Bầu Đức: HAGL sẽ khai thác vườn sầu riêng vào năm tới với giá vốn không quá 10.000 đồng/kg
Sáng ngày 28/4, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã: HAG) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Tính đến 8 giờ 30 phút, số lượng cổ đông tham dự đại hội là 318, đại diện cho 463.792.380 cổ phần, chiếm 50,07% lượng cổ phần có quyền biểu quyết.
Báo cáo tại đại hội, ông Võ Trường Sơn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cho biết, HĐQT công ty nhận định 7-8 tháng đầu năm 2023, công ty sẽ đối diện với một số khó khăn, đặc biệt, là trong lĩnh vực chăn nuôi.
Tuy nhiên, kỳ vọng thị trường có thể khởi sắc trở lại vào nửa cuối năm. Ông Sơn cho biết, hiện tại, công suất 10 chuồng của HAGL là 600.000 con heo/năm, nhưng công ty chưa nuôi đến quy mô này. Đến khi thị trường thuận lợi hơn mới nâng quy mô lên.
Kế hoạch tăng trưởng thấp, không chia cổ tức năm 2023
Tại cuộc họp, ĐHĐCĐ công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng, tăng lần lượt 0,4% và 0,2% so với kết quả năm 2022. Đồng thời, không thực hiện chia cổ tức cho năm 2023.
Trong đó, mảng cây ăn trái có kế hoạch doanh thu 2.400 tỷ đồng, biên lãi gộp 30%; mảng chăn nuôi heo mục tiêu doanh thu 1.700 tỷ đồng, biên lãi gộp 20% và các lĩnh vực khác doanh thu 1.200 tỷ đồng, biên lãi gộp 10%. Tính tổng tất cả các mảng, HAGL dự kiến biên lãi gộp đạt 22%.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, cho biết, việc phát hành 162 triệu cổ phiếu không thành công nên năm nay công ty sẽ duy trì và tối ưu hoá quy mô sản suất hiện tại. Bên cạnh đó, giá heo trong tháng 4/2023, đã có sự gia tăng nên HAGL lập kế hoạch có tính đến lợi nhuận mảng heo trong ba quý cuối năm.
Kế hoạch phát hành ESOP vào 3 năm nữa
Bên cạnh đó, cổ đông HAGL cũng thông qua kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng 2,16% số cổ phiếu đang lưu hành với giá 7.500 đồng/cổ phiếu.
Nếu phát hành thành công, 50% số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm và 50% còn lại sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng hai năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành .
Trong trường hợp cổ phiếu không phát hành hết, HĐQT công ty sẽ toàn quyền quyết định về điều kiện và đối tượng phát hành số cổ phiếu chưa phân phối hết với giá bán không thấp hơn giá phát hành nêu trên.
Thời gian phát hành sẽ được thực hiện từ ngày đầu của năm thứ 3 kể từ sau ngày được ĐHĐCĐ thông qua phương án.
Tính đến hết ngày 27/4, thị giá cổ phiếu HAG đóng cửa ở mức 7.500 đồng/cổ phiếu, bằng giá của phương án phát hành ESOP.
Ngoài ra, ĐHĐCD công ty cũng thông qua việc miễn nhiệm bà Võ Thị Huyền Lan khỏi chức vụ Thành viên HĐQT do đã có đơn từ nhiệm và bầu bổ sung ông Nguyễn Chí Thắng vào vị trí trên.
Ông Thắng sinh năm 1975, quê Bình Định và đang là Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Khăn Xay (công ty con do HAGL nắm 98% vốn điều lệ tại cuối năm 2022).
Ông Thắng làm việc tại HAGL từ năm 1994 đến nay. Trong đó, giai đoạn 2018-20, ông làm Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu; đến năm 2021 thì nắm giữ vai trò Giám đốc của Công ty Khăn xay.
Phiên thảo luận:
Cơ sở cho kế hoạch phát hành ESOP là gì? Nếu phát hành với giá này thì khi cổ phiếu lên giá có thiệt cho cổ đông không? Điểm chính là HAGL đang cần nguồn vốn kinh doanh ở hiện tại thì kế hoạch này có phù hợp không?
