Doanh nghiệp nội địa (Domestic Corporation) là gì? Đặc điểm
Ảnh minh họa. Nguồn: Izey Victoria Odiase.
Doanh nghiệp nội địa
Khái niệm
Doanh nghiệp nội địa trong tiếng Anh là Domestic Corporation.
Doanh nghiệp nội địa là một công ty thực hiện hoạt động kinh doanh của mình ở nước sở tại. Một doanh nghiệp nội địa thường bị đánh thuế khác so với doanh nghiệp nước ngoài và có thể phải trả thuế hoặc phí đối với các sản phẩm mà họ nhập khẩu. Thông thường, một doanh nghiệp nội địa có thể dễ dàng hoạt động kinh doanh ở những nơi trong nước mà họ đăng kí hoạt động.
Các doanh nghiệp được đặt tại một quốc gia khác so với quốc gia ban đầu của họ được gọi là các doanh nghiệp nước ngoài.
Đặc điểm của Doanh nghiệp nội địa
Công ty là một thực thể pháp lí riêng biệt và khác biệt với chủ sở hữu của nó. Trong trường hợp xảy ra kiện tụng và trả nợ, công ty mới là đơn vị phải chịu trách nhiệm pháp lí, mà không phải là chủ sở hữu. Nếu chủ nợ yêu cầu phải thanh toán khoản nợ, họ sẽ yêu cầu bồi thường đối với tài sản của công ty, mà không phải tài sản cá nhân của chủ sở hữu.
Thông thường, một công ty được thành lập sau khi một doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng kí thành lập với cơ quan nhà nước. Từ lúc đó trở đi, tất cả các hành vi của công ty đều phải tuân theo luật của địa phương nơi nó được thành lập, ngay cả khi nó không kinh doanh ở đó.
Các chủ doanh nghiệp nội địa được tự do lựa chọn nơi hoạt động kinh doanh của các công ty của mình, và do đó, họ thường tìm cách phân tích luật doanh nghiệp ở các khu vực khác nhau để xác định nơi nào phù hợp để hoạt động kinh doanh nhất.
Ưu điểm của các doanh nghiệp nội địa là bớt chi phí tìm hiểu thị trường so với doanh nghiệp nước ngoài. Mỗi công ty cần phải hiểu được thị hiếu của từng thị trường mục tiêu, và do đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc phân tích thị hiếu của các khách hàng từ các quốc gia khác, xem nhóm khách hàng nào có khả năng mua hàng nhất và cách để marketing sản phẩm hiệu quả.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa có thể dự đoán sở thích của khách hàng dễ dàng hơn. Nó có thể quen thuộc hơn với các dịch vụ của đối thủ cạnh tranh và có thể dễ dàng hiểu được các thị trường ngách.
Tuy nhiên, nhược điểm của các doanh nghiệp nội địa là chúng thường dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi theo chu kì của thị trường. Những thay đổi theo chu kì có xu hướng ảnh hưởng đến một doanh nghiệp nội địa mạnh mẽ hơn một doanh nghiệp quốc tế, khiến nó dễ bị tổn thương hơn trước những thăng trầm của thị trường trong nước. Lí do là vì doanh nghiệp nước ngoài thường có nhiều cách tạo ra lợi nhuận khác khi điều kiện thị trường nội địa đang không tốt, trong khi doanh nghiệp nội địa thì không.
(Theo Investopedia và Chron)