|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ CII: Phát hành hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, tổ chức mua lại là ngân hàng

09:23 | 02/06/2020
Chia sẻ
Để huy động vốn đầu tư, CII dự kiến phát hành hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, chia làm hai đợt. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức mua lại được hé lộ là một ngân hàng.
ĐHĐCĐ CII: - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ CII sáng ngày 2/6 (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Hai kịch bản kinh doanh cho năm 2020

Nói về câu chuyện BT Thủ Thiêm, ông Lê Quốc Bình thông tin Thủ tướng Chính phủ bắt đầu phê duyệt dự án Khu dân cư phía Bắc cho CII từ năm 2017. 

Sau đó xảy ra thanh tra, kiểm tra khiến mọi việc đứng lại. Đến khi được triển khai trở lại, dự án vẫn vướng pháp lí rất nhiều, các cơ quan Nhà nước khá lúng túng.

"Đây cũng là câu chuyện nhức đầu của CII trong ba năm vừa rồi. Đến giờ phút này vẫn chưa thấy kết quả, mỗi ngày có thêm tí hi vọng, sau đó lại chùng xuống, rồi lại có tí tín hiệu tích cực khiến chúng ta lại hi vọng…, Tổng Giám đốc CII chia sẻ.

Bước sang năm nay, lãnh đạo CII cho biết công ty đón nhận nhiều thông tin tích cực đối với các dự án trọng điểm.

Trong đó, Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội dự kiến sẽ bắt đầu thu phí từ năm nay, Dự án Quốc lộ 60 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2020, Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã giải quyết được bài toán nguồn vốn và một số dự án BĐS có tín hiệu tốt để bắt đầu triển khai.

Cụ thể về hoạt động đầu tư trong năm 2020, CII có 7 dự án ở mảng cầu đường và thu phí giao thông, 4 dự án ở mảng hạ tầng nước và 5 dự án bất động sản (The River City, 152 Điện Biên Phủ, Diamond Riverside (NBB1), Sơn Tịnh, De Lagi).

ĐHĐCĐ CII: - Ảnh 2.

Dự án The River City của CII. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

ĐHĐCĐ CII: - Ảnh 3.

Cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ của CII (Ảnh: Nguyên Ngọc)

"Quá xấu hổ khi các cổ đông hỏi về mốc thời gian. Trước đây nhiều cổ đông gọi hỏi khi nào CII thu được phí dự án BT, khi nào thu phí xa lộ Hà Nội, tôi có trả lời nhưng không hoàn thành được.

Ban điều hành thật sự bế tắc, đến giờ chúng tôi không dám hứa với cổ đông", ông Bình nói về những khó khăn dẫn đến tiến độ dự án không được như kì vọng.

CII cho rằng, kết quả kinh doanh năm nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiến độ phê duyệt pháp lí dự án của cơ quan Nhà nước, yếu tố khách quan như dịch bệnh vừa qua cũng sẽ tác động đến hoạt động bán hàng và hoạt động thu phí. Sau khi cân nhắc các tình huống, CII đưa ra hai kịch bản kinh doanh.

Đối với kịch bản khả quan, hồ sơ pháp lí các dự án được thực hiện theo đúng tiến độ, CII dự kiến đạt 6.600 tỉ đồng tổng doanh thu và 1.608 tỉ đồng lãi ròng (trước khi phân bổ lợi thế thương mại. Kế hoạch này lần lượt tăng 61% và 68% so với kết quả đạt được ở năm 2019.

Còn theo kịch bản thận trọng, CII đưa ra mục tiêu doanh thu 5.800 tỉ đồng và lãi ròng 808 tỉ đồng, tăng 41% về doanh thu và nhưng giảm 16% về lợi nhuận so với kết quả năm 2019. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2020 là 16% (năm 2019 12% tiền mặt).

ĐHĐCĐ CII: - Ảnh 4.

(Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ của CII)

Theo chia sẻ của ông Bình, "đến giờ này chúng tôi bắt đầu lo lắng về kế hoạch kinh doanh 2020 bởi kế hoạch này được xây dựng từ cuối năm 2019. Nếu hồ sơ pháp lí vẫn chậm như hiện nay thì đây là một vấn đề cực kì khó khăn. Những hồ sơ pháp lí chúng tôi hứa tại đại hội năm rồi đến nay đều chưa hoàn thành được".

Tuy nhiên, lãnh đạo CII cho biết công ty sẽ cố gắng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã cam kết với cổ đông.

Phát hành trái phiếu kèm chứng quyền

Để triển khai các hoạt động đầu tư nói trên, CII cần lượng vốn 8.100 tỉ đồng, bao gồm cả chi trả nợ gốc và lãi vay, đầu tư dự án và chi trả cổ tức.

Theo đó, công ty dự kiến huy động vốn thông qua các nguồn như phát hành trái phiếu và nợ vay, thu hồi vốn gốc đầu tư và cổ tức được nhận.

