|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gỡ vướng cho dòng vốn - Bài 2: Góc nhìn doanh nghiệp

14:50 | 01/05/2023
Chia sẻ
Nguồn vốn được xem như mạch máu để phát triển mỗi doanh nghiệp. Trong khi dịch COVID-19 diễn ra suốt 3 năm qua đã bào mòn nguồn sống của nhiều doanh nghiệp.

Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây, cùng đó đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Những động thái này được doanh nghiệp kỳ vọng, lãi suất cho vay và áp lực trả nợ trong thời gian tới sẽ giảm, giúp doanh nghiệp vượt khó. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam

Chính phủ có nhiều giải pháp để giảm lãi suất, nhưng hiện nay doanh nghiệp đi vay vẫn với mức lãi suất 11-12%/năm. Mức lãi suất này sẽ phù hợp với những doanh nghiệp vay vốn sử dụng trong ngắn hạn.

Còn với những doanh nghiệp ngành cơ khí, sản xuất chế tạo, đầu tư vốn thường tập trung vào máy móc, công nghệ cao,... mức đầu tư thường lớn, thời gian thu hồi vốn lên đến vài năm, thậm chí cả 5-7 năm. Do vậy, mức lãi suất hiện nay vẫn chưa thực sự tốt để doanh nghiệp đi vay.

Là một doanh nghiệp nhỏ, chuyên sản xuất linh kiện cơ khí chính xác cho đối tác Đài Loan (Trung Quốc) và đang hướng tới hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản để cung ứng hàng, doanh nghiệp cần cải tổ quản trị, sản xuất, đẩy mạnh công nghệ và nghiên cứu sản phẩm đáp ứng nhu cầu đối tác. Những việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn để thực hiện.

Do vậy, với mức giảm lãi suất như thời gian vừa qua gần như là không đáng kể. Thêm vào đó, doanh nghiệp có muốn vay vốn thì cũng rất khó tiếp cận. Bởi bối cảnh hiện nay, thị trường rất khó khăn, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phục hồi từ sau đại dịch COVID-19.

Trong khi đó các thủ tục thẩm định vẫn theo "nguyên tắc", ngoài việc có tài sản đảm bảo, doanh nghiệp phải có dòng tiền, phải có lãi và tăng trưởng ra sao... Chúng tôi mong muốn nguồn vay vốn, ngoài việc nâng cấp cho máy móc, công nghệ để đón đầu tăng trưởng và tìm kiếm đối tác mới, cũng cần dòng tiền để giữ chân, đào tạo lao động.   

Dự báo ít nhất trong 3-6 tháng tới, đơn hàng vẫn sụt giảm, doanh nghiệp lại tiếp diễn "đói vốn" rất có thể đến hết năm nay, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải rút lui khỏi thị trường. Các thị trường, đối tác truyền thống sẽ mất. Vì thế, tôi kiến nghị nhà nước, các ngân hàng có chính sách vay ưu đãi với những ngành nghề như cơ khí, công nghệ cao, thiết kế các gói vay phù hợp, khuyến khích phát triển ngành hàng cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Chính sách về cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành cũng được kỳ vọng sẽ phần nào giúp doanh nghiệp chưa phải chịu áp lực về trả nợ ngân hàng, giúp chúng tôi có thêm vốn để vượt khó.

Cùng với chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 cũng mới được đưa ra thì đây là nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi:

Là đơn vị sản xuất chuyên về cơ khí chính xác, chế tạo dụng cụ cắt..., công ty chủ yếu hợp tác sản xuất với các đối tác nước ngoài, lên tới trên 70% doanh thu. Do vậy, trong bối cảnh thế giới đối mặt lạm phát, ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn hiện hữu, biến động giá xăng dầu tăng cao, nhu cầu từ thị trường trong nước và quốc tế đều có mức sụt giảm đáng kể. 

Vì là doanh nghiệp trong ngành cơ khí chính xác, cắt CNC, có tính chất kỹ thuật, độ chính xác cao gần như tuyệt đối, do vậy nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn phục vụ sản xuất. 

Về chính sách hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ nói chung, thời gian 10-15 năm gần đây, Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã ngày càng có sự quan tâm hơn, xác định rõ ràng hơn về mức độ quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, từ đó triển khai nhiều chương trình như hỗ trợ vốn vay, triển lãm, kết nối kinh doanh ở các nước. 

Tuy vậy, hiện nay khi muốn đầu tư dây chuyền sản xuất lớn, hàm lượng công nghệ cao, trị giá lớn sẽ rất khó để tiếp cận vốn ngân hàng, bởi đầu tư lớn, doanh nghiệp chưa thực sự bứt phá được nên khó có điều kiện đảm bảo với ngân hàng ở thì tương lai.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chỉ có thể chủ động tài chính ở mức độ nào đó. 

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, nhóm nợ. Đây là chính sách trực tiếp giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể được lùi thời gian trả nợ, từ đó có vốn tập trung cho sản xuất, đáp ứng đơn hàng của đối tác tốt hơn.

Dù vậy, tôi vẫn mong muốn, để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn vay cần thông thoáng, dễ dàng hơn với chính sách vay ưu đãi cho ngành hàng cơ khí, chế tạo. Bởi đây là ngành đặc thù, có thời gian đầu tư cũng như thu hồi vốn dài.

Ngoài ra, về quỹ đất công nghiệp, nhà nước có chủ trương sẽ không đặt các nhà máy sản xuất trong khu vực dân cư, như vậy quỹ đất cho công nghiệp cũng sẽ dần giảm. Nếu so sánh tiềm lực kinh tế thì doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ rất khó để tiếp cận vì nội lực, nhân lực của đơn vị nhỏ trong nước sẽ yếu hơn. Vấn đề này cũng rất hy vọng Nhà nước có chính sách để các doanh nghiệp nhỏ liên kết với nhau, vào các khu, cụm công nghiệp để thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, ngành công thương cũng như các hiệp hội ngành hàng có thể tăng cường khả năng kết nối trong nội bộ hiệp hội, xúc tiến thương mại, kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài để tạo ra cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội:

Hiện nay, những khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nhỏ, đơn vị sản xuất nhỏ lẻ với kiến thức về quản lý, tài chính và vốn còn yếu. Do vậy, khi đi vay vốn, hầu hết các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Cùng đó là lãi suất vay vốn vẫn chưa thực sự ưu đãi cho doanh nghiệp.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cho doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ… Hưởng lợi từ chính sách này, doanh nghiệp có thể có thêm dòng vốn để đảm bảo sản xuất, không làm tăng nợ xấu, có điều kiện lo việc làm, lương thưởng cho người lao động tốt hơn.

Song điều kiện để nhận được ưu đãi về cơ cấu nợ, gia hạn nợ, nhóm nợ không phải doanh nghiệp nhỏ nào cũng có thể được hưởng, mà phải đáp ứng được các đánh giá của tổ chức tín dụng về việc trả nợ gốc hoặc lãi suất...

Để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho vay những gói tín dụng nhỏ; có thể thiết kế những gói vay dành riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về điều kiện vay, có thể cho phép doanh nghiệp áp dụng chuẩn riêng khác chuẩn vay thông thường, vay thông qua các đơn hàng, hợp đồng… thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng có thể cân nhắc tiếp tục giảm thuế và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động. Về lãi suất, đa số doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ có mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Bài 3: Không để doanh nghiệp đói vốn!

Đức Dũng