DNP Corp, công ty nhựa và chiến lược thâu tóm hàng loạt dự án nước sạch
Nhựa Đồng Nai thâu tóm hàng loạt công ty nước sạch
Chiều 5/5, CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP Corp) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019.
Chủ tịch Vũ Đình Độ đánh giá 2018 là một năm khó khăn chung của ngành nhựa, và doanh nghiệp tầm trung như Nhựa Đồng Nai không ngoại lệ. Giá nguyên vật liệu tăng theo tốc độ tăng của giá dầu, trong khi lại chiếm từ 60 – 70% giá thành khiến biên lợi nhuận của công ty sụt giảm.
Người đứng đầu Nhựa Đồng Nai cho hay, phản ánh rõ nhất mức độ bất lợi của thị trường hãy nhìn vào kết quả kinh doanh của Tôn Hoa Sen hay Nhựa Bình Minh.
Lãnh đạo công ty cho biết, thực tế đã nhìn rõ sức cạnh tranh khốc liệt trong ngành nhựa công nghiệp từ những năm 2016. Trong năm 2018 công ty thực hiện việc cơ cấu mạnh mẽ bằng việc đầu tư vào ngành nước, một ngành "cần nguồn lực lớn mà tư nhân không phải ai cũng dám làm", lời Chủ tịch Vũ Đình Độ.
"Chúng tôi định hướng Nhựa Đồng Nai từ một công ty chuyên sản xuất trở thành công ty đầu tư, xin nhắc lại với nhà đầu tư là công ty đầu tư. Điều này giúp chúng tôi có thể linh hoạt tham gia vào các lĩnh vực mới giàu tiềm năng và thoái vốn khi không còn cơ hội phát triển", vị Chủ tịch xuất thân từ vị trí phân tích đầu tư, đầu tư, thị trường vốn, M&A và công cụ phái sinh tại một số công ty chứng khoán trước đây, của Nhựa Đồng Nai cho biết tại đại hội.
Năm vừa rồi, Nhựa Đồng Nai đã đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp ngành nước thông qua công ty con là CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water thành lập năm 2017, Nhựa Đồng Nai đang sở hữu 75%), trong đó có những cái tên nổi tiếng như CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (NS3) cung cấp nước cho toàn bộ quận Hoàn Kiếm, Cấp thoát nước Bình Thuận, Nước Cần Thơ, Nước Long An, Nước Bắc Giang…
Tính đến thời điểm 31/3/2018, Nhựa Đồng Nai sở hữu 8 công ty con hoạt động trong ngành nước, 7 công ty liên kết trong ngành và đang đặt mục tiêu nâng sở hữu lên chi phối trong tương lai. Tổng năng lực cung cấp nước theo báo cáo thường niên mà công ty công bố đạt khoảng 1 triệu m3/ngày, mục tiêu trong 5 năm tới đạt 2 triệu m3/ngày.
Ông Vũ Đình Độ cho biết số lượng khách hàng mà công ty đang phục vụ từ 600.000 – 700.000 người.
"Chúng tôi đặt mục tiêu thâu tóm tại các công ty có tiềm năng phát triển, một là tại các tỉnh khu công nghiệp như Bắc Giang, Long An, hai là các tỉnh có du lịch phát triển như Khánh Hòa, Bình Thuận hoặc như NS3 là doanh nghiệp cung cấp nước cho quận Hoàn Kiếm, trung tâm Thủ đô Hà Nội". Ông Độ cho biết lợi thế của công ty là việc sớm nhìn thấy cơ hội và là một trong những người đi tiên phong mua bán sáp nhập trong xu thế thoái vốn Nhà nước tại ngành nước.
Thông qua việc giải thể Ban kiểm soát trực thuộc ĐHĐCĐ, thay thế bằng Ban kiểm toán nội bộ, trực thuộc HĐQT.
Cổ đông nhỏ ý kiến xin sửa điều lệ vì trái Điều lệ mẫu
Đại hội cổ đông DNP Corp năm nay "nóng" hơn thường lệ.
Phần thảo luận, nhiều cổ đông phản ánh việc công ty công bố tài liệu họp chậm, khiến cho cổ đông không đủ thời gian để có thể nghiên cứu một cách thấu đáo. Đường link tài liệu không thể truy cập trong thời gian dài, bên cạnh đó tình trạng khắc phục cũng tỏ ra chậm trễ. Một vài nội dung có ở tài liệu bản cứng phát cho cổ đông tại đại hội nhưng không thấy xuất hiện trên bản mềm trong bộ tài liệu công bố trước đó trên website.
Thừa nhận công tác chuẩn bị còn nhiều thiếu sót, ban lãnh đạo Nhựa Đồng Nai cho biết sẽ tiếp thu và khắc phục trong những lần đại hội cổ đông sau.
Đại hội năm nay, HĐQT đưa lên tờ trình xin sửa đổi điều lệ và quy chế quản trị công ty, đây là vấn đề nhiều cổ đông không đồng tình.
Cổ đông ý kiến về việc điều lệ và quy chế quản trị nội bộ của DNP Corp có nhiều nội dung khác với thông tư 95 mà Bộ Tài chính ban hành năm 2017.
Một số vấn đề được cổ đông nhắc lại nhiều lần, yêu cầu HĐQT xem xét sửa lại như:
Khoản 3 Điều 11 Điều lệ (về quyền của cổ đông DNP Corp) quy định cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ tỷ lệ tối thiểu 10% tổng số cổ phần thì mới được thực hiện một số quyền như đề cử ứng viên HĐQT, yêu cầu triệu tập ĐHCĐ…, trong khi Điều lệ mẫu ban hành trong Thông tư 95 quy định tỷ lệ này là 5%.