Ông Đức: HAGL làm nông nghiệp tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngành này đòi hỏi phải có những con người cống hiến, hy sinh. Còn hỏi có thiệt cho cổ đông hay không thì sẽ là không.
Nếu năm tới, năng suất chuối tăng lên 20% thì bởi người lao động tạo ra, lúc đấy giá HAG không phải 7.500 đồng/cổ phiếu nữa mà sẽ là 10.000-15.000 đồng/cổ phiếu, nên cổ đông có lời.
Phát hành ESOP là để cho người lao động họ đã hy sinh sang Lào, Campuchia để làm việc. Chính người lao động mới làm tăng năng suất, làm HAGL tồn tại và quyết định giá cổ phiếu HAG lên hay xuống.
Có những công ty làm nông nghiệp lớn cũng đang bấp bênh về nhân sự. Do đó, 20 triệu cổ phiếu này là để muốn gắn bó người lao động với HAGL và ở lại HAGL lâu hơn.
Ông Sơn: số ESOP này chiếm 2% lượng cổ phiếu đang lưu hành nên chỉ mang tính chất động viên cán bộ chủ chốt gắn bó với công ty.
Cuối năm 2022, HAGL có khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng vào HNG (CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico) và đã trích lập dự phòng 600 tỷ đồng. Trường hợp cổ phiếu HNG bị huỷ niêm yết có ảnh hưởng gì đến công ty và HAGL có phương án nào để giảm thiệt hại?
Ông Sơn: HAGL không nắm chủ động với HAGL Agrico vì chiếm có 9% vốn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đã nghĩ đến các tình huống xấu nhất. Khi đó, công ty có thể tìm các đối tác có nhu cầu hay thương lượng với Thaco để bán lại.
Kế hoạch HAGL Agrico sẽ tiếp tục lỗ nhưng không phải là trong tương lai công ty này không còn hoạt động.
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023, công ty có nên dành khoản đầu tư cho công tác truyền thông vì khi tìm đặt mua thịt heo Bapi nhưng chẳng thể tìm được?
Ông Đức: HAGL có một sản phẩm rất độc đáo (heo ăn chuối Bapi) nhưng đưa ra thị trường chưa được, đó là vấn đề của HAGL.
HAGL là Tập đoàn sản xuất thuần tuý nên việc phân phối, đưa sản phẩm ra thị trường là lĩnh vực mới đối với công ty. HAGL tự tin có sản phẩm tốt nhưng trên thị trường tìm không thấy thì đó là lỗi của HAGL.
Cách đây một năm, HAGL lập ra Bapi để đưa thịt heo ra thị trường nhưng có hơi lệch hướng và đang tái cấu trúc công ty Bapi, cách đây khoảng 2 tháng. Định hướng của công ty là lan toả rộng sản phẩm thịt heo Bapi.
Phát hành 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ không thành công thì công ty có kế hoạch gì khác chưa?
Ông Đức: Trước mắt, HAGL tạm dừng kế hoạch phát hành vì thị trường không thuận lợi. Hiện tại, phát hành không thành công và đi vay phức tạp nên công ty tạm chấp nhận. Năm nay, HAGL dừng đầu tư mới và củng cố đầu tư cũ bởi nếu đầu tư dàn trải mà vốn thiếu sẽ nguy hiểm. Còn nếu thị trường tốt lên thì công ty có thể thay đổi kế hoạch.
Năm nay khó khăn tới mức độ là tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó. HAGL may mắn khi còn có cây chuối với ba thị trường tiêu thụ chính và giá tương đối ổn. Nếu không có cây chuối thì chắc HAGL cũng đã "đi luôn rồi".
HAGL đi bằng chiến lược hai chân là cây trồng và chăn nuôi. Mà chăn nuôi trong quý đầu tiên đã có vấn đề, công ty kỳ vọng trong ba quý còn lại giá heo sẽ bứt lên. Nếu giá heo lên thì HAGL sẽ tốt, còn nếu không thì chỉ còn có cây chuối.
