Mấu chốt doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh: Chi phí mua đất xây dựng nhà máy chiếm 80% vốn đầu tư, trong khi ở nước ngoài chỉ chiếm 10%
Tại sự kiện do Báo Thanh Niên tổ chức sáng ngày 27/4, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, đã chia sẻ góc nhìn của mình liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, trong đó có vai trò và sức ảnh hưởng của ngành bất động sản.
Theo ông Nghĩa, hãy để đầu tư tư song hành cùng đầu tư công vì tất cả các mũi nhọn đầu tư công hiện nay có nhiệm vụ tạo ra hạ tầng và hạ tầng này để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Ngành sát sườn nhất với hạ tầng này để phát triển nền kinh tế là bất động sản.
Thống kê của TP HCM cho thấy hiện địa phương có khoảng 156 dự án bị kẹt. Tính trên tổng mức đầu tư của mỗi dự án này, giả sử TP HCM cấp được 500 dự án như vậy thì thành phố có 1 triệu tỷ đồng đi vào nền kinh tế, song hành cùng đầu tư công, trong khi nguồn vốn cho đầu tư công không quá 50.000 tỷ đồng.
Ở góc nhìn là nhà đầu tư bất động sản, ông Nghĩa cho rằng nếu giải quyết được nút thắt chỗ này thì nền kinh tế TP phát triển rất tốt.
Còn ở góc nhìn của Nhà nước và người dân, theo ông Nghĩa, Nhà nước phải suy nghĩ để đưa ra giải pháp làm sao kéo giảm giá nhà, để giá bất động sản phù hợp hơn, cân bằng lợi ích giữa người dân - doanh nghiệp - nền kinh tế và điều này rất quan trọng để vực dậy nền kinh tế hiện nay.
“Thời kỳ dịch COVID-19 2019-2021, chúng ta đóng cửa ở nhà, không làm gì nhưng giá bất động sản và cổ phiếu đều tăng mỗi ngày, tăng đến mức người dân kêu rất nhiều. Vậy Nhà nước làm gì trong 4 năm (2018-2021)?
Đối với những công ty kinh doanh bình thường, họ có mong muốn bất động sản tăng quá cao không? Tôi cho rằng khó vì khi bất động sản tăng, chúng ta không bao giờ cạnh tranh sản phẩm được với các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á, chưa nói đến khu vực khác”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM lập luận, “cùng với tổng giá trị đầu tư 10 triệu USD, khi xây dựng nhà máy ở nước ngoài thì cần 1 triệu USD để mua đất, 9 triệu USD đầu tư dây chuyền công nghệ để đưa sản phẩm cạnh tranh khắp thế giới.
Còn tại Việt Nam, chi phí để mua đất mất 8 triệu USD và chỉ có 2 triệu USD để đầu tư nhà máy. Vậy 2 triệu USD này lấy gì để cạnh tranh được với 9 triệu USD bên nước ngoài? Sản phẩm của Việt Nam chỉ có chết trên thị trường và chúng ta hiện nay đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp từ Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Indonesia,.. là do chỗ này”.
Từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình đầu tư khách sạn, ông Nghĩa cho biết khi ông đi hết các bờ biển - những nơi mà các doanh nghiệp đầu tư căn hộ du lịch - nhận thấy một thực trạng: Không trả lời được đầu tư ở đó cho ai ở. Chủ đầu tư chỉ muốn bán rồi thu tiền nhưng không nghĩ tới có vận hành được resort đó hay không, có thu được tiền hay không, hay chỉ biết lỗ và lỗ…
“Là người trực tiếp vận hành khách sạn 5 sao, chúng tôi tính toán lợi nhuận tối đa 10-12% mỗi năm. Vậy mà nhiều chủ đầu tư đưa ra mức cam kết hết mức lợi nhuận như này đối với khách hàng vận hành bằng cách nào. Đây là câu chuyện nhiều chủ đầu tư đã làm cách đây 5-10 năm và bây giờ chúng ta nhận lại kết quả ngày hôm nay”, ông Nghĩa nói.
Theo thông tin từ Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, tất cả các doanh nghiệp ở Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM hiện nay đều kêu không có đủ vốn vay cho sản xuất kinh doanh và nội dung này đang được Nhà nước ưu tiên.
“Tất cả các ngành nghề sản xuất đang giảm 40%, trong đó ngành gỗ tuột dựng đứng, giày da, may mặc,… là những ngành đang giữ lượng công nhân rất lớn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thực trạng hiện nay là câu chuyện đi theo chu kỳ ngược: Doanh nghiệp không có tiền nên không thể tăng lương, thưởng; dẫn đến tiêu dùng nội địa ngày càng giảm; doanh nghiệp tiếp tục không bán được hàng, lại không có tiền thưởng cho lao động,… Điều này rất nguy hiểm.
Chúng tôi đang rất muốn đổ tiền vào bất động sản để hỗ trợ nền kinh tế nhưng nó sẽ trở về câu chuyện nguồn vốn huy động từ người dân tại Việt Nam giới hạn. Giả sử có 100 đồng, đổ vô bất động sản 20 đồng, còn 80 đồng cho nền kinh tế và ngược lại.
Vậy, Nhà nước cũng phải cân đối như thế nào, nếu không, đồng vốn này thay đổi, nền kinh tế và những doanh nghiệp sản xuất còn lại đang bị kẹt từ giày da, gỗ,… sẽ chết hết”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nêu quan điểm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/