|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Để trở nên hạnh phúc, người hướng nội và hướng ngoại nên học hỏi điều gì từ nhau?

19:30 | 02/09/2021
Chia sẻ
Có ba điểm giống nhau ở cả hai nhóm người hướng nội và hướng ngoại vui vẻ là sự lạc quan, ý thức về mục đích sống và lòng tự trọng. Song, không ai trong chúng ta sở hữu khái niệm hoàn hảo nhất về sự hạnh phúc.
Nên học hỏi điều gì từ kiểu tính cách còn lại để trở thành những người hướng nội và hướng ngoại hạnh phúc? - Ảnh 1.

Người hướng ngoại và người hướng ngoại hạnh phúc. (Ảnh: theatlantic).

Một bài viết của Arthur C. Brooks.

Đại dịch đã đưa con người vào một bối cảnh khác của xã hội, mở ra không gian cho những người hướng nội và lấy đi một phần môi trường thường nhật của những người hướng ngoại. Sự thay đổi tạm thời này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng: Liệu hai kiểu tích cánh này sẽ học được điều gì từ nhau để đôi bên cùng có lợi?

Cha đẻ của thuật ngữ "Hướng nội - Hướng ngoại" và mô hình tính cách Big-Five

Các nhà khoa học sử dụng năm yếu tố chính để đo lường tính cách con người. Trong đó, mỗi một yếu tố đại diện cho một nhóm tính cách khác nhau bao gồm: Sự cởi mở; Sự tận tâm; Sự hướng ngoại; Sự dễ chịu; Sự nhạy cảm. 

Lý thuyết Big-Five đã đã là một yếu tố quan trọng của tâm lý học từ những năm 1980. nhưng thuật ngữ hướng nội - hướng ngoại được tạo ra vào những năm 1920 bởi Carl Jung, nhà tâm lý trị liệu và phân tâm học người Thụy Sĩ. Theo ông, họ là hai nhóm người có mục tiêu sống khác nhau. Trong khi người hướng nội tìm cách thiết lập quyền tự chủ và độc lập thì hướng ngoại luôn tìm thấy niềm vui khi hợp tác với những người xung quanh. Và những góc nhìn của ông vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Vào những năm 1960, Hans Eysenck, nhà tâm lý học người Đức đã phát triển lý thuyết của Jung và lập luận rằng di truyền học sẽ tác động đến tính hướng ngoại tương đối của con người. Theo Eysenck, sự kích thích vỏ não (mức độ tỉnh táo của não bộ) của người hướng nội mạnh hơn so với người hướng ngoại. Đó chính là lý do, người hướng ngoại luôn tìm kiếm sự kích thích ở bạn bè (đặc biệt là những người bạn mới). 

Có một cách giải thích phổ biến cho sự khác biệt về hạnh phúc giữa người hướng nội và người hướng ngoại dựa trên những nghiên cứu của Jung và Eysenck's rằng: Con người vốn dĩ là động vật xã hội, vì vậy tiếp xúc mang lại hạnh phúc. Vì vậy, những người hướng ngoại thường cảm thấy hạnh phúc hơn. Mặc khác, những người hướng nội thích sự cô độc và thường đấu tranh nội tâm để trở nên hòa đồng. Nhưng điều không đồng nghĩa rằng, ở một mình sẽ khiến họ hạnh phúc hơn.

Hướng Nội: Sức mạnh của sự yên lặng trong một thế giới nói không ngừng

Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa bổ cũng ảnh hưởng đến khái niệm hạnh phúc của mỗi người. Xã hội Mỹ luôn coi trọng và đề cao tính hướng ngoại. Họ xem nó là một lợi thế trong việc kiếm tiền khi trung bình mỗi năm, nhóm người hướng ngoại kiếm được nhiều hơn khoảng 12.000 USD so với nhóm hướng nội. Không những thế, tính cách hướng ngoại còn mang đến những lợi thế trong công việc. Họ có nhiều cơ hội thăng tiến, nắm giữ vị trí lãnh đạo và luôn đạt hiệu suất tốt.