Riêng trong quí I/2020, CII đã huy động được 4.440 tỉ đồng, phần còn lại dự kiến thực hiện ở 9 tháng cuối năm.

Trong khi đó, dịch COVID-19 khiến nguồn tín dụng nước ngoài bị thu hẹp, quĩ ngoại ưu tiên duy trì tiền mặt cao thay vì tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Còn nguồn vốn tín dụng trong nước cũng được siết chặt nhằm giảm thiểu khả năng nợ xấu phát sinh do dịch bệnh.

Để đủ vốn đáp ứng nhu cầu hoàn thành các dự án dở dang hiện nay, CII trình cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền gồm hai đợt. Dự kiến, các trái phiếu có kì hạn 5 năm, lãi suất 11% mỗi năm và được thực hiện vào quí II và III/2020.

Cụ thể, đợt 1 công ty dự kiến chào bán tối đa 1.194 tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 200:1, tức cổ đông sở hữu 200 cp sẽ được quyền mua một trái phiếu.

Ở đợt 2, CII sẽ chào bán cho các quĩ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư chiến lược,… với giá trị tối đa 1.600 tỉ đồng. Việc phát hành ở đợt 2 chỉ được thực hiện khi số tiền huy động ở đợt 1 thấp hơn 800 tỉ đồng.

Theo CII, việc cổ đông đầu tư trái phiếu kèm chứng quyền do công ty phát hành sẽ giảm rủi ro pha loãng tỉ lệ sở hữu tại CII. Cổ đông có thể tách trái phiếu và chứng quyền để thuận tiện giao dịch.

Trong trường hợp công ty phát hành cho những nhà đầu tư khác, việc cấp quyền mua cổ phiếu cũng không làm pha loãng cổ phiếu ngay lập tức.

Tổng Giám đốc CII cũng chia sẻ thêm, xuất phát từ việc huy động vốn rất khó khăn nên cuối cùng CII quyết định mỗi lần làm sẽ huy động với lượng vốn lớn hàng nghìn tỉ đồng, thay vì chỉ huy động vài trăm tỉ đồng như trước đây.

Mua 53 triệu cp quĩ, chào bán tối đa 160 triệu cp 

Nhằm giảm lượng cổ phiếu lưu hành để nhà đầu tư thực hiện chứng quyền của trái phiếu cũng như giảm thiểu rủi ro pha loãng cho các cổ đông hiện hữu khi nhà đầu tư thực hiện chứng quyền, CII dự kiến mua lại tối đa 53 triệu cp để làm cổ phiếu quĩ. Thời gian thực hiện trong 5 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu.

Theo đó, công ty sẽ sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, quĩ đầu tư phát triển và các quĩ khác nếu có để phục vụ hoạt động mua cổ phiếu làm cổ phiếu quĩ.

Ngoài ra, để dự phòng nguồn trả nợ trái phiếu, CII cũng trình cổ đông thông qua phương án chào bán tối đa 160 triệu cp cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Trường hợp cổ đông hiện hữu không mua hết, công ty được ủy quyền chào bán toàn bộ phần còn lại đúng bằng giá chào bán trước đó là 10.000 đồng/cp.

Giá cổ phiếu giảm sâu do COVID-19 

Theo đánh giá của CII, doanh thu các mảng cốt lõi của công ty không bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh. 

Tuy nhiên, "dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, giá trị cổ phiếu CII đã giảm sâu từ mức giá 26.000 đồng/cp vào đầu năm 2020 xuống còn 18.000 đồng/cp (ngày 31/3) và chỉ mới phục hồi quanh mức 20.000 đồng/cp những ngày giữa tháng 5/2020.

Như vậy, giá trị cổ phiếu CII hiện tại đang bị định giá thấp mà không dựa trên hoạt động kinh doanh của công ty. Điều này đã gây thiệt hại đến lợi ích của cổ đông hiện hữu, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ", lãnh đạo CII nhận định.

ĐHĐCĐ CII: - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu CII. (Nguồn: FireAnt)

Phần thảo luận:

Trước đây, CII thường huy động vốn bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi, năm nay kèm chứng quyền, phương án này hơi khó cho cổ đông, công ty có cân nhắc hai phương án này không?

Ông Lê Vũ Hoàng: Đúng là trước giờ CII phát hành nhiều trái phiếu chuyển đổi cho các công trình, công ty, rồi cho cổ đông nước ngoài. Lần này công ty đưa ra phương án phát hành trái phiếu kèm chứng quyền đối với cổ đông hơi lạ.

Ông Lê Quốc Bình: Theo quan điểm cá nhân tôi, tôi không ủng hộ phát hành trái phiếu chuyển đổi kèm chứng quyền vì phương án này bị ngặt một cái, kể cả VSD, sở giao dịch chứng khoán không giao dịch được trái phiếu kèm chứng quyền. Điều này rất thiệt hại cho cổ đông.

