TGĐ Phân bón Cà Mau nêu các yếu tố sẽ đẩy giá phân bón năm 2021 lên cao
Trao đổi với nhà đầu tư về triển vọng giá phân bón trong năm 2021, ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, mã: DCM) cho biết đối với quý I của các năm, đây là kỳ thách thức cho các doanh nghiệp phân bón do nông dân sẽ còn dư lại lượng phân của kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên do giá phân bón trong quý I/2021 tăng nên nông dân không những vào vụ đông xuân sớm mà họ còn tăng vụ. Chưa kể khi mùa mưa đến sớm thì nông dân còn nối vụ.
Chẳng hạn như nông dân ở khu vực tứ giác Long Xuyên còn chủ động gieo cấy trước cho vụ hè thu. Các yếu tố này sẽ khiến nhu cầu tăng cao, giá phân bón theo đó cũng đi lên.
Giả định cho ba quý còn lại của năm, đại diện DCM chia sẻ, do loạt yếu tố đầu cơ của các "trader" thế giới liên quan đến gói mua sắm của Ấn Độ và giá cước vận chuyển tăng rất cao (tăng 30 - 50 USD/tấn) dự kiến khiến giá phân bón thế giới bị ảnh hưởng theo.
Sang quý III, quý IV, câu chuyện lũ lụt tại Trung Quốc sẽ khiến hầm than, nguồn sản xuất phân urê cho nước này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Bên cạnh đó, nguồn khí cung cấp cho các tỉnh phía tây của Trung Quốc đang thiếu nên sản lượng sản xuất ure tại nước này sẽ suy giảm, kéo giá phân urê thế giới tăng lên trong thời gian tới, ông Thanh cho hay.
Ngoài ra, vấn đề đứt gãy chuỗi vận chuyển cũng sẽ khiến giá nguyên liệu sản xuất phân DAP ảnh hưởng mạnh. Đây cũng là lý do khiến giá DAP tăng 50% so với cuối năm 2020.
Chính vì thế, giá phân bón trong nước trong năm nay vẫn sẽ duy trì ở mức cao, song vẫn thấp hơn so với giá nhập khẩu. Lý do là giá nhập từ Malaysia, Indonesa cộng thêm các chi phí cảng, vận chuyển sẽ ở tầm 9.100 đồng/kg, trong khi giá bán của DCM là 8.800 đồng/kg.
M&A các nhà máy, dự kiến cung cấp cho thị trường 11.000 tấn phân vi sinh
Theo chia sẻ, ông Văn Tiến Thanh cho hay trong năm 2021, công ty sẽ chi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.
Đối với mảng này, công ty hướng tới câu chuyện hợp tác đầu tư, hướng tới nguồn nguyên liệu tại các khu vực Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai,...được sản xuất theo quy trình công nghiệp nhưng theo quy mô phân tán.
Ông Thanh giải thích thêm, riêng mảng hữu cơ vi sinh, độ chênh lợi nhuận không cao do chi phí vận chuyển lớn ăn mòn. Do đó, công ty quyết định đầu tư phân tán, nghĩa là sản xuất và phân phối tại từng khu vực.
Hiện tại, DCM đã đặt hàng gia công trong nước theo công thức của riêng công ty, dự kiến vụ hè thu sẽ đóng góp cho thị trường 2.000 - 4.000 tấn phân hữu cơ vi sinh, còn kế hoạch cho cả năm nay là 11.000 tấn.
Theo nhận định của vị đại diện DCM, việc phân phối phân hữu cơ vi sinh đến nay vẫn còn khó, "các công ty muốn tham gia hầu hết sẽ bị kẹt lại tại khâu phân phối". Do đó những doanh nghiệp lớn đang nắm giữ thị trường sẽ có lợi thế hơn.
Tiết lộ thêm, ông Thanh cho biết công ty đang M&A các nhà máy với công suất tương đối để nâng công suất của công ty đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn tới.