|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đường bán phá giá từ Thái Lan được ngăn chặn, mía đường trong nước tiếp đà hồi sinh

09:50 | 16/05/2022
Chia sẻ
Sau khi bị áp thuế CBPG và CTC, đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đã liên tục giảm và đạt mức thấp nhất 4 năm vào quý I năm nay, điều này đã giúp ngành mía đường trong nước từng bước phục hồi trở lại.

Phòng vệ thương mại giúp hồi sinh ngành mía đường

Ngày 15/6/2021, Bộ Công thương đã chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan ở mức 47,64% trong vòng 5 năm.

Kể từ khi biện pháp phòng vệ thương mại với đường Thái Lan được áp dụng, lượng đường giá rẻ nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm rõ rệt và mở ra cơ hội vực dậy ngành mía đường trong nước sau quãng thời gian khó khăn.

Số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan cho thấy, năm 2021, xuất khẩu đường Thái Lan vào Việt Nam đạt 365.904 tấn, giảm hơn 70% so với năm 2020.

Sang đến quý I năm nay, đường Thái Lan xuất khẩu vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh 83% xuống chỉ còn 33.682 tấn so với 199.780 tấn của cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay.

Nhờ đó, ngành mía đường trong nước đã phục hồi tích cực trở lại. Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA), trong niên vụ 2021-2022, giá thu mua mía của các nhà máy tăng từ 100 – 200 nghìn đồng/tấn, ngang bằng giá mua mía của nông dân Indonesia, Philippines.

Lũy kế đến cuối tháng 4, toàn ngành đã ép được 6,4 triệu tấn mía và sản xuất được 662.530 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2020-2021 sản lượng mía ép đạt 107% và sản lượng đường đạt 105,1%. 

Số liệu từ Cơ quan Hải quan Thái Lan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mía đường cũng đạt kết quả khá tích cực bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của mặt hàng này.

Trong quý III niên độ 2021 - 2022 (từ 1/1 đến 31/3/2022), doanh nghiệp đầu ngành mía đường là CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã CK: SBT) đã ghi nhận doanh thu thuần 3.516 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu niên độ tài chính 2021 – 2022 (tháng 7 năm ngoái đến tháng 3 năm nay), doanh thu của SBT đạt 12.818 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tương ứng 802 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 648 tỷ đồng, tăng gần 35%.

Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và vượt 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Số liệu tổng hợp từ BCTC hợp nhất của các doanh nghiệp, niên độ mía đường bắt đầu từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm sau. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Một doanh nghiệp khác là CTCP Mía đường Sơn La (Mã CK: SLS) đạt doanh thu thuần 322 tỷ đồng trong quý III niên độ 2021-2022, tăng 9% so với cùng kỳ; lãi sau thuế hơn 57,4 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Do giá đường trên thị trường thế giới tăng nên giá bán sản phẩm đường quý này của công ty tăng so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến lãi gộp tăng.

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2021-2022, doanh thu của SLS đạt gần 650,6 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 43% lên trên 125,3 tỷ đồng, vượt 67% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong khi đó, CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã CK: LSS) ghi nhận doanh thu thuần giảm 7,7% trong quý III nhưng tính chung 9 tháng tăng 24,6% lên mức 1.276 tỷ đồng. Lãi sau thuế 9 tháng đạt 20,8 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ niên độ trước.

Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (Mã CK: QNS) đạt doanh thu thuần 1.813 tỷ đồng trong quý III niên độ 2021-2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng sữa đậu nành là 891,6 tỷ đồng, tăng 23%; theo sau là sản phẩm đường với 415,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,8%.

Lợi nhuận sau thuế của QNS đạt 175,7 tỷ đồng, tăng trưởng 9%. Với kết quả này, QNS đã hoàn thành 23,5% kế hoạch doanh thu và 17,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Giá đường thế giới cao nhất 5 năm, nhu cầu trong nước phục hồi sau dịch COVID-19

Triển vọng ngành mía đường thời gian tới được cho là tương đối tích cực do nhu cầu trong nước phục hồi sau dịch COVID-19 trong khi giá đường trên thị trường quốc tế tăng cao.

