Doanh nghiêp ngành xây dựng tìm đường vượt khó
"Một giai đoạn thách thức"
Năm 2019, doanh số kí hợp đồng của toàn Công ty đạt hơn 2.400 tỉ đồng, tăng 86% so với năm 2018 và vượt gần 15% so với kế hoạch ban đầu. Đây là doanh số cao nhất trong qua trình phát triển của Searefico.
Các chỉ tiêu doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 1.700 tỉ đồng, 82 tỉ đồng và 72,5 tỉ đồng, đều hoàn thành kế hoạch đặt ra. HĐQT Searefico đã trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2019 với tỉ lệ 15%.
Năm 2020, trước sự tàn phá của COVID-19, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 1.500 tỉ đồng, giảm 12% so với thực hiện 2019; lợi nhuận sau thuế kế hoạch giảm 31% xuống mức 50 tỉ đồng; tỉ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến 10%.
Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, Ban điều hành Searefico đặt Kế hoạch doanh thu tăng khoảng 15%, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 18% trong năm nay. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra khiến tình hình kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Tổng Giám đốc Searefico cho biết, thông thường, quí I là quí thấp điểm trong năm. Tuy nhiên, trong năm nay, do dịch bệnh xảy ra, có thể trong quí II và quí III mới là thời điểm hoạt động kinh doanh thấp điểm nhất.
Trong khi đó, với mảng sản xuất, công ty kì vọng nhà máy sản xuất vật liệu mới sẽ đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận của công ty nhưng COVID-19 xảy ra dẫn đến doanh số dự kiến 2020 sẽ giảm so với ước tính ban đầu khoảng 300 tỉ đồng năm nay.
Bà Hường cho biết, với những kinh nghiệm và bài học trong quá khứ, khi nhận thấy thị trường bất động sản bắt đầu khó khăn từ năm 2018, trong năm 2019, công ty đã xác định không tập trung chạy đua về doanh số mà tập trung vào khả năng thu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong việc thu hồi công nợ.
"Trong năm 2019, nếu không từ chối 3 hợp đồng khoảng 1.500 tỉ đồng thì doanh số kí hợp đồng của chúng ta lên đến gần 4.000 tỉ đồng. Thực tế, để "say no" với một dự án là rất khó khăn, chúng tôi rất trăn trở, nhưng sau khi kết thúc năm 2019, các thành viên trong Ban điều hành đều thấy rằng, chúng ta đã quyết định đúng, nếu không, công ty sẽ gặp rủi ro trong việc thu hồi vốn từ các dự án đó", Tổng giám đốc Searefico chia sẻ.
"Thực chất, chúng ta không rớt thầu công trình nào cả. Rất nhiều dự án mới chủ đầu tư đã mời thầu nhưng sau đó dừng lại, nhiều công trình cũng tạm hoãn thi công. Ngay cả chúng ta có thi công thì chủ đầu tư cũng không có tiền để trả cho mình", ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay.
Theo ông Phước, hầu hết chủ đầu tư trong trong lĩnh vực hotel, resort, cao ốc văn phòng đều khó khăn. Du lịch thì vắng khách, không có khách nước ngoài, khách trong nước cũng không đi nữa, khách văn phòng thì đòi trả văn phòng, muốn chủ nhà giảm giá đến 50%.
"Chúng đa đang đi qua một vùng trũng bóng tối. Đây là một giai đoạn cực kì khó khăn", Chủ tịch Searefico đánh giá.
Ông Phước cũng cho rằng, kế hoạch mà HĐQT giao cho Ban điều hành trong năm nay là cực kì thách thức, kế hoạch này được đề ra phải dựa trên cơ sở giả định rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong quý III- IV/2020 sau cơn dịch này.
Theo Chủ tịch Searefico, mặc dù công ty đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm trong công tác thu hồi nợ, nhưng những khoản công nợ cũ vẫn chưa thu hồi được, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, mà chủ yếu là khách quan.
"Từ trước đến nay, Searefico luôn có hệ số tín nhiệm tại các ngân hàng ở mức rất cao. Có ngân hàng xếp hạng AAA, có ngân hàng xếp loại A+, AA+, chúng ta chưa bao giờ xuống mức B. Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước thách thức đối với việc kiểm soát dòng tiền và bảo vệ độ tin cậy tín dụng với các ngân hàng.
Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, và hành động hết sức kịp thời. Ban điều hành cần phải có giải pháp cụ thể, quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác kiểm soát công nợ, đặc biệt là kiểm soát ngay từ khâu đàm phán hợp đồng và trong giai đoạn thi công để đảm bảo không gặp khó khăn trong vấn đề thanh quyết toán", ông Phước nói.
