[Phần 1] Cuộc chiến hàng không Vietjet - AirAsia: 'Ngã ngựa ba lần', AirAsia quyết quay trở lại
Ba lần đưa AirAsia vào Việt Nam đều thất bại
Từng ba lần, Tony Fernandes cố gắng đưa AirAsia vào Việt Nam, một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, cả ba lần ông đều thất bại. Nhưng không bỏ cuộc, người đứng đầu của hãng hàng không giá rẻ đầu tiên và lớn nhất khu vực sẽ có lần thử sức thứ tư.
Và đối thủ lớn nhất của AirAsia, không ai khác ngoài CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air - Mã: VJC), doanh nghiệp chiếm lấy 45% thị phần hàng không Việt Nam trong 7 năm với mô hình kinh doanh sao chép của AirAsia.
Fernandes, cựu kế toán và giám đốc điều hành của Warner Music đã tạo ra hãng hàng không của mình chỉ từ 1 Ringgit (0,24 USD), 40 triệu Ringgit nợ và sự tự tin. Ông sẽ phải đối đầu cùng bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người đã kiếm được hàng triệu USD đầu tiên trong thời gian học tập tại Moscow. Bà Thảo trở thành một trong những nữ tỉ phú tự thân đầu tiên tại Đông Nam Á một phần nhờ vào khoản đầu tư Vietjet.
Cả hai đều hiểu tiềm năng to lớn của thị trường Việt Nam, nền kinh tế mới nổi với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm dao động từ 6 – 7%. Dân số đạt hơn 95 triệu người và 40% trong số đó trong độ tuổi từ 25 – 59.
Tuy nhiên ngân sách dành cho hàng không của người dân lại đang là một trong những nước thấp nhất khu vực, tỷ lệ 1,7 máy bay trên một triệu người được khai thác bởi các hãng hàng không giá rẻ là thấp hơn nhiều so với 2,1 tại Philippines và 2,6 tại Indonesia (số liệu Vietjet).
Chính tiềm năng này khiến Fernandes quyết tâm thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh của hãng hàng không đến từ Malaysia, hoạt động tại các thị trường khác như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Phillipines và Thái Lan.
“AirAsia là một hãng hàng không Asean”, ông Fernandes tuyên bố ngày 6/12/2018. “Và tại Asean, Việt Nam là một trong những quốc gia còn lại, đông dân mà chúng tôi chưa khai thác”.
Nỗ lực lớn nhất của ông vào tháng 12 năm ngoái được ghi nhận khi AirAsia đạt thỏa thuận thành lập liên doanh hàng không với một công ty lữ hành Việt Nam – Thiên Minh Group, hãng hàng không Malaysia sở hữu 30% vốn điều lệ.
Tony Fernandes - CEO AirAsia (Ảnh: Tsuyoshi Tamehiro) |
Đã từng bắt tay, giờ thành đối thủ
Nhưng bầu trời Việt Nam hiện khá chật chội, ngoài Vietjet, AirAsia sẽ vấp phải sự cạnh tranh đến từ hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, công ty con Jetstar Pacific Airlines (liên doanh cùng Tập đoàn Qantas của Úc) và hãng hàng không Bamboo Airways đang có kế hoạch triển khai chuyến bay đầu tiên trong vài tuần tới.
Với phân khúc khách hàng, mô hình hoạt động tương tự, Vietjet được cho là thách thức lớn nhất của AirAsia nếu như muốn “làm nên chuyện” tại thị trường Việt Nam.
Được thành lập vào năm 2007, Vietjet có chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2011, công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm 46% trong vòng ba năm qua.
Đội bay 60 chiếc của Vietjet hiện là một trong những đội bay trẻ nhất ngành hàng không, tuổi đời trung bình 3,5 năm. Hãng đặt hàng 371 máy bay được giao dần từ nay đến năm 2025.
So sánh về số hành khách và đội bay của AirAsia và Vietjet (Nguồn: Nikkei) |
Cổ phiếu Vietjet niêm yết vào tháng 2/2017, gần đây đã vượt AirAsia về vốn hóa thị trường, đạt 3,6 tỉ USD (tháng 9/2018) cao thứ hai đối với một hãng hàng không Đông Nam Á, chủ sau Singapore Airlines. Trong khi đó, vốn hóa AirAsia chỉ ở 2,5 tỉ USD, mặc dù công ty này thống trị thị trường khu vực thông qua mạng lưới liên doanh, vận hành 208 máy bay và 375 chiếc khác đã được đặt hàng.,
Cả hai hãng hàng không đều đang phải đối mặt với những thách thức nhất định. Ngày 25/12, cơ quan quản lý hàng không Việt Nam cho hay sẽ dừng tăng chuyến bay của Vietjet, đồng thời giám sát hoạt động sau một loạt sự cố được cho là “mối đe dọa nghiêm trọng” với ngành hàng không.
Sau sự kiện máy hay đáp rơi bánh, một chiếc khác của hãng hạ cánh sai đường băng, một chiếc bị buộc quay lại sân bay sau khi cất cánh vì báo lỗi kỹ thuật và nhiều cảnh báo sai gắn với phần mềm được cài đặt trong máy bay…
Vietjet vẫn sẽ bị giám sát cho đến ngày 15/1, sau đó các cơ quan quản lý sẽ quyết định xem hãng có được phép bổ sung thêm các chuyến bay hay không. Người phát ngôn của Vietjet cho biết, công ty đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo “mức độ an toàn cao nhất” trong hoạt động.
Trong khi đó, AirAsia cũng phải đối mặt với “những cơn gió ngược” đến từ chi phí nhiên liệu tăng và dư thừa nguồn lực trên toàn hệ thống. Tất cả các thị trường ngoài Malaysia đều báo lỗ hoạt động trong quý III, lợi nhuận hoạt động ròng giảm 2/3 do chi phí tài chính tăng. Điều này báo hiệu “bắt đầu thời kỳ khó khăn phía trước”, Raymond Yap, chuyên gia của CIMB Research nhận định.
So sánh lợi nhuận thuần của AirAsia và Vietjet (Nikkei) |
AirAsia cũng phải chịu thất bại trong kế hoạch mở rộng vào thị trường Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, hãng đã hủy bỏ một dự án thâm nhập vào thị trường đại lục với một đối tác được Nhà nước hậu thuẫn vì yếu tố chính trị.
Thừa nhận với Nikkei, ông Fernandes cho biết AirAsia cần tập trung vào những công việc hiện tại trước khi đi tìm kiếm những sự hợp tác mới. “AirAsia sẽ không mở thêm bất kỳ hãng hàng không nào trong ba năm tới”, Fernandes đăng tweet. Ông cũng nói rằng, liên doanh Việt Nam sẽ là hãng hàng không cuối cùng được mở mới cho đến khi các thị trường Indonesia và Philippines của hãng đem về lợi nhuận.
Việt Nam có thể là “bánh đà” của AirAsia trong thị trường khu vực, nhưng điều này không có sự đảm bảo chắc chắn.
Cú ngã ngựa đầu tiên của AirAsia tại Việt Nam, cách đây 11 năm
Thực tế, Việt Nam đã sử dụng radar của AirAsia từ năm 2005, bốn năm sau khi thành lập hãng hàng không đầu tiên. Hãng hàng không Malaysia ban đầu đề nghị hợp tác đối với Pacific Airlines, tiền thân của Jetstar Pacific, nhưng đã thất bại trước Qantas.
Nỗ lực nghiêm túc đầu tiên của hãng để xâm nhập vào thị trường Việt Nam được thực hiện vào năm 2007 thông qua liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam (Vinashin), trong đó AirAsia góp 30% vốn. Hợp tác này thất bại trước sự miễn cưỡng của Chính phủ trong việc cấp phép cho các hãng hàng không mới, đặc biệt là có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài.
Ba năm sau (2010), AirAsia quay trở lại, cố gắng hợp tác cùng Vietjet, một lần nữa ước vọng của hãng này lại thất bại do những quy định nghiêm ngặt trong kinh doanh hàng không tại Việt Nam.
Gần một năm sau đó, Vietjet có chuyến bay thương mại đầu tiên. Vietjet Air từ một hãng vận chuyển với chỉ hai tuyến bay nội địa năm 2011, giờ đây đạt hơn 100 tuyến bay, gần 70% số đó là tuyến bay quốc tế. Ngoài hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn có những sở thích khác trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và công nghiệp. Bà Thảo cùng các tổ chức liên quan hiện nắm gần 50% vốn điều lệ tại Vietjet Air.
Xem thêm |