Thông tin từ Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), giá đường thô giao ngay trong tháng 4 tiếp tục tăng trong tháng thứ hai liên tiếp, với trung bình 19,6 Cents/pound so với 19,1 Cents/pound của tháng trước đó và là mức cao nhất trong 5 năm gần đây.

Chỉ số giá đường trắng ISO tháng 4 cũng tăng lên mức 538 USD/tấn so với mức 528,4 USD/tấn của tháng 3 và cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm gần đây.

Giá dầu thô quốc tế tăng cao do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm gia tăng lo ngại nguồn cung đường có thể giảm do các nhà máy đường tại Brazil có thể chuyển một lượng mía đáng kể sang sản xuất ethanol có lợi hơn thay vì sản xuất đường thô, qua đó đẩy giá tăng lên.

Tradingeconomics trích dẫn dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Mía đường Brazil (UNICA) cho biết, sản lượng đường của Brazil  trong nửa cuối tháng 4 đạt 934 nghìn tấn, giảm 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Đã có khoảng 62,8% lượng mía ép được phân bổ cho sản xuất ethanol trong thời gian này, tăng từ 55,5% so với một năm trước.

Còn theo Czarnikow nhận định giá đường thế giới sẽ duy trì quanh mức 19,5 - 21 Cents/pound trong thời gian tới và có lợi cho xuất khẩu của Ấn Độ, nhà xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới.

Về dài hạn, trong 3-5 năm tới, chính sách tăng sản xuất ethanol của Chính phủ Ấn Độ có thể làm giảm sản lượng đường toàn cầu. Ngoài ra, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, đặc biệt là phân bón và chi phí vận chuyển, có thể đẩy giá đường lên cao hơn. 

 Ảnh: retailnews 

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định khi Việt Nam chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế từ 15/3 và không còn hạn chế nào cho tất cả các loại hình kinh doanh, hoạt động tiêu thụ thực phẩm, đồ uống nội địa được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại mức trước COVID-19 trong năm 2022.

Tuy nhiên đà phục hồi của thị trường thực phẩm, đồ uống sẽ bị cản trở bởi hệ quả chiến tranh Nga – Ukraine dẫn đến giá cả leo thang, tỷ lệ lạm phát cao ảnh hưởng đến túi tiền của người dân.

Mirae Asset dự báo năm nay, giá đường sẽ tăng do giá thu mía tăng song sản lượng của các doanh nghiệp sẽ giảm.

Gian lận thương mại và buôn lậu đường vẫn là lực cản

Mặc dù ngành mía đường đang có sự phục hồi tích cực nhưng điều đáng lo ngại là tình trạng buôn lậu đường từ Lào và Campuchia vào Việt Nam lại đang có xu hướng gia tăng.

Thông tin từ Cơ quan Quản lý Thị trường tỉnh Long An,  từ đầu năm 2022, hoạt động buôn lậu đối với mặt hàng này có chiều hướng tăng. Trong quý I, các lực lượng chức năng của tỉnh Long An đã phát hiện và thu giữ 51,3 tấn đường cát, con số này cao hơn tổng số lượng 34,5 tấn được phát hiện của cả năm 2021.

Theo cơ quan chức năng, từ tháng 4/2022, khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cuộc sống của người dân trở lại bình thường mới. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại khu vực phía Nam có dấu hiệu “nóng” trở lại, nhất là mặt hàng đường cát và thuốc lá. 

Trong khi đó, VSSA trích dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong quý I đã có hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường từ các nước ASEAN có trình độ sản xuất đường tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam tăng đột biến 209%, lên mức 391.468 tấn so với 187.251 tấn của cùng kỳ.

VSSA nhận định đây hoàn toàn không phải từ năng lực cạnh tranh mà thực chất toàn bộ lượng đường nhập khẩu kể trên đều đang sử dụng hành lang ATIGA để được hưởng thuế suất ưu đãi 5%.

Theo VSSA, các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 5 cũng như các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu.

Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới nhưng sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung quốc, Indonesia, Philippines).

Hoàng Hiệp

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.