|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp khốn đốn trước áp lực tỷ giá, phải vay nóng để trả lương nhân viên

21:59 | 23/11/2022
Chia sẻ
Thời gian gần đây, áp lực tỷ giá đang đè nặng đến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt ở các ngành phải nhập khẩu nguyên liệu như thép, phân bón. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lỗ tỷ giá vài chục tỷ đồng, thậm chí phải đi vay nóng để giải quyết các vấn đề trong sản xuất, tiền lương.

Áp lực tỷ giá đè nặng ngành thép, phân bón

Ngày 23/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.672 VND/USD. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là 22.488 - 24.856 VND/USD. Lũy kế từ đầu năm, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 8,4%, tạo ra áp lực không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất.

Đối thoại "Điều hành tỷ giá USD-VND: Ổn định kinh tế vĩ mô". (Nguồn: VnEconomy)

Tại đối thoại "Điều hành tỷ giá USD-VND: Ổn định kinh tế vĩ mô", ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng 2022 là năm thực sự khó khăn với ngành thép, trong đó áp lực tỷ giá cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh ngành này.

“Khi tỷ giá tăng sẽ thuận lợi trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính của ngành thép Việt Nam vẫn là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần.

Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, phế liệu… phải nhập khẩu. Việc tỷ giá tăng sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung và với Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng”, ông Thảo cho biết.

Vị này dẫn chứng khảo sát ở Tổng công ty Thép Việt Nam, những đơn vị có lượng nhập khẩu lớn có thể thiệt hại 70-80 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thì vài chục tỷ.

Ngoài ra theo ông Thảo, cơ quan quản lý nhà nước tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá, động thái này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thép.

“Nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều yếu, giá đầu vào tăng trong khi giá bán sản phẩm đi xuống khiến kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành thép sa sút đáng kể, cổ phiếu giảm khá mạnh”, ông Thảo nói.

Cũng như ngành thép, doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng chịu áp lực của tỷ giá do phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. 

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết tỷ giá tăng khiến nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhiều hơn.

Trong khi đó, lãi suất cho vay quá cao trong khi lợi nhuận đi xuống khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thậm chí có những doanh nghiệp phải đi vay nóng để xử lý những vấn đề sản xuất, tiền lương.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, xuất khẩu phân bón năm 2022 mang về nguồn ngoại tệ lớn, dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD. Do vậy với ngành này, tỷ giá có tác động hai chiều.

Đại diện Hiệp hội cho biết công suất thiết kế của các nhà máy phân bón trong nước khoảng 30 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn. Trước tình trạng dư thừa công suất, hiệp hội này đang đề xuất tăng xuất khẩu phân bón để phát huy khả năng của các doanh nghiệp.

Cần tăng thanh khoản và hạ lãi suất 

Tại đối thoại, các chuyên gia cho biết việc nâng lãi suất có thể kiểm soát được tỷ giá, lạm phát nhưng lại khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn.

Về giải pháp cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Ngọc kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét và điều chỉnh lãi suất, doanh nghiệp tiếp cận được vốn mới có thể phát triển và nền kinh tế mới thực hiện được những chỉ tiêu năm 2023.

Còn về phía Tổng công ty Thép Việt Nam, ông Phạm Công Thảo cũng mong muốn NHNN điều hành tỷ giá VND/USD ở mức ổn định, tiến tới hạ lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất.

Ngoài ra, đại diện Tổng công ty Thép kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công – động lực tăng trưởng của ngành thép và có những chính sách tự vệ thương mại, chống bán phá giá để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Bản thân doanh nghiệp sẽ tăng cường xuất khẩu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở thị trường gần, xem xét sử dụng bảo hiểm tỷ giá… để giảm thiểu rủi ro.

Đồng quan điểm với các doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng lãi suất là vấn đề cần được lưu ý.

"Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng NHNN sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản và lãi suất", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Hiện nay, 95% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngay kể cả những doanh nghiệp cẩn trọng trong kinh doanh, tài chính đều rất khó tiếp cận vốn. Do vậy, chuyên gia này khuyến nghị cơ quan quản lý cần tính toán bơm tiền ra cho nền kinh tế và nhanh chóng giải phóng vốn đầu tư công.

Hoàng Anh