|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao ngân hàng dư thừa vốn, doanh nghiệp vẫn ngại đi vay?

04:00 | 31/03/2023
Chia sẻ
Thanh khoản dồi dào, các ngân hàng thương mại rất muốn đẩy vốn ra thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp hiện lại không nhiều, do mặt bằng lãi suất vẫn còn tương đối cao, trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề từ sức cầu yếu.

Đó là thông tin tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh ngày 30/3.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), các ngành sản xuất chủ lực trên địa bàn thành phố đều sụt giảm mạnh, tăng trưởng chung quý I/2023 ghi nhận thấp nhất trong lịch sử dưới 1%. Chẳng hạn, ngành dệt may, thủy sản giảm 30% so với cùng kỳ; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm tới 40%... Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản đóng băng đã kéo theo các sắt thép, xi măng… sụt giảm theo, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dường như khựng lại.

Khảo sát của HUBA cho thấy, số doanh nghiệp sụt giảm lao động chiếm 44,2%; 17% doanh nghiệp buộc cắt giảm lao động. Trong bối cảnh sức cầu thị trường yếu, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh mà chỉ có nhu cầu vay để cầm cự và cần dòng tiền lưu động ngắn hạn để duy trì hoạt động. Vì vậy, đại diện HUBA đề xuất, ngành ngân hàng nên có chính sách khoanh, hoãn nợ cho doanh nghiệp và tịnh tiến đều để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mặt khác, đại diện HUBA cũng cho rằng, với lãi suất trung dài hạn trên 10% như hiện nay sẽ không có doanh nghiệp nào dám vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách sâu hơn cho dòng vốn dài hạn; cũng như “mềm hóa” các chính sách liên quan đến vấn đề thế chấp tài sản đảm bảo để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cho biết, với mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao như hiện nay, công ty đã tạm ngưng vay ngân hàng. Bởi lẽ, đối với một doanh nghiệp sản xuất trong ngành phụ trợ, mức lãi ròng cao nhất cũng chỉ 16-17%. Do đó, doanh nghiệp buộc phải cân nhắc tính hiệu quả trong việc vay vốn ngân hàng ở thời điểm này.

Tại tọa đàm, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định quan điểm của ngành ngân hàng trong việc đồng hành chia sẻ, tháo gỡ những nút thắt vướng mắc để khơi thông dòng vốn tín dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, lãi suất là chính sách khó khăn nhất trong điều hành vĩ mô. Trong một nền kinh tế đang phát triển, làm sao để hài hoà lợi ích nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với từng lĩnh vực là vấn đề luôn được Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Bên cạnh chính sách lãi suất, còn là câu chuyện duy trì ổn định giá trị đồng tiền, tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất hay vấn đề bất ổn ở một số ngân hàng Mỹ, Châu Âu, nhưng Việt Nam vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điều này thể hiện rõ thông điệp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau đại dịch. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay thêm trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ cơ sở này, ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng.

Mặt khác, để có căn cứ và cơ sở pháp lý vững chắc cho các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai giải pháp cơ cấu lại nợ đối với khách hàng tương tự như chính sách đã triển khai trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc giãn, hoãn nợ cần phải được tính toán kỹ lưỡng, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay đến từ nhiều nguyên nhân. Việc tháo gỡ khó khăn về tín dụng không phải là tất cả, mà còn cần có sự đồng bộ của các chính sách khác như tài khóa, thuế, thị trường… thì mới hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hiệu quả.

Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố gói 120.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất dành cho lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và cải tạo chung cư cũ. Đồng thời, tiến hành sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Các chương trình này được kỳ vọng tăng thêm thanh khoản cho thị trường, cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn ở thị trường vốn cho doanh nghiệp,…

H.Chung