Nikkei: Nhiều đơn hàng nước ngoài bị hủy, nhà máy ở Việt Nam chuẩn bị cho điều tồi tệ hơn sau 'cú sốc' GDP quý I
Năm 2023 từng được kỳ vọng là một năm thuận lợi với Daeduck Mesh Vina - doanh nghiệp sản xuất vải sợi tại Việt Nam – nơi James Lee đang làm giám đốc kinh doanh, theo Nikkei Asia.
Sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế phòng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng vọt mang lại lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng trên, đơn hàng từ nước ngoài sụt giảm mạnh, khiến cho công ty của Lee (chuyên cung cấp vải may ba lô và mũ), phải tìm kiếm khách hàng trong nước để thế chỗ cho đơn hàng nước ngoài vốn từ những khách hàng lâu năm.
“Khách hàng của tôi, rồi cả những doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh đều đang cho rằng tình hình còn tồi tệ hơn cả thời COVID-19”, Lee nói với Nikkei Asia.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nhà máy vắng đơn hàng, công nhân không có việc, xuất khẩu âm liên tiếp nhưng đà sụt giảm chưa kết thúc 20/04/2023 - 14:57
Theo Nikkei Asia, quý I, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 3,32% khiến nhiều chuyên gia bất ngờ. Mức này thấp hơn nhiều so với dự báo của nhiều tổ chức và đánh dấu sự đảo chiều trong tăng trưởng của quốc gia từng tăng trưởng mạnh nhất châu Á thời gian gần đây.
Lĩnh vực xuất khẩu sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng đồng thời giảm. Điều này cho thấy các nhà sản xuất không quá lạc quan về sự phục hồi trong ngắn hạn của nhu cầu toàn cầu.
Mức tăng trưởng thấp trong quý I đã khiến nhiều tổ chức và chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam, ngoài ra đề cập đến những rủi ro như khó khăn của thị trường bất động sản trong nước và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng của các nhà máy - huyết mạch của nền kinh tế.
"Chúng tôi cho rằng tình trạng xuất khẩu sụt giảm vẫn chưa kết thúc, vì nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu cả năm 2023", chuyên gia Theng Theng Tan của Oxford Economics cho biết trong báo cáo công bố tuần trước. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như bất động sản công nghiệp, điện tử và dệt may đều chung tâm trạng bi quan giống như Lee.
Wendy Nguyen, nhân viên bán hàng của thương hiệu quần áo thể thao Shindo, nhìn nhận năm 2023 đã có một khởi đầu khó khăn hơn tưởng tượng. Đơn đặt hàng tại công ty của cô cho đến nay thấp hơn 20% so với năm 2022. "Đó không phải do công ty chúng tôi, mà nguyên nhân nằm ở thị trường. Tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên" cô nói.
Oxford Economics dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4,2% trong năm 2023, giảm gần một nửa so với mức tăng trưởng 8% của năm ngoái. Nhập khẩu giảm là chỉ báo đặc biệt, cho biết những gì sẽ diễn ra nhiều tháng sau đó vì nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu.
"Điều này báo hiệu rằng các nhà sản xuất vẫn bi quan về triển vọng nhu cầu bên ngoài, do họ thận trọng trong mua nguyên liệu đầu vào", chuyên gia kinh tế Brian Lee Shun Rong và Chua Hak Bin của Maybank viết trong một phân tích. Ngoài ra, hai chuyên gia lưu ý rằng nhập khẩu máy tính và các sản phẩm điện tử là mặt hàng sụt giảm nhiều nhất trong quý I – giảm tới 15% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cũng giảm 12%, mức giảm thể hiện ở tất cả các mặt hàng chủ lực như điện thoại và các thiết bị điện tử khác, quần áo, giày dép, sản phẩm gỗ.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng chiếm phần lớn trong tổng khách du lịch quốc tế. Dù vậy, Nikkei Asia nhận định việc Trung Quốc chấm dứt các biện pháp phòng dịch dường như chưa mang lại lợi ích rõ nét cho lĩnh vực xuất khẩu và du lịch của Việt Nam.
Năm ngoái, nhiều tài xế mất đến 1 tháng nằm chờ ở cửa khẩu chờ thông quan hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc. Thời điểm đó Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn.
Các hạn chế này được cho là kết thúc vào tháng 1/2023, tuy nhiên thay vì tăng, dữ liệu cho thấy các lô hàng đến Trung Quốc giảm 5,3% so với hai tháng đầu năm 2022. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam khi điện đàm với người đồng cấp Lý Cường.
Khoảng 140.000 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam trong quý đầu tiên, giảm nhiều so với 1,3 triệu trong ba tháng đầu năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang Nga thậm chí còn giảm sâu hơn, hai tháng đầu năm giảm 60% so với cùng kỳ.
Phần lớn những khó khăn nằm ngoài khả năng của Wendy Nguyen - một nhân viên bán hàng bình thường, cô hy vọng mọi chuyện sẽ tốt hơn vào cuối năm. “Chúng tôi chỉ còn cách chờ cho các vấn đề qua đi."