|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường đường tháng 5/2022: Thất thế trước đường nhập lậu

15:57 | 21/06/2022
Chia sẻ
Trước sức ép từ đường nhập lậu, giá đường trong nước đã giảm 200 – 400 đồng/kg trong tháng 5. Nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao và bế tắc đầu ra.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 5 ghi nhận hiện tượng thay đổi thời tiết, với tổng lượng mưa tại nhiều khu vực trong cả nước cao hơn mức trung bình nhiều năm khiến cho nhu cầu đường giảm thấp.

Cụ thể, nửa đầu tháng 5, nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam tiếp tục tràn vào cộng với đường từ vụ ép 2021-2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.

Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường giảm thấp nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu đặc biệt là đường lậu đang hoàn toàn làm chủ thị trường và khiến cho đường sản xuất từ mía buộc phải tồn kho.

Nửa cuối tháng 5, tiếp tục xu hướng thống trị của đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN. Các nhà máy buộc phải giảm giá bán đường đến mức dưới giá thành sản xuất để có tiền thanh toán mía cho nông dân, nhưng cũng không bán được đường. 

"Sự bế tắc đầu ra tháng thứ tư liên tục đang đe dọa nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng mía đường và cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại" VSSA cho biết.

Còn trên thị trường thế giới, theo thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) trong tháng 5 đạt trung bình là 19,4 Cents/lb thấp hơn mức 19,6 Cents/lb của tháng 4 và tăng so với 19,1 Cents/lb của tháng 3.

Chỉ số giá đường trắng ISO trung bình tháng 5 đạt 537,1 USD/tấn, thấp hơn không đáng kể so với mức 538 USD/tấn của tháng trước và cao hơn mức 528,4 USD/tấn của tháng 3. 

Giá dầu thô ở mức cao hỗ trợ đáng kể cho thị trường nhưng nguồn cung đường dồi dào do Brazil đang bước vào vụ ép 2022-2023 sẽ giúp thị trường không có biến động mạnh. Trong khi đó, việc hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ không tác động nhiều đến bối cảnh chung của thị trường bởi hạn ngạch 10 triệu tấn là khối lượng xuất khẩu cao kỷ lục ghi nhận được của Ấn Độ. 

Mới đây, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh dự báo về cung - cầu đường thế giới niên vụ 2021-2022 từ mức thâm hụt 1,92 triệu tấn trong dự báo đưa ra hồi tháng 2 thành thặng dư nhẹ 237.000 tấn.

Theo đó, ISO đã nâng dự báo sản lượng đường toàn cầu thêm 3,5 triệu tấn lên mức 174,02 triệu tấn. Tiêu thụ cũng tăng lên nhưng với lượng nhỏ hơn là 1,34 triệu tấn, đạt 173,78 triệu tấn.

Đồng thời, ISO dự kiến ​​thặng dư đường thậm chí còn lớn hơn trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10-9) ở mức 2,77 triệu tấn, với sản lượng tăng lên 177,37 triệu tấn và tiêu thụ là 174,6 triệu tấn.

Xem chi tiết báo cáo thị trường đường tháng 5/2022 tại đây:

Hoàng Hiệp - Minh Hằng - Đức Bùi

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.