Song Susan Cain, tác giả quyển sách Hướng Nội: Sức mạnh của sự yên lặng trong một thế giới nói không ngừng tin rằng, quá đề cao người hướng ngoại là biểu hiện của sự thiếu chiều sâu văn hóa. Theo bà, việc ngưỡng mộ và khen thưởng người hướng ngoại một cách thái quá gây ra sự bất công và cản trở những tiến bộ của xã hội. Đôi khi, một người lãnh đạo tự cao với những lý luận hấp dẫn, lôi cuốn sẽ khiến ta vỡ mộng. Vì vậy, đừng sợ hãi khi đang mắc phải những rắc rối điển hình thuộc nhóm tính cách của mình. Vẫn có những bài học bổ ích mà ta nên học từ nhóm tính cách còn lại.

Người hướng nội nên học cách nhìn về tương lai, giống như người hướng ngoại

Vào năm 2001, một nhóm các học giả tại đại học Oxford đã thực hiện khảo sát trên 4 nhóm: người hướng ngoại hạnh phúc, người hướng ngoại không hạnh phúc, người hướng nội hạnh phúc và người hướng nội không hạnh phúc. Kết quả cho thấy, người hướng ngoại có cuộc sống vui vẻ thường đông hơn 1-2 người so với người hướng nội. Và các nhà nghiên cứu cũng quan tâm đến những yếu tố tạo nên sự hạnh phúc của người hướng nội. Họ đã tìm thấy ba điểm giống nhau ở cả hai nhóm người hướng nội và hướng ngoại hạnh phúc là sự lạc quan, ý thức về mục đích sống và lòng tự trọng.

Tất nhiên, người hướng ngoại thích kể với người khác về tương lai, ước mơ và mục đích sống của mình. Theo các nhà tâm lý học, việc chia sẻ là một hành động mang tính cam kết đối với người hướng ngoại. Vì vậy, khi họ nói với bạn về những dự định, khả năng đạt được mục tiêu của sẽ tăng lên và điều đó khiến họ hạnh phúc. Ngược lại, những người hướng nội hạnh phúc luôn tự nghĩ về tương lai thay vì chia sẻ với nhiều người (vì điều đó khiến họ không thoải mái). Họ có xu hướng tìm kiếm tình bạn thân thiết, nơi họ có thể chia sẻ ước mơ và mục tiêu cuối cùng sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng.

Người hướng ngoại nên tìm kiếm tình bạn sâu sắc, như cách người hướng nội vẫn hay làm

Những người bạn thân không chỉ là nơi để bạn chia sẻ ước mơ, họ là một trong những nhân tố trực tiếp tạo nên hạnh phúc của bạn. Nhưng đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là đối với những người hướng ngoại, vì họ yêu thích đám đông, khán giả, sự mới mẻ và hào hứng. 

Đại dịch đã khiến nhịp sống chậm lại và xã hội rơi vào trạng thái thu mình. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để người hướng ngoại chăm sóc những tình bạn thật sự. Và nghiên cứu cho thấy rằng, người hướng ngoại có xu hướng kết thân với những người có tính cách tương tự và điều đó sẽ giúp họ tối ưu mức độ hạnh phúc. Trước khi cuộc sống trở lại bình thường, bạn hãy thử đặt mục tiêu xây dựng một tình bạn sâu sắc trong vài tuần và vài tháng tới. 

Nếu không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy quan sát và học hỏi những người có tình bạn đẹp, bền lâu. Vì ngoài những vấn đề về tính cách, quan sát và học hỏi từ những người rất khác là một cách để trở nên hạnh phúc hơn. Vì con người luôn khác biệt kể cả về tính cách hay văn hóa. Không ai trong chúng ta sở hữu khái niệm hoàn hảo nhất về sự hạnh phúc. Hãy tìm cảm hứng và học tập quan điểm của những người khác biệt để cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống.

Quỳnh Hoa