|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chủ tịch Nhựa An Phát: Chúng tôi chỉ vận hành lại dự án PVTex khi có hiệu quả cho công ty

07:30 | 17/04/2019
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Nhựa An Phát Phạm Ánh Dương, công nghệ của nhà máy Xơ sợi Đình Vũ là công nghệ tốt, có thể đem lại hiệu quả khi đưa vào vận hành trở lại. 

An Phát nhìn vào PVTex theo khía cạnh khác

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA), Chủ tịch Phạm Ánh Dương đã có những chia sẻ thẳng thắn với cổ đông xung quanh dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex).

Đây vốn là một trong 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương. Tháng 7/2018 công ty An Sơn Textile, một thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đã ký hợp đồng với PVTex để tái khởi động lại nhà máy.

Theo hợp đồng ký kết, An Sơn (An Phát Holdings) sẽ đầu tư nguồn vốn, công nghệ, chuyên gia và định hướng kinh doanh để có thể đưa nhà máy hoạt động ổn định. Đổi lại An Phát được quyền bao tiêu 35% sản phẩm hạt nhựa PP của dự án nhà máy Lọc dầu Bình Sơn. 

Tháng 11/2018, sản phẩm sợi đầu tiên của nhà máy mang tên Anpoly đã ra mắt, đánh dấu sự hồi sinh của dự án Đình Vũ. Hiện nhà máy có công suất ổn định 1.800 tấn sợi/tháng và được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Thái Lan…

Chủ tịch Nhựa An Phát: Chúng tôi chỉ vận hành lại dự án PVTex khi có hiệu quả cho công ty  - Ảnh 2.

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch AAA. (Ảnh: BM)

Theo ông Phạm Ánh Dương, nguyên nhân dự án không hiệu quả là do nguồn vốn không đủ; nhân lực không đủ, không nắm được công nghệ và thay đổi liên tục; tại thời điểm dự án chạy thị trường xơ sợi đi xuống, giá bán thấp và một số nguyên nhân khác...

Đến khi An Phát tiếp quản dự án, công ty đánh giá công nghệ của nhà máy tốt, máy móc tốt, các nguyên nhân nói trên có thể khắc phục được ngoài ra không còn vướng mắc nào khác.

Về vận hành và tiêu thụ sản phẩm, An Phát có liên doanh với các đối tác nước ngoài trong ngành. Ngoài ra, dây chuyền của của nhà máy Đình Vũ cũng không phải quá lớn so với trên thế giới.

"Đây cũng là dự án mà Chính phủ quan tâm, An Phát không thể làm ẩu được. Chúng tôi cũng không chạy dự án vì mục tiêu chính trị, nếu công ty có vận hành lại toàn bộ dự án thì đó phải là phương án có hiệu quả", Chủ tịch An Phát cho hay.

Theo ông Dương, nhiều người thấy sợ khi nhìn vào PVTex là do họ không thấy được vấn đề, đội ngũ An Phát thì lại nhìn vào khía cạnh khác.

Chủ tịch An Phát cho biết, máy móc của nhà máy Đình Vũ là máy của Đức, có thể hoạt động tốt khi đưa vào vận hành.

Tăng trưởng nóng ở An Phát không phải là cái "nóng bỏng tay"

Trả lời câu hỏi của cổ đông về những mối lo ngại xung quanh vấn đề "tăng trưởng nóng" của An Phát trong những năm qua, ông Dương khẳng định: "Ngay từ khi đặt tên Công ty, chúng tôi đã lựa chọn chữ "An" đặt lên hàng đầu, sau đó mới tới "Phát". Chúng tôi không tăng trưởng vì thi đua, chúng tôi tăng trưởng vì những cơ hội có được".

Theo ông Dương, sự "tăng trưởng nóng" ở An Phát không phải là cái "nóng bỏng tay", nóng trong lúng túng do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mà là "nóng" ở một mức độ an toàn và vẫn trong tầm kiểm soát nhất định.  Điều này, những người trong cuộc mới hiểu rõ hơn cả.

Một thực tế tại An Phát là mỗi nhà máy đi vào hoạt động đều nhận được hàng loạt đơn đặt hàng từ khách hàng khắp trong và ngoài nước và chạy hết công suất, khác hoàn toàn với tình trạng "đói đơn hàng" như nhiều trường hợp khác.

Theo ông Dương, ngành nhựa Việt Nam có nhiều doanh nghiệp có tuổi đời rất lâu nhưng sản phẩm qua bao năm vẫn không có đột phá hay đổi mới. Trong khi đó, An Phát đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Đông Nam Á, ông Dương cho biết.

"Khi hoạch định chiến lược kinh doanh và phát triển sản phẩm, chúng tôi luôn phải đảm bảo có ba yếu tố sau mới làm, đó là:

Xác định chắc chắn lĩnh vực, sản phẩm đang là trend (xu hướng), đang được quan tâm, mới mẻ và có nhiều triển vọng thì An Phát mới bắt tay vào thực hiện (ví dụ như trên thị trường đang có Nhựa Tiền Phongnhựa Bình Minh đang làm ống nước thì chúng tôi sẽ không làm nữa…).

Xem xét ước tính lợi nhuận đáng kể, biên lợi nhuận từ 15 - 20%.

Cuối cùng dung lượng thị trường phải đủ lớn, kể cả khi margin cao nhưng dung lượng thị trường thấp, An Phát cũng sẽ không làm.

Bạch Mộc