Các cây khác như sầu riêng, bưởi thì năm nay chưa đáng kể. Năm 2024, doanh số của cây sầu rêng mới được thể hiện rõ.
Năm 2023, công ty "cố gắng trụ hạng" chứ không dám vươn ra bởi HAGL chưa khoẻ lắm, đụng chuyện là trở tay không kịp.
Khi nào nhận được tiền 500 tỷ đồng từ HAGL Agrico? Đề nghị HAGL tác động đến HAGL Agrico đổi tên để tránh ảnh hưởng bởi tỷ lệ sở hữu của HAGL tại công ty này không lớn.
Ông Đức: Khoảng này sẽ được HAGL Agrico trả trong quý II. Còn đã bán công ty đi thì việc đổi tên là quyền của chủ mới.
Tương lai Bapi có tiêu thụ hết lượng heo của HAGL sản xuất ra không? HAGL có kế hoạch mua lại cổ phần của Bapi không?
Ông Đức: Mục đích chính của Bapi là tiêu thụ hết sản phẩm heo của HAGL. Còn về việc mua lại cổ phần Bapi, HAGL là đơn vị sản xuất thuần tuý chứ không phải làm thương mại do đó cũng không nên tham vọng chi phối lớn tại Bapi.
Mục đích của Bapi là tiêu thụ toàn bộ lượng heo của HAGL chứ công ty không đặt tham vọng lợi nhuận từ Bapi. Nên trong dài hạn, HAGL không có suy nghĩ thâu tóm Bapi vì như thé là bất công với những cổ đông lớn mà HAGL đã mời về để xây dựng Bapi.
Tại Lào, HAGL có ý định chuyển đổi đơn vị kế toán từ Kíp Lào sang USD như HAGL Agrico không?
Ông Sơn: Dể tránh biến động bất lợi của Kíp Lào thì HAGL cũng sẽ xin chuyển đổi đơn vị kế toán nhưng các khoản trong quá khứ không thể hồi tố được.
Thoái vốn tài sản không sinh lời thì năm nay HAGL dự kiến bán gì?
Ông Đức: HAGL đang đàm phán nhiều hướng, ngay bây giờ hơi khó nói. Năm 2023, công ty sẽ trả nợ 1.000 tỷ đồng cho BIDV, trong đó, 500 tỷ đồng từ HAGL Agrico còn lại thì từ bất cứ thứ gì có thể bán được. Kể cả, khoản đẩu tư vào HAGL Agrico nếu thấy không thể theo được thì cũng bán để kiếm tiền trả nợ.
Việc hợp nhất Công ty Lê Me có vấn đề gì? HAGL còn nhiều công ty nằm ngoài khác thì khi nào hợp nhất?
Ông Đức: Lê Me đang làm nhiều thủ tục liên quan đến định giá, kiểm toán. Ban đầu nghĩ quý I sẽ xong nhưng có thể phải tới quý II vì còn nhiều thủ tục.
Về vấn đề thứ hai, tôi (ông Đức) không làm riêng, cũng không tham gia điều hành công ty nào khác. Đang “cầm trịch” HAGL thì những cái gì tốt nhất sẽ đưa cho HAGL. Ví dụ, như một dự án mới phát sinh bên Lào, nếu tương lai tốt thì sẽ đưa về HAGL.
HAGL có tiếp tục trồng bắp không?
Ông Đức: Đang triển khai 2.000 ha bắp ở Lào từ giữa tháng 4, nếu không thay đổi thì tháng 7 thu hoạch.
2.000 ha trái cây khác ngoài xầu riêng, chuối là trồng gì?
Ông Đức: Gồm bưởi, cam, xoài,… nằm rải rác ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Công ty chưa đưa vào kế hoạch kinh doanh vì chưa đánh giá được hiệu quả.
Kế hoạch doanh thu năm 2023 bằng năm 2022 có vẻ vô lý vì năm 2022 chỉ khai thác 4.000 ha chuối và 292.000 con heo trong khi năm 2023 kế hoạch khai thác nhiều hơn?
