Doanh nghiệp phân bón hân hoan báo lãi đậm
Đúng như dự đoán của thị trường, trong quý I, các doanh nghiệp ngành phân bón đã hưởng lợi nhờ tình hình sản xuất và tiêu thụ hồi phục, bù đắp cho những rủi ro từ giá khí và giá vận chuyển tăng.
Hưởng lợi nhờ giá phân bón hồi phục
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM), cả doanh thu và lợi nhuận của công ty đều ghi nhận sự tăng trưởng, lần lượt tăng 28% và 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả lãi sau thuế đạt gần 171 tỷ đồng, kết thúc quý I, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện được 47% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra.
Theo giải trình của doanh nghiệp, do giá bán mặt hàng phân bón quý 1/2021 tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng.
Một doanh nghiệp phân bón với sản phẩm chính là phân urê là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã: DCM) cũng ghi nhận lãi đậm nhờ giá phân bón trên thế giới tăng.
Cụ thể, kết thúc quý I, Phân bón Cà Mau ghi nhận doanh thu 1.872 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 152 tỷ, tương ứng tăng 39% và 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã giúp Phân bón Cà Mau thực hiện được 77% kế hoạch lợi nhuận chỉ sau quý I.
Theo chia sẻ của tổng giám đốc trước đó, do giá khí tăng nên giá vốn hàng bán nhỉnh hơn so cùng kỳ. Tuy nhiên, giá urê (sản phẩm chính chiếm 73% doanh thu của công ty) đã tăng hơn 20% kể từ cuối năm 2020, sản lượng bán cũng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khiến quy mô doanh thu của doanh nghiệp nở rộng, lợi nhuận của doanh nghiệp theo đó cũng cải thiện.
Một doanh nghiệp có thế mạnh với phân NPK là CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) đã có kết quả kinh doanh quý I tính bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu thuần của doanh nghiệp này gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt gần 1.767 tỷ đồng. Trong kỳ, giá vốn hàng bán cũng gấp hai lần lên 1.544 tỷ, lợi nhuận gộp đạt gần 223 tỷ đồng, cao gấp hai lần cùng kỳ 2020.
Kết quả hết quý I, Phân bón Bình Điền ghi nhận lãi sau thuế gấp 14,5 lần cùng kỳ, đạt 68 tỷ đồng, thực hiện được 51% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021.
Cũng có kết quả kinh doanh tích cực, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) ghi nhận doanh thu cao hơn cùng kỳ 144%, lợi nhuận sau thuế gấp 6 lần, lần lượt đạt 756 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.
LAS cho biết, trong quý, doanh nghiệp đã cải tiến hệ thống bán hàng, sắp xếp và đánh giá năng lực của các nhà phân phối và thay đổi phương thức bán hàng, phân vùng bán theo năng lực của nhà phân phối nên sản lượng tiêu thụ phân và doanh thu đều tăng trưởng tốt. Cộng với tiết giảm chi phí quản lý và chi phí tài chính nên lợi nhuận của công ty cao đột biến so với năm ngoái.
Kết quả ba tháng đầu năm đã giúp doanh nghiệp này thực hiện được 84% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021.
Với kết quả kinh doanh khởi sắc, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành phân bón cũng hưởng ứng theo.
Cụ thể, giá cổ phiếu DPM đã tăng 36% kể từ đầu tháng 2, lên vùng 20.500 đồng/cp, là vùng đỉnh trong vòng hai năm trở lại đây.
Còn cổ phiếu DCM đã thiết lập vùng đỉnh giá lịch sử vào cuối tháng 3 vừa qua ở mức 18.000 đồng/cp, tăng 28% so với giá đầu năm.
Vì sao giá phân bón tăng chóng mặt?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, riêng trong tháng 3, giá phân bón DAP xanh Hồng Hà do Trung Quốc sản xuất tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán lẻ từ 840.000 đến 850.000 đồng/bao, tương ứng tăng 29% so với thời điểm cuối năm 2020.
Trong khi đó, giá bán lẻ phân đạm Cà Mau (urê Cà Mau) tại nhiều cửa hàng ở mức từ 500.000 đến 510.000 đồng/bao, tăng 30%.
Giá các loại urê Phú Mỹ, urê Ninh Bình và nhiều loại urê nhập khẩu khác cũng đang có giá khá cao, ở mức từ 480.000 đến 500.000 đồng/bao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá phân bón tăng mạnh là do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào (giá khí), cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng.
Ðồng thời, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá nhích lên, nhất là đối với phân bón DAP và urê.
Bên cạnh đó, theo Tổng Giám đốc Phân bón Cà Mau, khi giá phân bón trong quý I/2021 tăng, nông dân quyết định không những vào vụ đông xuân sớm mà họ còn tăng vụ. Chưa kể khi mùa mưa đến sớm thì nông dân còn nối vụ.
Chẳng hạn như nông dân ở khu vực tứ giác Long Xuyên còn chủ động gieo cấy trước cho vụ hè thu. Các yếu tố này sẽ khiến nhu cầu tăng cao, giá phân bón theo đó cũng đi lên.
Trước giá phân bón được đẩy lên cao, nhiều ý kiến nhận định, để giá phân bón bình ổn và giảm trong thời gian tới, rất cần đảm bảo nguồn cung sản phẩm ra thị trường, tránh tâm lý lo lắng thiếu hàng hóa của người nông dân; loại bỏ được tình trạng găm hàng đẩy giá...
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng cho rằng, nguồn cung phân bón là không thiếu, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phục vụ cho thị trường trong nước. Đây được xem là giải pháp tốt nhất hiện tại để bình ổn thị trường phân bón trong nước.