|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nguồn cung khí bị siết chặt, lợi nhuận Đạm Phú Mỹ lao dốc

16:55 | 09/04/2021
Chia sẻ
Năm 2021, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 52% so với năm trước còn 365 tỷ đồng.

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 8.331 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 365 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 6% và giảm 52% so với kết quả năm 2020. Đây đồng thời là con số lợi nhuận thấp nhất của công ty kể từ khi niêm yết năm 2007.

Nguồn cung khí bị siết chặt, lợi nhuận Đạm Phú Mỹ có thể thấp nhất từ khi niêm yết - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ. (Nguồn: M.H tổng hợp từ BCTC hợp nhất của DPM).

Về kế hoạch cổ tức, công ty dự kiến chia với tỷ lệ 10% tiền mặt (1.000 đồng/cp) trong năm nay.

Năm 2020, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là 695 tỷ đồng, DPM dự kiến dành hơn 547 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng 14% tiền mặt (1.400 đồng/cp), cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 4%.

Giải thích về kế hoạch giảm lãi, theo DPM, năm 2021 diễn ra trong bối cảnh các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí tiếp tục khó khăn như năm ngoái. 

Đặc biệt, nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng. Trước đó, một doanh nghiệp trong ngành là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã: DCM) cũng đưa ra kế hoạch lãi thấp kỷ lục từ khi niêm yết.

Theo tài liệu, năm nay, DPM sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn khí ổn định cả về sản lượng và giá bán dài hạn cho sản xuất đạm. Đồng thời, doanh nghiệp vận hành Nhà máy đạm Phú Mỹ, xưởng sản xuất NPK và xưởng sản xuất UFC 85/Formaldehyde.

Công ty dự kiến dành ra 364 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản, trang thiết bị.

Chi phí đầu vào tác động mạnh nhất đến lợi nhuận  

Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chi phí giá khí đầu vào vẫn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến lợi nhuận của DPM trong những năm gần đây.

Cụ thể, trong ba nguồn lấy khí chính của DPM gồm Bạch Hổ, Rồng Đồi Mồi và bể Nam Côn Sơn, BVSC cho rằng DPM sẽ ưu tiên lấy khí từ nguồn khí Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi do có phí vận chuyển thấp nhất.

Song, do trữ lượng của Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi không còn nhiều nên doanh nghiệp đang phải chuyển dần sang các nguồn khí khác với chi phí vận chuyển cao hơn. Như vậy, BVSC cho rằng trong tương lai, giá khí vận chuyển của DPM có thể tiếp tục xu hướng tăng.

Đồng thời chi phí giá dầu trung bình ước tính tiếp tục tăng mạnh so với năm 2020 khi nền kinh tế hồi phục sau COVID-19, nhu cầu đi lại và tiêu thụ năng lượng tăng cao cũng tác động đến biên lợi nhuận của DPM.