Ông Đức: 7.000 ha chuối có những diện tích là trồng cuối năm 2022. Nên, đây là diện tích HAGL có chứ không thể thu hoạch hết được, công ty có thể thu hoạch trên diện tích từ 5.500-6.000 ha nhưng kế hoạch năm 2023 phải thận trọng vì lý do ở mảng heo.
Heo trong quý đầu không sinh lợi nhuận. Do đó, công ty xây dựng kế hoạch mang tính chất thận trọng, bù đắp cho nhau (giữa chuối và heo), chờ tín hiệu thị trường nếu đặt kế hoạch cao mà không đạt thì cũng không hay.
Khi nào HAGL sẽ bán thịt heo ở Campuchia?
Ông Đức: Dự kiến tháng 8 sẽ bán lứa heo hơi đầu tiên.
Giá vốn bán heo và chuối năm 2022?
Ông Đức: Bình quân năm 2022, giá vốn chuối là 5.500 đồng/kg. Còn heo năm 2022 bán giá 57.000 đồng/kg thì giá vốn 42.000 đồng/kg. Năm nay, giá vốn heo có thể tăng lên vì tăng giá đậu nành, bắp và một số vi lượng. Tuy nhiên, mới đi qua quý I nên tình hình còn chưa rõ ràng.
Thực tế năm nay mảng heo có lãi không?
Ông Đức: Cách đây hai tháng, tôi từng nói ngành chăn nuôi heo năm nay không có lãi và thực tế quý I không có lãi. Tháng 4, giá heo nhích từ 48.000-49.000 đồng/kg lên 53.000-54.000 đồng/kg nên kế hoạch kinh doanh ba quý cuối có đưa vào mảng thịt heo.
Nếu ba quý còn lại giá heo 55.000 đồng/kg thì có lãi nhưng khó để nhận định thị trường này.
Riêng với chuối, năm nay lại cực kỳ tốt, giá tăng khoảng 20% so năm trước. Hiện nay, chuối không sản xuất đủ để bán. Đáng lý nên đầu tư thêm chuối nhưng phát hành 162 triệu cổ phiếu không thành nên không có vốn để làm.
HAGL đã đi qua một thời kỳ cực kỳ khó khăn. Tuy giờ đây, khó khăn chưa hết nhưng công ty đã có một nền tảng để thu chứ như cách đây hai năm, HAGL không có gì để thu.
HAGL bây giờ chưa là gì nhưng có một nền tảng vững vàng là 1.000 ha sầu riêng cho năm sau, chuối và heo. HAGL kinh doanh chuối 6 năm nên có đủ kinh nghiệm. Thời gian qua một số đơn vị trồng chuối không có lãi nhưng HAGL lại làm tốt.
Chuối quan trọng nhất là thị trường, không có thị trường là “chết chắc”. HAGL hơn công ty khác ở chỗ là có một thị trường chắc chắn.
HAGL sẽ không làm gì khác ngoài ba sản phẩm chuối, sầu riêng, heo. Nếu có điều kiện thì, công ty mở rộng quy mô và đi sâu vào những mảng đó. Nếu trong tương lai thấy HAGL có nhà máy cám, phân thì cũng là để phục vụ cho việc này.
HAGL mới hồi phục từ 2022, nếu đã theo công ty thì còn phải chờ đợi 1-2 năm nữa.
Nhu cầu tiêu thụ heo đã quay lại chưa?
Ông Đức: Giá heo đang nhích lên cách đây 1 tháng, còn trong tương lai khó có cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, theo nhận xét cá nhân thì tháng 5, tháng 6 giá sẽ lên.
Trồng sầu riêng có tiềm năng không? Vừa rồi nông dân trồng sầu riêng ồ ạt và Trung Quốc cũng trông có ảnh hưởng ra sao tới công ty?