Khoản 3 Điều 17 Điều lệ công ty quy định Thông báo mời họp ĐHCĐ phải gửi ít nhất 10 ngày trước ngày họp, tuy nhiên Điều lệ mẫu trong Thông tư 95 quy định Thông báo mời họp phải gửi ít nhất 15 ngày trước ngày họp.
Khoản 2 Điều 21 Điều lệ công ty (về thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản) quy định phiếu lấy ý kiến, dự thảo nghị quyết ĐHCĐ và các tài liệu giải trình phải gửi ít nhất 10 ngày trước ngày hết hạn nhận phiếu lấy ý kiến. Tuy nhiên Điều lệ mẫu quy định rằng phải gửi trước ít nhất 15 ngày.
Khoản 3 Điều 45 Điều lệ mẫu (ban hành trong Thông tư 95) quy định công ty đại chúng tiến hành tất cả các khoản thanh toán và giao dịch kế toán thông qua các tài khoản mà công ty mở tại ngân hàng. Tuy nhiên Điều lệ DNP Corp lại ghi: Công ty cũng có thể thực hiện các phương thức thanh toán và giao dịch khác theo quyết định của HĐQT và/hoặc TGĐ.
Để đảm bảo các giao dịch với bên liên quan được công khai minh bạch không xâm phạm lợi ích các cổ đông, Điều 40 Điều lệ mẫu (về Trách nhiệm trung thực và tránh các xung đột về quyền lợi) quy định các giao dịch với bên liên quan phải nhỏ hơn hoặcbằng 20% tổng giá trị tài sản trong Báo cáo tài chính gần nhất, các giao dịch lớn hơn tỷ lệ 20% muốn không bị vô hiệu hóa sẽ phải tuân thủ thêm một số điều kiện khác (chẳng hạn phải được công bố với các cổ đông không có lợi ích liên quan đến vấn đề đó và được họ thông qua). Tuy nhiên Điều lệ Công ty đã nới rộng quyền của HĐQT và nới rộng tỷ lệ này lên 35%...
Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản của DNP Corp đạt ngưỡng gần 6.700 tỉ đồng, như vậy 20% tổng tài sản tương đương với 1.339 tỉ đồng, còn 35% tổng tài sản lên tới 2.343 tỉ đồng. Cổ đông cho rằng, đây là giá trị lớn, đề nghị HĐQT cân nhắc sửa đổi theo đúng Điều lệ mẫu.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Vũ Đình Độ cho biết sẽ ghi nhận và xem xét sửa đổi tại đại hội cổ đông DNP Corp lần sau. Việc thay đổi điều lệ sau đó được hơn 90% số cổ phần tham dự đại hội tán thành, và được thông qua.
Đại hội cũng thông qua một nội dung quan trọng khác là Ủy quyền cho HĐQT xem xét quyết định, thực hiện một số quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông giữa hai kỳ đại hội 2019 – 2020.
Trong đó có việc chủ động điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh và ngân sách hoạt động kinh doanh năm 2019 – 2020 cho phù hợp với diễn biến thị trường.
Quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại.
Và chủ động triển khai các nghị quyết được ĐHĐCĐ thông qua, trong trường hợp phát sinh bất kỳ vấn đề gì liên quan, kể cả vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thì HĐQT được toàn quyền quyết định, xử lý mà không cần triệu tập ĐHĐCĐ.
Gọi vốn thành công gần 45 triệu USD từ hai ông lớn IFC và Olympus Capital Asia
Trong năm 2018, DNP Corp đạt 2.181 tỉ đồng doanh thu, trong đó ngành nhựa đạt 1.868 tỉ đồng (thực hiện 82% kế hoạch), ngành nước đạt 313 tỉ đồng (vượt 83% kế hoạch). Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 12 tỉ đồng, tương đương 8% kế hoạch năm. Năm 2018, DNP Corp không chia cổ tức, trong khi năm trước đó chia tỉ lệ 13%.
Giải thích về việc lợi nhuận sụt giảm và không đạt kế hoạch, ban lãnh đạo DNP Corp cho biết do chuẩn mực kế toán tại Việt Nam yêu cầu trích khấu hao và phân bổ lợi thế thương mại đối với các khoản đầu tư khi hợp nhất với các công ty con được mua lại.
Trong năm qua, công ty mẹ DNP Corp tăng vốn thành công từ 500 tỉ lên 1.000 tỉ đồng; công ty con ngành nước DNP Water cũng tăng vốn từ 950 tỉ đồng lên 1.780 tỉ đồng. Công ty tài chính quốc tế IFC thực hiện giải ngân toàn bộ cam kết đầu tư 24,9 triệu USD cho ngành nước, phát hành thành công 200 tỉ đồng trái phiếu cho các ngân hàng nội địa. Đầu năm 2019, Công ty đầu tư Asia Enviroment Partners (AEP), đơn vị thành viên của Olympus Capital Asia phát hành 20 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho DNP Corp.
Có mặt tại đại hội, Giám đốc quỹ này, ông Brandon Marc Courban, cho biết ông đánh giá cao sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, hứng thú đối với ngành nước và tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo của DNP Corp. Olympus cũng mong muốn có thể trở thành cổ đông của công ty trong tương lai.
Hai thành viên HĐQT mới của DNP Corp, ông Brandon Marc Courban (giữa) và ông Lê Văn Minh (phải)
Ông Brandon Marc Courban sau đó cùng ông Lê Văn Minh, ông Hồ Anh Dũng được bầu vào ghế thành viên HĐQT độc lập của DNP Corp nhiệm kỳ 2017 – 2022, nâng tổng số thành viên lên 7 người.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/