Tôi với tư cách cũng là cổ đông của CII, tôi kiến nghị chủ tọa đoàn phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Cổ tức năm 2019 được đại hội thông qua là 32%, đại hội tháng 3 vừa rồi cũng nói rõ trong đó có 16% bằng tiền mặt, đến lần này chỉ còn 12%. Phương án cũ bỏ hẳn hay treo lại thực hiện đến năm sau?

Ông Lê Quốc Bình: Cổ tức được thực hiện chi trả dựa trên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Như đã trình bày với cổ đông trước đó, lợi nhuận CII giảm rất nhiều sau kiểm toán. Kiểm toán đã cắt bỏ của chúng ta trên 500 tỉ đồng lợi nhuận và đội lên chi phí rất nhiều.

Chúng tôi cãi nhau với kiểm toán rất nhiều, cãi nhau với cơ quan Nhà nước rất nhiều nhưng cuối cùng cũng chịu vì đó là chuẩn mực.

Chi phí bỏ ra xây dựng công trình, ví dụ như xây 3.000 căn hộ đến 3.000 tỉ đồng nhưng lại hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Nhà đã bàn giao cho khách hàng đâu còn là tài sản của mình nhưng vẫn ghi nhận, dẫn đến câu chuyện nợ phải trả ảo, tổng tài sản ảo.

Ông Lê Vũ Hoàng: Phần lợi nhuận kiểm toán cắt đi không phải mất luôn mà chuyển sang năm nay. Chúng tôi nghĩ điều này không có thiệt, chỉ là khất lại.

Công ty dự kiến chia cổ tức 2020 bằng tiền hay cổ phiếu?

Ông Lê Quốc Bình: CII hồi nào giờ không chia cổ tức bằng cổ phiếu mặc dù phương án đưa ra có cả hai hình thức. Có tiền thì chia không có thì thôi, phát hành giấy làm gì, công ty chia bằng tiền mặt.

Vì sao thời gian vừa qua thông tin về hoạt động đầu tư, dự án của CII rất ít?

Ông Lê Quốc Bình: Nói việc này không phải để biện minh mà để cổ đông hiểu. Có hai câu chuyện vì sao thông tin hai năm vừa rồi ít.

Thứ nhất câu chuyện khách quan nhạy cảm, công ty mất nhiều thời gian đi giải quyết vấn đề pháp lí. Nếu đưa thông tin dự án này vướng mắc pháp lí thì rất khó. Thực chất không phải vướng đâu mà các cơ quan đang xử lí, thanh tra liên quan đến các cán bộ.

Về chủ quan, hai năm 2018-2019 gần như phòng quản lí vốn, tài chính, ban điều hành tối tăm mặt mũi từ chuyện này đến hết chuyện khác, xử lí các vấn đề, tìm tài liệu viết thuyết minh, giải trình hết ngày hết giờ.

Đến giờ này mọi việc đã dễ thở hơn, các dự án đã chạy lại. Chúng tôi hứa công bố ít nhất một dự án mỗi tuần, bao gồm cả hình ảnh tiến độ.

Nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân hay tổ chức?

Ông Lê Quốc Bình: Nhà đầu tư mua trái phiếu là ngân hàng, khi nào đặt bút kí xong chúng tôi sẽ công bố cụ thể tên ngân hàng.

Lợi nhuận 2020 đến từ những nguồn nào?

Ông Lê Quốc Bình: Lợi nhuận năm nay chủ yếu từ mảng bất động sản, gồm Sơn Tịnh (800 tỉ đồng), bán hai khu đất của NBB, cao ốc 152 Điên Biên Phủ trên 800 tỉ đồng, mảng cầu đường đóng góp khoảng 300 tỉ đồng mỗi năm.

Chúng tôi đang cố gắng về đích nhưng vì chuẩn mực kế toán nên vẫn có khả năng chuyển một phần sang năm 2021 nếu chúng tôi không kịp bàn giao nhà.

Dự án nào có khả năng làm kế hoạch từ khả quan sang thận trọng, tức có thể chuyển sang năm 2021?

Ông Lê Quốc Bình: Xin phép không trả lời vì giờ này hô lên quay lại từ mà cổ đông rất ghét đó là nhạy cảm.

Có yếu tố nào khiến phụ lục hợp đồng BT Thủ Thiêm không diễn ra hay không?

Ông Lê Quốc Bình: Đến giờ thật tình tôi không dám hứa với cổ đông khi nào có. Bao nhiêu lần tưởng trong tầm tay, chỉ còn con dấu nhưng vẫn không được. Sau những sự cố chúng tôi không dám dự báo nữa.

Đến giờ chúng tôi loại thủ thiêm ra khỏi kế hoạch kinh doanh vì ăn bánh vẽ hoài, thay vào đó đưa các dự án khác vào.

Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định hai vấn đề: Đất của CII chắc chắn không mất và phụ lục hợp đồng chắc chắn sẽ có.

Đại hội kết thúc với các tờ trình đều được thông qua.

Nguyên Ngọc