Để tận dụng lượt truy cập khổng lồ, AirAsia tính bán vé máy bay cho công ty khác
AirAsia.com - trang web của hãng hàng không AirAsia - đã lên kế hoạch bán vé máy bay của những hàng hàng không mà AirAsia không cạnh tranh. Công ty muốn tận dụng số lượt truy cập 65 triệu/tháng để những đại lý du lịch trực tuyến kiếm lời.
Hãng hàng không lớn nhất Đông Nam Á đang cung cấp dịch vụ thuê ô tô, đặt phòng tại nửa triệu khách sạn và căn hộ dịch vụ trên toàn thế giới; các gói du lịch ở 5 điểm đến trong khu vực. Ban lãnh đạo AirAsia tin rằng họ có thể triển khai những dịch vụ đó chu đáo và hiệu quả hơn so với ngành du lịch nhờ lượng dữ liệu lớn từ những người thường xuyên sử dụng mạng lưới của họ.
AirAsia đang cung cấp dịch vụ thuê ô tô, đặt phòng tại nửa triệu khách sạn và căn hộ dịch vụ trên toàn thế giới. Ảnh: tripadvisor.com
"Tôi có một nền tảng mạnh đến nỗi tôi có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp bán những nội dung khác. Chúng tôi có thể hoạt động hiệu quả như mọi đại lý du lịch trực tuyến trong hoạt động đặt phòng khách sạn, hay hiệu quả hơn Klook trong việc bán các hoạt động khác", ông Tony Fernandes, người sáng lập kiêm tổng giám đốc AirAsia, thổ lộ về chiến lược kinh doanh trong cuộc phỏng vấn với báo South China Morning Post trong khuôn khổ Hội nghị Đầu tư châu Á do ngân hàng Credit Suisse tổ chức tại Hong Kong hôm 10/4.
Klook có hơn 16 triệu lượt truy cập trong cả mùa hè năm ngoái, trong khi AirAsia có 65 triệu lượt truy cập mỗi tháng, trong đó 50 triệu là khách hàng trung thành.
Dữ liệu khổng lồ là vũ khí có thể giúp AirAsia chiếm thêm thị phần du lịch, đồng thời giúp hãng hiểu khách hàng hơn và thôi thúc họ chi tiêu trong hệ sinh thái của hãng. Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương dự đoán trong 5 năm tới, doanh thu của AirAsia ở thị trường châu Á sẽ tăng 53%, đạt 625 tỷ USD.
Việc đầu tiên mọi người làm khi họ muốn đi du lịch là mua vé máy bay, chứ không phải khách sạn, theo ông Fernandes. Doanh thu bán vé của AirAsia.com đã đạt 4 tỷ USD vào năm ngoái.
"AirAsia tiếp xúc với khách hàng trước nên chúng tôi sẽ có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác. Trong tương lai, chúng tôi có thể bán vé của hãng hàng không mà không cạnh tranh với AirAsia và có đối tượng khách hàng khác với chúng tôi".
65 triệu người truy cập trang airasia.com hàng tháng, trong đó 50 triệu người là khách hàng trung thành. Ảnh: SCMP
Mohshin Aziz, chuyên gia tài chính của Maybank Malaysia ở thành phố Kuala Lumpur, nhận định ông Fernandes đang quan tâm đến lối sống, về nền tảng kỹ thuật số hơn là một hãng hàng không truyền thống.
"Hãng AirAsia có đủ dữ liệu người dùng để xây dựng hoặc tạo ra một thuật toán dự đoán mô hình mua hàng của du khách. Rất nhiều hãng hàng không đang đi ngược lại xu hướng này, vì vậy, AirAsia có thể dễ dàng hưởng lợi thế.
Vị chuyên gia cũng nhận định AirAsia có phạm vi và tiềm năng lớn trong việc bán vé chặng quốc tế so với các hãng bay quốc nội khác, đặc biệt đối với các hãng hàng không của Đông Nam Á có chuyến bay thẳng đến châu Âu hoặc Australia.
Raini Hamdi, biên tập viên phụ trách khu vực châu Á tại trang thông tin về công nghệ và du lịch Skift bình luận rằng, AirAsia là một trong những thương hiệu mà người dân ở Đông Nam Á có cảm tình nhất. Theo số liệu, lượng truy cập trang airasia.com tăng dần theo thời gian, với 650 triệu người đã sử dụng điện thoại di động và Internet để đặt phòng du lịch trực tuyến qua trang này.
"Nếu AirAsia thực sự chú tâm vào kế hoạch mở rộng phạm vi nội dung, họ sẽ thành công" - cô nhấn mạnh.