|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón tăng mạnh 30% do nguồn cung suy giảm

07:37 | 29/04/2021
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với công suất thiết kế 2,7 triệu tấn, Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ được về urê nhưng các loại phân bón khác như DAP, NPK, kali… sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay nguồn phân bón nhập khẩu cũng bị suy giảm mạnh so với cùng kỳ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 3, giá phân bón DAP xanh Hồng Hà do Trung Quốc sản xuất tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán lẻ từ 840.000 đến 850.000 đồng/bao. 

Mức giá này đã tăng khoảng từ 240.000 đến 250.000 đồng/bao, tương đương tăng 29% so với thời điểm cuối năm 2020. 

Còn giá bán lẻ phân đạm Cà Mau (urê Cà Mau) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp đang ở mức từ 500.000 đến 510.000 đồng/bao, tăng hơn 150.000 đồng/bao (tương đương 30%) so với cuối năm trước. 

Giá các loại urê Phú Mỹ, urê Ninh Bình và nhiều loại urê nhập khẩu khác cũng đang có giá khá cao, ở mức từ 480.000 đến 500.000 đồng/bao. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giá phân bón tăng mạnh là do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng. 

Ðồng thời, dịch COVID-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá nhích lên, nhất là đối với phân bón DAP và urê.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với công suất thiết kế 2,7 triệu tấn, Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ được về urê nhưng các loại phân bón khác như DAP, NPK, kali… sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay nguồn phân bón nhập khẩu cũng bị suy giảm mạnh so với cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, nguồn cung phân bón thế giới bị giảm nhiều do dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất ở nhiều nước, trong khi đó, tình trạng thiếu container rỗng đẩy giá cước tàu biển tăng gấp nhiều lần cũng ảnh hưởng tới giá vận chuyển phân bón. 

Năm 2020, dù phải đối mặt với hai làn sóng dịch COVID-19 trên diện rộng nhưng với các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả từ Chính phủ, không có nhà máy sản xuất phân bón nội địa nào phải dừng hoạt động. 

Sản xuất phân bón nội địa tăng đáng kể, nguồn cung trong nước dồi dào. Xuất nhập khẩu phân bón cũng tăng bất chấp tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ nội địa sụt giảm do ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến thời tiết cực đoan khiến giá bán các loại phân bón năm 2020 chịu áp lực lớn từ tình trạng dư cung tại thị trường trong nước.

H.Mĩ