Tìm đường vượt khó
Tổng giám đốc Searefico cũng cho biết, đây là thời điểm toàn thể thành viên của Công ty đã quyết tâm cùng nhau kiểm soát chặt ngân lưu, đặc biệt tập trung nguồn lực cho việc thu hồi công nợ để bảo vệ thành quả đạt được trong quá khứ và nắm bắt các cơ hội kinh doanh và trở lại mạnh mẽ hơn sau khi dịch qua đi.
Bên cạnh đó, Công ty cũng buộc phải thắt lưng buộc bụng để vượt qua giai đoạn khó khăn này kèm những giải pháp tối ưu hoá chi phí bao gồm tinh giản bộ máy đang được công ty thực hiện. Công ty cũng không loại trừ sẽ tiếp tục thực hiện việc cắt giảm lương và cơ cấu lại nhân sự nếu tình hình kinh tế không thuận lợi vào cuối năm.
"Chúng tôi cũng đã lên 5, 6 phương án cho 4 kịch bản năm 2020. Trước đây người ta nói cá lớn nuốt cá bé, nhưng sau khi COVID-19 diễn ra, tôi nghĩ rằng, chúng ta phải nghĩ đến câu nói khác: "Cá nhanh nuốt cá chậm", đó là lí do chúng ta mới phải lấy ý tưởng là vòng đua F1 trong đại hội này để thúc đẩy bộ máy làm việc quyết liệt hơn, hiệu quả hơn", bà Hường nói.
Về kế hoạch hoạt động năm 2020, Searefico dự kiến tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lí , tổ chức công ty theo mô hình Holdings Company, tìm kiếm chiến lược đối tác, phát hành cổ phiếu tăng nhằm vốn điều lệ, phục vụ nhu cầu đầu tư nâng cao sản xuất và hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Theo chủ tịch HĐQT Searefico, mục tiêu của Công ty là hoàn thiện chuỗi cung ứng, đa dạng hoá chuỗi hoạt động của Searefico. Hiện doanh thu của Searecico có tỉ trọng dịch vụ là 80%, 20% là sản xuất. Mục tiêu của HĐQT là tăng tỉ trọng sản xuất và dịch vụ là 50%-50% từ năm 2022-2023.
Theo đó, HĐQT Searefico kì vọng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn doanh thu, tương ứng với biên lợi nhuận cao hơn nhờ vào hoạt động sản xuất. Bởi hiện nay, biên lợi nhuận từ lĩnh vực M&E đang thấp dần vì cạnh tranh cao.
Trong dài hạn, Searefico hướng đến việc sẽ mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động sản xuất vật liệu vật liệu xanh, đột phá trong kĩ thuật công nghệ. Năm 2019, Seareafico đã hoàn thành công tác triển khai dự án đầu tư nhà máy sản xuất vật liệu mới, thân thiện với môi trường tạo được lợi thế cạnh tranh là các nhà xưởng tại TP HCM và Đà Nẵng giúp Searefico chủ động vật liệu cho hoạt động sửa chữa, thiết kế thi công các hệ thống M&E và lạnh công nghiệp, các lĩnh vực công ty có từ 25 - 35 năm kinh nghiệm.
"Mong muốn của SRF đầu tư vào nhà máy Greenpan, nhằm khẳng định sản phẩm Made in Vietnam không hề thua kém so với các sản phẩm hàng đầu thế giới.
Tôi cho rằng sản phẩm của chúng tôi còn tốt hơn sản phẩm ở Italia hay ở Tây Ban Nha, những nơi mà chúng tôi đã từng đến thăm", ông Phước nói.
Công ty sẽ mở rộng. Tuy nhiên, sẽ không mở rộng ở những lĩnh vực chúng ta không giỏi. Mục tiêu là One Door Services. Chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ, cơ điện lạnh, xây dựng, 80% nhân sự của chúng ta là kĩ sư.
Dù vậy, với mức vốn điều lệ của công ty hiện chỉ 325 tỉ đồng, Searefico trên thị trường chứng khoán vẫn là một công ty smallcap. Để đi nhanh, nắm bắt được cơ hội sau cơn dịch này qua đi, Ban điều hành xác định sẽ tìm đối tác phù hợp để phát hành tăng vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh cho công ty trong giai đoạn 2020-2025.
Dự kiến, sau khi chọn được đối tác phù hợp, HĐQT sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tại một kì họp khác.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.