|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp dệt may thích ứng với xu hướng đặt hàng mới

22:00 | 16/06/2024
Chia sẻ
Thị trường dệt may phục hồi nhưng các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới từ cách thức đặt hàng cho tới lao động. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng phương thức quản trị, đổi mới máy móc công nghệ mới có thể thích ứng với thị trường.

Đây là nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp tại Lễ ra mắt toàn cầu sản phẩm máy vắt sổ Arus của Công ty Jack Technology, tại TP HCM, chiều 16/6.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường dệt may có xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023. Ngày dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.

Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu dệt may thu về hơn 15,8 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên.

Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Vitas cũng cho rằng, xuất khẩu dệt may đang quay lại đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và cuối năm 2024.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn. Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn.

Ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hoá và triển khai đồng bộ.

Song song đó, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động. Cụ thể, đến hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu khoảng 500.000 lao động; trong đó tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm…

Trong bối cảnh đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dựng tự động hoá các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.

Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu than thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hoá thị trường, khách hàng; linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần may Meko chia sẻ: Là một doanh nghiệp sản xuất có 1.300 lao động, chủ yếu gia công sản phẩm xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, một phần xuất khẩu EU và Mỹ. Các nhà mua hàng có xu hướng trả giá thấp hơn cho các đơn hàng gia công.

Thêm vào đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về lao động, rất khó để tuyển lao động trẻ, trong khi các công nhân lâu năm thì năng suất làm việc giảm dần, chi phí nhân công cho sản phẩm tăng lên.

Để thích ứng với xu hướng mới của thị trường, doanh nghiệp phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ đổi mới dây chuyền sản xuất, thay thế dần các máy móc cũ bằng thiết bị tự động hoá nhằm tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

Song song đó, doanh nghiệp cũng từng bước chuyển hướng sang đầu tư thiết kế sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng nhỏ nhưng có giá trị cao hơn phù hợp với nhu cầu khách hàng. 

Ông Nguyễn Tích Tường, người sáng lập Jack Technology nhấn mạnh: Trong khoảng một năm trở lại đây, "áp lực" và "đổi mới" là hai khoá phổ biến của rất nhiều ngành nghề. Riêng với ngành dệt may, nhu cầu tiêu dùng trở lại với nhiều yêu cầu mới vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất.

Khi người mua hàng dệt may chuyển sang chiến lược thu mua các đơn hàng nhỏ, giao hàng nhanh tuỳ theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường thì các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức cũ sẽ gặp khó khăn. Ngược lại, những nhà máy có khả năng sản xuất linh hoạt, công suất cao lại có cơ hội nhận được đơn hàng tốt hơn.

"Sự dịch chuyển sản xuất dệt may từ quốc gia này sang quốc gia khác thời gian qua không đơn thuần là dịch chuyển về mặt địa lý hay nhân công, mà còn là sự lựa chọn công nghệ sản xuất của khách hàng.

Do đó, các doanh nghiệp muốn đón đầu, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng mới cần ưu tiên cải tiến công nghệ, máy móc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cắt giảm chi phí sản xuất tối đa", ông Nguyễn Tích Tường chia sẻ thêm.

Xuân Anh