Giá đường cao nhất một năm, chạm mốc 20.000 đồng/kg
Tăng 14% trong quý III, giá đường chạm mốc 20.000 đồng/kg
Trong tháng 9, giá đường trong nước đã ghi nhận đà tăng giá trong tháng thứ ba liên tiếp và đạt mức cao nhất trong vòng một năm qua, dao động từ 19.400 - 20.000 đồng/kg đối với đường kính trắng và 20.200 – 21.000 đồng/kg với đường tinh luyện, tăng 600 – 700 đồng/kg so với tháng trước.
Tính chung trong quý III năm nay giá đường trong nước đã tăng 10 – 14%, tương ứng tăng 1.800 – 2.600 đồng/kg.
Như vậy, so với giá đường tại thị trường nội địa với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam hiện đã ở mức tương đương so với các đồng nghiệp trong khu vực.
Tính đến cuối tháng 9, giá đường tại Việt Nam đã cao hơn gần 1.000 đồng so với đường tại Trung Quốc, tương đương giá đường của Indonesia và chỉ thấp hơn Philippines.
Bảng so sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận (ĐVT: đồng/kg)
Ngày 6/9 | Ngày 13/9 | Ngày 20/9 | Ngày 27/9 | |
Malina, Philippines | 37.955 | 37.690 | 37.872 | 37.699 |
Java, Indonesia | 20.051 | 20.011 | 19.997 | 19.977 |
Trịnh Châu, Trung Quốc | 18.727 | 18.925 | 19.083 | 18.966 |
Việt Nam | 19.567 | 19.721 | 19.958 | 19.958 |
(Nguồn: VSSA)
Theo VSSA, nhờ các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại được áp dụng từ ngày 8/8, lượng đường nhập khẩu chính ngạch đã giảm bớt và đồng loạt các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được triển khai, nên các hoạt động này cũng tạm thời bị trấn áp.
“Sự giảm bớt tạm thời của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu cũng giúp cho đường sản xuất từ mía tiêu thụ được” VSSA nhận định.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng đường nhập khẩu của nước ta trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, đạt 65.260 tấn, giảm 39,2% so với tháng trước đó và giảm 58,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nhập khẩu đường của Việt Nam đã giảm hơn 6% so với cùng kỳ, đạt 915.000 tấn.
Nhập lậu đường có chiều hướng gia tăng
Đường gian lận thương mại nhập khẩu chính ngạch có chiều hướng giảm trong thời gian gần đây nhưng vấn nạn đường lậu vẫn là nỗi lo của ngành mía đường trong nước. Đặc biệt là khi giá đường trong nước tăng cao như hiện nay sẽ thúc đẩy hoạt động buôn lậu đường trong thời gian tới.
Theo VSSA, trong nửa cuối tháng 9, sau một thời gian thăm dò, các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu lại gia tăng trở lại và đường đóng bao Thái Lan lại tràn ngập và hoàn toàn làm chủ thị trường bất chấp sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Trong tháng 9, nhiều vụ việc gian lận thương mại đường nhập lậu đã bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước.
Ban Chỉ đạo 389 một số tỉnh biên giới Tây Nam nhận định, ngoài lợi dụng mùa nước nổi để gia tăng vận chuyển hàng lậu qua các cánh đồng biên giới, các đối tượng đang gom hàng chuẩn bị phục vụ thị trường tết Quý Mão 2023, nên tình trạng vận chuyển hàng lậu, trong đó có đường cát có xu hướng gia tăng.
Giá một số mặt hàng có thể tăng theo giá đường?
Với việc giá đường tăng lên trong những tháng gần đây, đã có một số lo ngại cho rằng những mặt hàng thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ đường sẽ chịu áp lực chi phí đầu vào cũng như giá bán trong thời gian tới.
Mới đây, Hiệp hội Sữa Việt Nam có công văn số 67 gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiến nghị về chính sách nhập khẩu đường thô và đường tinh luyện theo hạn ngạch thuế quan năm 2022.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, tổng nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường ước đạt gần 2 triệu tấn nhưng sản xuất trong nước chỉ ước đạt 741.000 tấn và trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu khoảng 600.000 tấn.
Do đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bổ sung lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường thêm 600.000 – 800.000 tấn để đảm bảo nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước (tỷ lệ phân bổ 70% đường thô và 30% đường tinh luyện).
Bên cạnh đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ tăng cường thiết lập cơ chế nhập khẩu đối với đường thô và đường tinh luyện linh hoạt hơn so với các chính sách hiện hành.
Cũng theo Hiệp hội Sữa, các biện pháp phòng vệ thương mại thường chỉ mang lại tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất ngành mía đường trong nước nhưng lại tác động và ảnh hưởng lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có sử dụng đường như một nguyên liệu để sản xuất.
Cụ thể, đối với sản phẩm sữa đặc có đường mà một số thành viên của Hiệp hội đang sản xuất, đường là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra thành phẩm với tỷ lệ đường trong sản phẩm chiếm khoảng 40-45%. Do đó, khi đường bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp làm cho giá đường nguyên liệu tăng cao, dẫn đến giá thành một hộp sữa đặc có đường 380 gram tăng gần 10% so với trước đây.
"Trong khi đó, các sản phẩm sữa đặc có đường thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, có lợi thế hơn khi được sử dụng nguồn nguyên liệu đường giá rẻ do không phải chịu thuế chống bán phá già và chống trợ cáp, lại được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu là 0% khi vào thị trường Việt Nam, do đó giá của các sản phẩm nhập khẩu cạnh tranh hơn rất nhiều so với sản phẩm sản xuất trong nước", Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết.