|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Nguyễn Hữu Huân: 'Yếu tố tâm lý không ảnh hưởng nhiều đến điều hành tỷ giá như giai đoạn trước'

06:00 | 23/11/2022
Chia sẻ
Ở giai đoạn hiện nay NHNN đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc với nền kinh tế, dự trữ ngoại hối dồi dào hơn. Do đó, yếu tố tâm lý trước đây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường thì bây giờ đã nhẹ nhàng hơn nhiều, TS. Nguyễn Hữu Huân cho hay.

Chia sẻ tại talk show Đối thoại chuyên đề “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô” do VnEconomy tổ chức, TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng yếu tố tâm lý trước đây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường thì bây giờ nhẹ nhàng hơn do thị trường đã có niềm tin với nhà điều hành.

Đánh giá rất cao việc nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5% và hạn chế bán dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TS. Huân cho biết, thời điểm đó, nếu NHNN tiếp tục bán ra dự trữ ngoại hối cũng như "muối bỏ bể" bởi lực cầu cuối năm rất cao. Khi đã qua giai đoạn cầu USD tăng cao vào cuối năm thì NHNN đã bắt đầu giảm giá bán USD ra, TS. Huân cho biết.

Còn theo PGS, TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, hành động mạnh mẽ của NHNN trong điều hành tỷ giá đã giúp kỳ vọng lạm phát giảm bớt. NHNN đã điều hành linh hoạt, vừa để hấp thụ cú sốc bên ngoài vừa đảm bảo vừa đủ nguồn cung ngoại tệ của các doanh nghiệp, từ đó bình ổn được vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Với lãi suất, ông Trung cho biết, bên cạnh yếu tố lạm phát, lãi suất còn dựa trên rủi ro của nhóm đi vay, trong bối cảnh cả thế giới đang rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam tất yếu cũng phải chịu rủi ro. 

TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM (Ảnh chụp màn hình). 

Yếu tố tâm lý ảnh hưởng không nhiều đến điều hành

Liên quan đến việc găm giữ ngoại tệ trong doanh nghiệp và người dân, TS. Huân đánh giá, đây là xu hướng tất yếu khi kỳ vọng tỷ giá vẫn còn tăng lên. Đây là chu kỳ 10 năm, "đến hẹn lại lên", trước đó là giai đoạn 2009-2011 và xa nữa là cuộc khủng hoảng năm 1997, TS. Huân cho biết.

Ở thời điểm 2009–2011, nhà điều hành đã phải đưa ra cam kết về tỷ giá, ví dụ năm nay sẽ biến động không quá 2%, theo đó, duy trì chính sách tỷ giá cố định. Không chỉ Việt Nam mà khi đó nhiều nước đang phát triển cũng áp dụng chính sách tỷ giá cố định.

“Khi mà chính phủ các nước thực hiện chính sách tỷ giá cố định quá lâu, phải bán dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá, đến lúc cạn dự trữ ngoại hối. Khi cạn dự trữ, không có khả năng neo tỷ giá cố định mà buộc phải phá giá đồng nội tệ... thì quá muộn”, TS. Nguyễn Hữu Huân nói.

Ông Huân cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc với nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối dồi dào hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kinh nghiệm điều hành trên “mặt trận” tỷ giá. Do đó, yếu tố tâm lý trước đây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường thì bây giờ nhẹ nhàng hơn do thị trường đã có niềm tin với nhà điều hành”.

Đồng tình với quan điểm của TS. Huân, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng hiện tượng găm giữ ngoại tệ nếu có chỉ là cục bộ và không ảnh hưởng lớn đến điều hành tỷ giá. Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm dựa trên ba yếu tố.

Một là sự thay đổi tỷ giá hối đoái bình quân trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng. Hai là sự thay đổi tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại lớn với nước ta và ba là các chỉ số vĩ mô như mua bán, vay, trả nợ hay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Trung đánh giá cơ chế này giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá giảm phụ thuộc vào tâm lý thị trường.

Hạ An