Diana: Câu chuyện kinh doanh của gia đình họ Đỗ
Kể từ thời điểm 2011, anh em họ Đỗ bán Diana cho đối tác Nhật. Đến nay, Công ty này vẫn luôn gắn liền với tên ông Đỗ Anh Tú với cương vị Tổng giám đốc và mức sở hữu 5% cố phần.
Thương hiệu Việt cạnh tranh “sòng phẳng” với đại gia ngoại
Công ty Diana bắt đầu được anh em nhà Đỗ thành lập từ năm 1997 với số vốn 600.000 USD. Ở thời điểm Công ty Diana ra đời thì băng vệ sinh thương hiệu Kotex, của Tập đoàn đa quốc gia Kimberly-Clark (Mỹ) đã có mặt 6 năm tại Việt Nam và gầy dựng được tên tuổi tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.
Diana nhanh chóng phát triển và trở thành là thương hiệu có được thị phần lớn trên thị trường và cạnh tranh ngang hàng với Kotex ở hầu hết các dòng sản phẩm từ băng vệ sinh, đến tã bỉm Bobby, tã người lớn, khăn giấy…
Điều khiến cho một tân binh mới ra đời như Diana mau chóng thành công là vì Công ty này mạnh dạn đầu tư vào trang thiết bị và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cộng thêm việc mạnh tay chi ra từ 9-13% ngân sách để quảng bá sản phẩm trên thị trường và chăm sóc các đại lý bán lẻ đã giúp Dianna sớm đi vào thị trường người tiêu dùng Việt và chiếm vị trí ngang ngửa với sản phẩm cùng loại là Kotex.
Diana đã tăng trưởng vượt bậc từ ngày về với đại gia Nhật. Nguồn ảnh: Vietnam Finance.
Tuy nhiên, ở thời điểm đang tăng trưởng nhanh, với doanh thu 1.020 tỉ đồng năm 2010 và lợi nhuận 40 tỉ đồng thì bất ngờ vào năm 2011, Diana bán 95% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Unicharm với mức giá 194 triệu USD (gần 4.000 tỉ đồng). Nhiều người băn khoăn về thương vụ này, vì Diana vẫn đang trên đường “ăn nên làm ra” với mức tăng trưởng trung bình 30%/năm.
Bằng chứng là hết năm 2011, Diana vẫn mang về doanh thu 1.700 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỉ đồng. Ở thời điểm đó, ông Đỗ Anh Tú chia sẻ với NCĐT rằng: “Tôi chỉ nỗ lực làm sao để khi nhắc đến Diana, người tiêu dùng hiểu ngay đó là nhãn hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam”.
Cũng phải nói thêm, đối tác Unicharm sau thời gian đưa sản phẩm của Nhật như băng vệ sinh Sofy và tã giấy Mamy Poko vào Việt Nam không có được thành công nên đã quyết định tìm đến con đường M&A với Diana. Và anh em nhà họ Đỗ thì muốn đưa sản phẩm thương hiệu Diana ra toàn cầu. Bởi Unicharm khá mạnh ở những thị trường như Trung Quốc và Đông Nam Á. Đặc biệt, ở thời điểm đó, Unicharm chiến đến 50% thị phần tại Thái Lan.
Mặc dù bán cho đối tác Nhật, nhưng ông Tú vẫn giữ vai trò Tổng giám đốc cầm cương cho những giai đoạn sau. Những chiến lược kinh doanh của Diana hầu như không có nhiều thay đổi. Đến nay, ông Tú vẫn tiếp tục với vị trí này với doanh thu tăng, đặt biệt lợi nhuận tăng gấp 28 lần so với thời điểm 2010.
Năm 2018, doanh thu Diana đã lên tới 7.482 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.109 tỉ đồng (lãi gấp 28 lần năm 2010). Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2011 – 2018 về doanh thu của Diana lên tới 21% và lợi nhuận là 34%. Theo thống kê, các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tương tự như Diana hiện có P/E từ 20 – 30, riêng công ty mẹ của Diana là tập đoàn Unicharm có P/E lên tới 35.
Thương vụ năm xưa: Lời hay lỗ?
Nhìn nhận lại mức tăng trưởng trong năm 2018 của Diana, nếu tính P/E Diana ở mức 20 lần với lợi nhuận năm 2018 đạt 1.109 tỉ đồng thì giá trị hợp lý của Diana vào khoảng 23.000 tỉ đồng tương đương 1 tỉ USD, cao hơn nhiều lần mức giá bán Diana năm 2011 là 194 triệu USD.
Nhiều ý kiến cho rằng, Diana đã bị bán rẻ. Nhưng thực tế, năm 2011, Diana bán cho Unicharm là một thương vụ đình đám và giá trị lúc đó là khá lớn. Ở thời điểm đó, Diana chịu áp lực tăng trưởng thị trường trong nước và muốn phát triển thương hiệu ra thế giới. Nhưng trong 2011, lãi suất vay USD đến 7% và tiền đồng đến xấp xỉ 20%. Chi phí vốn trở nên đắt đỏ và tác động đến ngay cả những công ty dẫn đầu ngành như Diana.
Lúc đó, Diana muốn tăng trưởng bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh xuất khẩu trong dài hạn thì phải chọn 1 trong 3 con đường, hoặc tiếp tục tự thân vận động bằng các nguồn vốn vay ngân hàng, hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng, hoặc sáp nhập với một đối tác chiến lược mạnh. Và Unicharm là lựa chọn cuối cùng để tối đa hóa giá trị nguồn vốn, cũng như tận dụng các thị trường mạnh mà công ty Nhật này có được.
Đối tác Nhật chọn Diana vì đáp ứng được giá trị cơ bản chính là vị thế thương hiệu và hệ thống phân phối. Đây cũng chính là giá trị mà 2 anh em Đỗ Minh Phú, Đỗ Anh Tú đã nỗ lực xây dựng trong suốt quá trình xây dựng công ty.
Ngoài thương hiệu Băng vệ sinh Diana, hiện những dòng sản phẩm của Diana đang khá phổ biến và có lượng tiêu thụ tốt như, tã cho trẻ sơ sinh Bobby và tã cho người lớn Caryn. Hay sản phẩm giấy tissue với thương hiệu Emos, cũng là dòng sản phẩm có lượng tiêu thụ khá tốt.
Nhiều người cho rằng, anh em nhà họ Đỗ không bán Diana với giá rẻ. Nhưng nếu không bán, liệu Công ty Diana có phát triển như hiện nay và có thể TPBank có được giá trị như hiện nay?
Thực tế, khoản tiền sau khi bán Diana, ông Đỗ Minh Phú đã đem đầu tư vào ngân hàng Tiên Phong (TPBank), đầu tư bất động sản. Mua TPBank ở thời điểm thua lỗ, khó khăn và sau nhiều năm tái cơ cấu, hiện TPBank có mức vốn hóa hơn 19.800 tỷ đồng.