Doanh nghiệp sản xuất tôm tăng tốc về đích
Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ có quyết định đưa các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội trở lại với điều kiện bình thường mới, ngành chế biến, xuất khẩu tôm cũng đang nỗ lực trong điều kiện này để về đích trong những tháng cuối năm, theo mục tiêu đã được đề ra.
Tận dụng nguồn lực tại chỗ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay từ những ngày đầu tháng 10/2021, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm đã trong tâm thế sẵn sàng bắt đầu lại các hoạt động sản xuất, chế biến tôm trong điều kiện bình thường mới. Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; trong đó có quy định 4 màu theo cấp độ dịch. Nhưng ở mọi cấp độ, các doanh nghiệp vẫn đều có thể hoạt động theo khuôn khổ quy định.
Trong điều kiện này, các doanh nghiệp đang ở vạch xuất phát mới với nhiều tâm thế như doanh nghiệp mới khởi động, doanh nghiệp đã khởi động nửa quy mô và doanh nghiệp sắp trở lại bình thường.
Trong tháng 8 và tháng 9 năm 2021, kết quả xuất khẩu tôm giảm mạnh do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, theo đó, xuất khẩu tôm trong tháng 9/2021 giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thị trường châu Âu giảm mạnh nhất trong các thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp ngành tôm đang nỗ lực để có thể khôi phục xuất khẩu.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, tỉnh Sóc Trăng, trước bối cảnh bình thường mới, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm có nhiều cơ hội để khôi phục sản xuất trước những nhu cầu của các thị trường lớn.
Bởi những thị trường này thích hàng thực phẩm tích hợp nhiều tiện ích, đóng gói phù hợp với nhu cầu số đông. Thêm vào đó, hiện nay dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, nên nhiều người lao động cũng không muốn dịch chuyển xa để tìm việc làm.
Sau khi các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ gỡ bỏ việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng lao động bị kẹt tại TP HCM trong 4 tháng liền đã đổ về các địa phương.
Đây chính là cơ hội để các nhà máy sản xuất, chế biến tôm tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuyển dụng lao động tại địa phương, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đáp ứng các đơn hàng tồn đọng trong những tháng qua.
Cùng với toàn ngành nỗ lực sản xuất, phục hồi ngành tôm sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, sản xuất cầm chừng, thậm chí chỉ hoạt động 1/3 công suất nhà máy, kể từ đầu tháng 10/2021, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau cũng đã có phương án phục hồi sản xuất nhanh nhất có thể, để tăng tốc về đích trong 2 tháng cuối năm.
Theo đó, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đặt ra mục tiêu duy trì sản xuất từ nay đến hết năm 2021 đạt trên 70%, đặc biệt áp dụng các biện pháp an toàn chống dịch để sản xuất là "7 xanh", gồm: nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, gia đình xanh/phòng ở xanh, nhà cung cấp xanh, vắc xin xanh và trạm y tế tại chỗ xanh.
Theo đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, để có thể thực hiện thành công điều này, Tập đoàn đã cung cấp miễn phí cho người lao động, công nhân đầy đủ khẩu trang tiêu chuẩn N95, kính ngăn giọt bắn, nước muối 0,9%, nước uống ngâm tỏi, máy xông hơi, tinh dầu sả, dầu gừng tại công ty và nhà máy tại Cà Mau, Bạc Liêu, với quy mô gần 10.000 lao động.
Khơi thông thị trường
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tôm, trong giai đoạn giãn cách xã hội, hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu cung ứng cho nhà máy chế biến gặp nhiều khó khăn, làm cho người nuôi tôm khó thu hoạch tôm đúng thời hạn.
Việc thu mua tôm nguyên liệu của các nhà máy chế biến cũng bị ảnh hưởng. Từ đó, nhiều người nuôi tôm sau khi thu hoạch có tâm lý ngại thả nuôi vụ tôm tiếp theo để cung ứng cho sản xuất.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2021, nhiều quốc gia trên thế giới đang chuẩn bị thực phẩm để đón Giáng sinh. Đây chính là cơ hội để ngành tôm Việt Nam khôi phục sản xuất, chế biến và xuất khẩu sau những tháng sản xuất cầm chừng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tôm tại các thị trường châu Âu, Mỹ đang có xu hướng hồi phục, cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan, nhất là ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho sản phẩm tôm Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường châu Âu.
Đây chính là một trong những thế mạnh giúp các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu tôm khơi thông thị trường trong những tháng cuối năm 2021.
Theo ông Võ Văn Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX), doanh số xuất khẩu 9 tháng của CAMIMEX ước đạt 42 triệu USD.
Ba tháng cuối năm cũng là cao điểm thu mua, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành tôm, nên chỉ cần nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm hay bị gián đoạn do dịch COVID-19, CAMIMEX vẫn quyết liệt hướng đến đạt doanh số xuất khẩu 62-70 triệu USD của năm 2021.
Cũng theo ông Sơn, trong 9 tháng năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhờ chuẩn bị từ sớm các phương án nên CAMIMEX vẫn duy trì sản xuất trong suốt thời gian giãn cách xã hội, nên đã tạo được nguồn tôm chế biến thô dự trữ tương đối khá ở giai đoạn này.
Không những vậy, sau khi Chính phủ hủy bỏ lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 15/CT-TTg, nới lỏng giãn cách, thích ứng với tình hình mới trong ứng phó dịch bệnh COVID-19, làn sóng lao động từ TP HCM đổ về, CAMIMEX phối hợp với tỉnh Cà Mau tuyển thêm lực lượng lao động này bổ sung vào dây chuyền sản xuất sẽ góp phần lớn thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Với các biện pháp ứng phó linh hoạt trong sản xuất và phòng ngừa dịch bệnh, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều đồng lòng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu tôm trong năm 2021.
Ngành tôm đặt hy vọng lớn vào khả năng phục hồi sau đại dịch và tin tưởng hướng về đích của các doanh nghiệp trong những tháng còn lại năm 2021.