi ngại.
Ông Lý Quí Trung là nhà sáng lập Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp.
Về lí do để mừng, ông Trung cho rằng chúng ta vẫn giữ được tinh thần lạc quan, luôn tin vào một ngày mai tươi sáng. Đây là sức mạnh vô địch của người Việt Nam trước những khó khăn, thử thách.
Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn có dấu hiệu cần phải lo lắng. Việc đạt được những thành tựu có thể gây ra sự chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng. Nền kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động ít hơn so với các quốc gia khác, nhưng không có nghĩa mà cuộc khủng hoảng toàn cầu sắp tới tránh né Việt Nam.
"Nhiều nhà kinh tế có uy tín đã tiên liệu là sức công phá của đợt dịch lần này chỉ bắt đầu lộ diện hoàn toàn trong 1-2 năm sắp tới. Ngay cả các doanh nghiệp có các sản phẩm và mô hình kinh doanh thành công và hưởng lợi từ dịch bệnh cũng có thể suy giảm vì hiệu ứng domino cộng hưởng từ sự đi xuống của nhiều lãnh vực khác nhau", ông Trung phân tích.
Bên cạnh đó, ông Trung cho rằng các dự báo của các chuyên gia quốc tế có thể không chính xác về mặt vi mô, nhưng về mặt vĩ mô thì không có nhiều khác biệt.
Việt Nam hiện đã hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, nằm trong chuỗi cung ứng, du lịch, đi lại trên toàn thế giới. Vì thế khi các nước khác vẫn chưa thể kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch thì Việt Nam cũng vướng phải những khó khăn nhất định.
Chính vì vậy, ngoài những ý chí, quyết tâm, Việt Nam cần phải có những hành động cụ thể. Ông Trung lấy ví dụ về làn sóng nhà máy di chuyển khỏi Trung Quốc của Mỹ và một số nước khác. Ấn Độ và Indonesia đã nhanh chân "đón đầu" 20.000 doanh nghiệp được cho là có ý định chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc.
"Nếu các doanh nghiệp VN chậm chân vì không có đủ thông tin, không có đủ sự kết nối hay có một kế hoạch cụ thể, đặc biệt là không có sự kết hợp ăn ý giữa Chính phủ và đội ngũ các doanh nghiệp, thì cơ hội sẽ chỉ mãi là cơ hội", ông Trung chia sẻ.
Kết lại, doanh nhân sinh năm 1966 hi vọng Việt Nam tiếp tục gây dấu ấn trong cuộc chạy đua hồi phục lại nền kinh tế thời hậu dịch cúm. Một lần nữa ông Trung đánh giá cao hành động cụ thể hơn so với sự tự tin hay lạc quan.
"Sự hi vọng hay sự tự tin, lạc quan cũng chỉ là thứ bay lơ lửng trong suy nghĩ. Hành động và những bước đi cụ thể trên mặt đất mới làm nên sự khác biệt", ông Trung thổ lộ.