|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp mía đường đang là 'con nợ' của người trồng mía

21:16 | 29/06/2018
Chia sẻ
Hiệp hội mía đường Việt Nam cho hay lượng hàng tồn kho không tiêu thụ được là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đang nợ tiền mía của người nông dân với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

doanh nghiep mia duong dang la con no cua nguoi trong mia
Lượng hàng tồn kho không tiêu thụ được là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp đang nợ tiền mía của người nông dân với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tính đến giữa tháng 6/2018, lượng đường tồn kho tại các nhà máy vào khoảng 700.000 tấn. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, lượng đường tồn trong kho của các doanh nghiệp cao mức khủng như vậy.

Do việc tồn kho lớn chưa tiêu thụ được cộng với hạn mức tín dụng tại các ngân hàng đã hết nên nhiều nhà máy đang nợ tiền mía của nông dân với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, công ty đường Cần Thơ đang nợ người nông dân khoảng 110 tỷ đồng, Công ty đường Trà Vinh nợ 70 tỷ đồng, Công ty đường Sóc Trăng nợ 100 tỷ đồng.

Nợ khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp như Nhà máy mía đường Bình Định đã phải trả tiền mía cho nông dân bằng… đường. Những ngày qua, một số nông dân đã kéo đến nhà máy để đòi tiền thanh toán mía, khiến cho bối cảnh thị trường vô cùng căng thẳng.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một nguyên nhân gây nên viễn cảnh không mấy sáng sủa này đó là vấn nạn đường nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Những tháng đầu năm 2018 dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, tình trạng này cũng không giảm mấy so với năm 2017. Số liệu ước tính vào khoảng 500.000 tấn đường nhập lậu, gian lận thương mại đang “tác oai tác quái tại thị trường”.

Để ngăn chặn tình trạng đường thẩm lậu vào thị trường nội địa, mới đây, Cục Quản lý Thị trường cũng có công văn yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với mặt hàng đường nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, Cục này cũng yêu cầu các Chi cục quản lý thị trường địa phương chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát khu vực giáp biên giới, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, trên cả tuyến đường bộ và đường sông, chú trọng các địa bàn giáp ranh, các điểm tập kết, điểm bán buôn, phát luồng hàng hoá, các cơ sở đóng gói, kinh doanh mặt hàng đường nhằm phát hiện, ngăn chặn đường nhập lậu, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là khu vực biên giới cửa khẩu Lao Bảo, khu vực biên giới Tây Nam (giáp ranh giữa các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Long An với các tỉnh biên giới Campuchia).

Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, cả nước hiện có 41 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày nằm tại 25 tỉnh thành. Tuy nhiên, trong số 41 nhà máy, có tới 22 nhà máy chỉ có công suất dưới 3.000 tấn. Một nhà máy đã dừng hoạt động từ cuối năm 2017. 21 nhà máy còn lại thì đều thuộc những công ty có nhà máy lạc hậu, cũ kỹ và thực sự là nỗi lo với ngành đường trong nước khi mở cửa hội nhập.

Theo VSSA, Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến 41 nhà máy đường, 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu lao động và 35 vạn công nhân công nghiệp chế biến. Trong đó, khoảng 22 nhà máy có công suất dưới 3.000 tấn sẽ bị tác động nặng nề nhất và khả năng cao sẽ phải đóng cửa do thua lỗ.

Điều này nhìn trước được là sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và 10 vạn công nhân chế biến. Ước tổng số tiền thiệt hại do tác động dẫn đến thua lỗ, phá sản cỡ khoảng 10.000 tỷ đồng.

Cũng theo VSSA, sau khi các nhà máy dừng hoạt động, vùng trồng mía cũng rất khó có thể tìm được cây trồng có hiệu quả hơn để thay thế. Điều này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thu nhập, đời sống người dân mà còn tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội, an ninh trạt tự ở nông thôn trong vùng.

Xem thêm

H. Anh