Ông Đức: Có thể khẳng định Trung Quốc không trồng được sầu riêng và Việt Nam từ Đào Hải Vân trở ra cũng vậy vì lạnh. Còn cây sầu riêng trông 6 năm mới thu hoạch, như vậy, nông dân trông ồ ạt mà năm sau HAGL đã thu hoạch thì đi trước 5 năm. Năm sau, công ty sẽ bắt đầu thu hoạch khoảng 300-400 ha sầu riêng.
Cách đây 10 năm, Trung Quốc không thích ăn sầu riêng, còn hiện tại, đây là một trong những loại trái đắt tiền nhất tại thị trường này.
Hai năm dịch, trái cây không xuất được sang Trung Quốc nhưng giá sầu riêng vấn 100.000 đồng/kg, sau mở cửa lại tăng giá lên. Do đó, nếu HAGL bán thì sẽ bán giá 150.000 đồng/kg nên không cần lo ngại việc trông sầu riêng. Bên cạnh đó, sầu riêng cấp đông được và có thể xuất đi khắp các nước.
Còn về giá vốn 1 kg sầu chưa tới 10.000 đồng, thậm chí, trồng số lượng lớn là 5.000 đồng/kg. Nên có thể khẳng định sầu riêng bán giá nào cũng được, thậm chí 20.000 đồng/kg là quá tốt, nhưng thị trường chưa bao giờ có giá này.
1 ha sầu riêng có thể lãi đến 2 tỷ đồng, nếu giá rớt xuống 20.000 đồng/kg thì công ty cũng không sợ lỗ. Đặc biệt, có một giống của Malaysia, giá khoảng 1,2 triệu đồng/kg và HAGL đang có 3 ha trồng loại này.
Công ty trả nợ 1.000 tỷ đồng trong năm nay và quý I/2024 lại có khoảng 1.200 tỷ đồng phải trả nợ thì công ty thu sếp nguồn tiền thế nào?
Ông Đức: Với năm 2024, theo thoả thuận thì HAGL Agrico sẽ trả cho HAGL 1.000 tỷ đồng, còn với 200 tỷ đồng nữa thì công ty phải tự lo. Tuy nhiên, có lẽ cũng không khó vì HAGL còn một số tài sản đang xử lý hoặc lấy từ lợi nhuận kinh doanh.
Chia sẻ thêm về việc trồng rau?
Ông Đức: HAGL trồng rau vì có nguồn đất cả ôn đới, nhiệt đới. Sau khi làm việc với Bapi, thì Bapi đang trục trặc hệ thống phân phối, trong khi trồng rau thì 3-4 tháng đã thu hoạch nên HAGL chưa dám làm. Chừng nào Bapi ổn định thì mới thực hiện.
Cơ sở để kế hoạch biên lợi nhuận gộp tốt trong năm nay như vậy?
Ông Sơn: Giá phân bón trên thị trường đã giảm nên có dư địa cho giá vốn chuối. Còn phần thứ ăn cho heo gồm đậu nành, bắp, càm thì có tính biến động nên công ty phấn đấu có tỷ suất lợi nhuận tương đối.
Thời gian qua HAGL có nhiều tin xấu, công ty có ý kiến gì?
Ông Đức: Vừa rồi đúng là Bapi có thiếu lương nhân viên nhưng không nhiều. Thời gian qua, Bapi tái cáu trúc nên có một số nhân việc bị cho nghỉ và giải quyết tiền lương chưa rõ ràng. Tuy nhiên, công ty kinh doanh cả ngàn tỷ mà thiếu vài chục triệu là vô lý. Công ty khẳng định là HAGL và Bapi không thiếu lương ai.
Vừa rồi có trường hợp em trai Chủ tịch bán gần 500.000 cổ phiếu HAG mà người thân Chủ tịch bán thì cũng có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu. Tương lai có cách chuyển nhượng nào để bớt ảnh hưởng không?
Ông Đức: Việc này mang tính chất xã hội nên để tránh thì khó. Lấy ví dụ, nếu kinh doanh mà họ thiếu tiền thì phải bán ra. Điều này là bình thường, cổ đông nên chấp nhận vì cái đó khó kiểm soát. Chuyện bán là tuỳ ý muốn.