|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đường trong nước tăng vọt sau khi áp thuế phòng vệ thương mại với đường ASEAN

20:10 | 14/09/2022
Chia sẻ
Sau khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, giá đường trong nước đã tăng mạnh 8 – 10% và tiệm cận các nước trong khu vực.

Phòng vệ thương mại giúp giá đường trong nước tiệm cận các nước trong khu vực 

Trong tháng 7 và tháng 8 giá đường trong nước đã tăng mạnh 8 – 10 % (tương ứng 1.400 – 1.800 đồng/kg) lên mức cao nhất kể cuối năm ngoái đến nay, dao động từ 19.000 – 19.300 đồng/kg đối với đường kính trắng và 19.800 – 20.100 đồng/kg với đường tinh luyện.

 Số liệu từ VSSA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 8 giá đường của Việt Nam đã cao hơn 353 đồng/kg so với sản phẩm cùng loại tại Trung Quốc và chỉ thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với Indonesia. Đây là sự thu hẹp đáng kể khi trước đó giá đường Việt Nam luôn thấp hơn từ 2.000 – 4.000 đồng/kg so với hai nước trên.

Lý giải về đà tăng của giá này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết lượng đường nhập khẩu chính ngạch đã giảm bớt kể từ đầu tháng 8 sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1514/QĐ- BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) là 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan.

Trong tháng 8 cũng chứng kiến các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu, nên các hoạt động này cũng tạm thời giảm.

 “Sự giảm bớt nguồn cung từ các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía có thể tiêu thụ được và cũng cải thiện được giá bán” VSSA cho biết.

Số liệu từ VSSA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Bảng so sánh giá đường Việt Nam với các nước lân cận (ĐVT: VNĐ)

  2/8/2022 9/8/2022 16/8/2022 23/8/2022  30/8/2022 
Manila, Philippines 35.498 37.325 38.674 38.774 38.774
Java, Indonesia 20.541 20.530 20.508 20.396 20.487
Trịnh Châu, Trung Quốc 19.582 19.320 19.345 19.000 19.076
Việt Nam 18.513 18.817 19.229 19.379 19.429

(Nguồn: VSSA)

Ngành đường kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đường của nước ta trong 7 tháng đầu năm nay đạt 849.740 tấn, tăng 4,3% so với 816.746 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chiếm đến hơn 93% là được nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Vì vậy, việc áp thuế CBPG và CTC với tổng mức thuế là 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và các nước ASEAN có nguồn gốc nguyên liệu của Thái Lan đến ngày 15/6/2026 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng trong dài hạn đối với ngành mía đường trong nước.

Mới đây, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng giá đường nhập khẩu sẽ tăng lên 22.000 đồng/kg sau khi được tính thuế đầy đủ. Do đó, giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới.

 “Chúng tôi kỳ vọng rằng các biện pháp mới nhất của Bộ Công Thương sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng đường cũng như hoạt động sản xuất đường trong nước trong dài hạn, do các hạn chế nhập khẩu đường của Thái Lan và sự thiếu hụt nguồn cung ở Việt Nam”, SSI Research nhận định. 

 Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Tuy vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết sẽ không thiếu nguồn cung trong năm nay. VSSA ước tính tổng cung đường năm 2022 là 2,6 triệu tấn trong khi nhu cầu khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn nên sẽ thừa cung cho cả năm 2022, chưa kể lượng đường hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO 113.400 tấn sẽ được triển khai đấu giá hạn ngạch trong thời gian sắp tới.  

Với biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại được áp dụng từ ngày 08/08/2022, lượng đường từ Thái Lan, và một số công ty của Lào và Myanmar do không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh PVTM nên vẫn sẽ được nhập khẩu trong các tháng cuối năm tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022, và đường nhập lậu cũng vẫn sẽ duy trì mức nhập khẩu đầu năm 2022.

Đường nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh nên vẫn sẽ được nhập khẩu tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022.

Về sản xuất trong nước, theo VSSA đến ngày 30/8 ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía sản xuất được 746.899 tấn đường, so với cùng kỳ vụ 2020-2021 sản lượng mía ép tăng 11,8% và sản lượng đường tăng 8,3%. 

Đồng thời, VSSA cho rằng giá đường tại thị trường Việt Nam dù có tăng vẫn sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung quốc, Indonesia, Philippines). 

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.